Dòng tiền sẽ “chảy” vào đâu trong năm 2011?

Dòng tiền sẽ “chảy” vào đâu trong năm 2011?

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán sẽ diễn biến như thế nào trong năm 2011 sau một năm nhiều biến động? Các chuyên gia kinh tế chia sẻ quan điểm nhân dịp bước sang năm 2011.

Sự biến động thất thường của thị trường tiền tệ năm qua khiến các nhà đầu tư “chóng mặt”, còn các chuyên gia kinh tế cảm nhận thế nào?

 

TS Lê Hồ Khôi

 

Dòng tiền sẽ “chảy” vào đâu trong năm 2011? ảnh 1
TS Lê Hồ Khôi

Trong năm 2010, chúng ta đã chứng kiến sự biến động thất thường của thị trường tiền tệ và thị trường vốn, với đặc trưng cơ bản là sức ép lạm phát, lãi suất ở mức độ cao, biến động về tỷ giá hối đoái, giá vàng, khan vốn cung cho doanh nghiệp, đặc biệt DNNVV. Dòng tiền của nhà đầu tư cũng tìm đến những thị trường trú ẩn an toàn để bảo toàn đồng vốn như thị trường vàng, thị trường bất động sản. Áp lực tỷ giá, lãi suất và lạm phát vẫn luôn là bài toán khó giải quyết với nền kinh tế. Điều quan trọng của những biến động này là hết sức khó dự báo. Đây cũng là khó khăn lớn nhất đối với các định chế tài chính tiền tệ.

 

Ông Alan Phạm

 

Các dòng tiền tham gia vào thị trường trong năm 2010 không đều đặn và biến động do nhiều yếu tố như: NHNN siết chặt tiền tệ vào đầu năm, giảm tăng trưởng tín dụng để tránh tình trạng nhầm lẫn như năm 2009 khi tín dụng tăng trưởng 40%. Thanh khoản ngân hàng đối với thị trường giảm đi… Tuy nhiên, đến các tháng cuối năm 2010, tình hình cho thấy dấu hiệu tích cực hơn.

 

Theo UBCKNN, tổng đầu tư nước ngoài gián tiếp đạt gần 1 tỷ USD, so với mức thoái vốn ròng các khoản đầu tư trong năm 2009. Có thông tin cho biết giới đầu tư nước ngoài lại quan tâm đến thị trường Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế tại khu vực châu Âu và Mỹ rất yếu nên các dòng tiền đầu tư đang chuyển dịch vào các thị trường đang nổi, đặc biệt tại châu Á. Có thể kết luận rằng, thanh khoản biến động suốt trong năm, nhưng về cuối năm 2010, tình hình được cải thiện đáng kể. Điều này mở đường cho xu hướng tăng của thị trường từ bây giờ cho đến cuối năm và có thể kéo dài sang năm 2011.

 

Ông Nguyễn Việt Hùng

 

Sự biến động của dòng tiền năm 2010 không phải là nguyên nhân chính khiến các định chế tài chính gặp khó khăn mà sự suy giảm của dòng tiền trong hầu hết thời gian năm 2010 mới là yếu tố đáng quan tâm. Khi dòng tiền suy giảm, thị trường sẽ bị tác động tiêu cực. Nhiều mã bluechip đã giảm tới 30% so với đầu năm, ảnh hưởng rất lớn đến danh mục đầu tư của nhóm định chế tài chính.

 

Các quyết sách trong điều hành thị trường năm qua đã đóng một vai trò quan trọng trong diễn biến thị trường tiền tệ, dù nhận được nhiều phản hồi trái chiều. Vậy những tác động của chúng sẽ tiếp diễn như thế nào trong năm tới đây?

 

TS Lê Hồ Khôi

 

Những bất ổn kéo dài của nền kinh tế đòi hỏi phải xác định lại chiến lược và mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cần phải có một kế hoạch tổng thể để tái cấu trúc nền kinh tế. Trong năm 2010, những giải pháp có lẽ vẫn chủ yếu mang tính tình thế và ngắn hạn trong điều hành chính sách tài chính, tiền tệ.

 

Kết thúc 2010, nền kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,6 - 6,8%, song chúng ta tiếp tục trả giá cho sự tăng trưởng này. Đó là: lạm phát đã lên mức hơn 11% (quá cao so với xu thế chung của thế giới và khu vực), lãi suất đang ở mức cao so với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế (so với xu thế chung của thế giới và khu vực, lãi suất của Việt Nam quá bất ổn); thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại (đặc biệt thâm hụt thương mại với Trung Quốc vẫn ở mức cao) đang dần tiến tới mức độ báo động, ảnh hưởng đến tính bền vững của phát triển kinh tế. Vì vậy nhiệm vụ trọng tâm lúc này là phải ổn định tỷ giá, hạ lãi suất và thu hút, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vào những khu vực kinh tế quan trọng trong bối cảnh dư địa cho các chính sách tài chính - tiền tệ không còn nhiều.

 

Ông Alan Phạm

 

Các biện pháp chính sách được thực hiện cuối năm 2010 sẽ có tác động thuận lợi kéo dài sang năm 2011. Trong quý 4, lãi suất huy động và lãi suất cho vay tăng rất cao, gây khó khăn cho nhiều công ty. Nhưng tình hình này đã dịu lại trong các tuần qua, và xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2011. Thị trường sẽ lắng dịu theo sự bình ổn của lãi suất. Áp lực giảm giá đối với tiền đồng, mặc dù vẫn còn tồn tại, nhưng tiến triển thuận lợi: mức chênh lệch về tỷ giá ngoại hối giữa thị trường chính thức và tự do đã thu hẹp. Giới đầu tư nước ngoài rất quan ngại về nguy cơ phá giá tiền đồng. Họ có thể sẽ giải ngân khi nguy cơ này được kiểm soát. Các chính sách đã thay đổi và sẽ ảnh hưởng tích cực đến thị trường trong năm 2011.

 

Ông Nguyễn Việt Hùng

 

Dòng tiền sẽ “chảy” vào đâu trong năm 2011? ảnh 2
Ông Nguyễn Việt Hùng

Cuối năm 2010, NHNN điều chỉnh hàng loạt các chính sách tiền tệ quan trọng. Đây đều là những điều chỉnh trung và dài hạn. Như vậy, các chính sách này sẽ có tác động sang năm 2011 và ảnh hưởng nhiều đến TTCK. Cụ thể là chính sách tiền tệ thắt chặt có khả năng sẽ được duy trì trong khoảng từ 3 - 6 tháng đầu năm, tới khi lạm phát, tỷ giá và lãi suất ở mức hợp lý hơn. Điều này đồng nghĩa với tăng trưởng tín dụng sẽ bị thu hẹp trong thời gian đầu năm. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán không nhất thiết phải suy giảm để phản ánh định hướng chính sách này vì thị trường luôn có xu hướng đón đầu. Vấn đề chính là NHNN phải tạo được niềm tin từ phía nhà đầu tư về hiệu quả trung và dài hạn của các chính sách tiền tệ, như thế thị trường mới tăng trưởng bền vững.

 

Năm 2010, thị trường chứng khoán đã phải chịu “lép vế” hơn so với các thị trường khác như vàng, USD, bất động sản.…Sang năm tới, liệu chúng ta có thể kỳ vọng vào một dòng tiền “đổ mạnh” vào thị trường này?

 

TS Lê Hồ Khôi

 

Muốn huy động được nguồn vốn nước ngoài thì phải tăng cường và nâng cao tính minh bạch của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Những vấn đề cấp bách cần chú trọng là: ổn định tỷ giá hoặc có thể dự báo được biến động của tỷ giá; nhất quán trong việc ra quyết định và thực thi chính sách kinh tế; tôn trọng, không phân biệt đối xử các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư, sản xuất… Tuy nhiên điều này lại dễ mắc vào bộ ba bất khả thi là tự do hóa đồng tiền, ổn định tỷ giá và thi hành chính sách tiền tệ độc lập. Ở khía cạnh này, Việt Nam ít lợi thế hơn so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc.

 

Mặt khác, lãi suất luôn diễn biến ngược chiều với thị trường chứng khoán. Khi kỳ vọng vào sự ổn định được đảm bảo, thì giá cả của tiền tệ (tức chi phí vốn) mà doanh nghiệp phải chịu đựng sẽ giảm. Từ đó dòng tiền có cơ hội lưu thông sang các thị trường hàng hóa khác, vòng quay tiền được đảm bảo sẽ dẫn tới sự tăng trưởng chung của nền kinh tế.

 

Ông Alan Phạm

 

Dòng tiền sẽ “chảy” vào đâu trong năm 2011? ảnh 3
Ông Alan Phạm

Đối với nhà đầu tư trong nước, điều kiện huy động vốn của họ là giữ cho lãi suất thực dương. Lạm phát nên được khống chế để lợi nhuận danh nghĩa mà nhà đầu tư kiếm được không bị mất đi do sức mua giảm sút. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, rủi ro giảm giá là mối quan ngại lớn. Các chính sách nên bảo đảm sự cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường hối đoái, và nhờ vậy tránh được bất kỳ tình trạng khủng hoảng ngoại hối nào dẫn đến việc phá giá tiền đồng.

 

Năm 2011, thanh khoản thị trường sẽ có thể cải thiện. Một khi thị trường vàng và ngoại hối bình ổn trở lại, các kênh đầu tư này trở nên kém hấp dẫn đối với giới đầu tư. Do đó, vốn có thể chuyển dịch sang thị trường chứng khoán. Mặt khác, nếu áp lực lạm phát và phá giá tiền đồng đều giảm, các dòng tiền đầu tư gián tiếp của nước ngoài sẽ gia tăng vượt mức năm 2010 (khoảng 1 tỷ USD). Khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp vốn nhà nước với giá trị vốn hóa lớn được niêm yết, thị trường càng sôi động hơn khi giới đầu tư được tạo điều kiện thuận lợi trong việc lựa chọn cổ phiếu.

 

Ông Nguyễn Việt Hùng

 

Hiện nay dòng tiền trên thị trường rất dồi dào, vấn đề là nhà đầu tư cá nhân không mặn mà với tiền gửi tiết kiệm đồng nội địa do lo ngại VND sẽ tiếp tục bị mất giá. Tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ và các kênh đầu tư khác đang rất cao, đồng nghĩa với việc nếu muốn thu hút lại nguồn tiền này cần phải tạo được niềm tin của người dân vào đồng nội địa. Tôi nghĩ đây là yếu tố then chốt nhất, nhưng để làm được phải mất ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm, không thể thực hiện trong ngắn hạn.