Đồng thuận nới trần bội chi

Đồng thuận nới trần bội chi

(ĐTCK) Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh lại nhu cầu bức thiết để tăng đầu tư của Chính phủ nhằm kích thích kinh tế.

Ngày 31/10 và ngày 1/11, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội năm 2013, kế hoạch 2014 và định hướng 2 năm còn lại của kế hoạch 2011 – 2015.

Trước đó, Báo cáo của Chính phủ cho biết, năm 2013 trong số 15 chỉ tiêu Quốc hội đề ra, có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch như lạm phát được kiềm chế, tỷ lệ nhập siêu ở mức thấp. Nhóm không đạt kế hoạch đều tập trung vào các chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP và tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP.

Về chỉ tiêu GDP, năm 2013 ước đạt 5,4%, thấp hơn kế hoạch đã điều chỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2011-2013 dự kiến chỉ đạt 5,6% một năm, thấp nhất trong 13 năm.

Về sản xuất kinh doanh, tình hình vẫn rất khó khăn, tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ, không phát sinh số thuế phải nộp cao hơn so với các năm trước khiến cân đối ngân sách trở nên đáng báo động trong năm nay.

Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính Ngân sách, năm 2013 ngân sách ước hụt thu khoảng 63.630 tỷ đồng. Sau nhiều năm vượt thu, đây là năm đầu tiên số thu ngân sách cả năm ước không đạt dự toán. Trong khi vẫn cần vốn cho đầu tư phát triển, Chính phủ đã phải đề xuất nâng trần bội chi từ 4,8% lên 5,3%. Ủy ban Tài chính ngân sách tán thành với đề xuất này.

Năm 2013 ngân sách ước hụt thu khoảng 63.630 tỷ đồng

Tái cơ cấu nền kinh tế dù đã được triển khai tích cực nhưng vẫn chưa thu được những kết quả rõ rệt. Tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công mời dừng ở việc kiểm soát chặt hơn nguồn đầu tư danh mục đầu tư chứ chưa ngăn chặn được từ gốc rễ trách nhiệm phê duyệt dự toán đầu tư quá mức cần thiết, kém hiệu quả.

Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, đến nay đã cơ bản thực hiện xong việc tái cơ cấu 9 ngân hàng yếu kém, tuy nhiên nợ xấu vẫn còn ở mức cao và tình trạng sở hữu chéo chưa được giải quyết.

Tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng mới dừng ở sắp xếp, định hướng thoái vốn đầu tư ngoài ngành, kết quả mang lại từ quá trình này còn chậm, mà thực tế cho thấy để càng chậm thì hậu quả càng trầm trọng hơn.

Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu của hai năm 2014-2015 đều hướng tới các chỉ tiêu tích cực hơn: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 6%/năm; GDP bình quân đầu người khoảng 2.200-2.300 USD vào năm 2015; giá tiêu dùng tăng khoảng 7%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 10%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng khoảng 31-32% GDP. Giải quyết việc làm cho 3,0-3,2 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

Đóng góp ý kiến vào tình hình phát triển kinh tế, nhiều ý kiến đại biểu nhấn mạnh nhu cầu bức thiết để tăng đầu tư của Chính phủ nhằm kích thích các đầu tư của các thành phần kinh tế khác.

Một số đại biểu nhận định cần chú ý huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển trong bối cảnh tổng vốn tăng về lượng nhưng giảm về tỷ lệ. Kiến nghị về tăng cường đầu tư giúp người dân phát triển kinh tế.

Do thời gian đầu thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế nên phát triển kinh tế vẫn phụ thuộc vào tăng trưởng vốn đầu tư. Không đẩy mạnh đầu tư thì cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến tạo việc làm và tạo nguồn lực để phát triển lâu dài.

Các đại biểu tán thành việc mở rộng đầu tư ở mức độ, khoảng thời gian hợp lý trong giới hạn nợ công cho phép thông qua huy động vốn TPCP, nới trần bội chi có thêm vốn đầu tư phát triển. Đồng thời bảo đảm tính trọng tâm, trọng điểm, khắc phục bệnh dàn trải.