Thị trường đang hình thành vùng đáy dài hạn, không còn nguy cơ lao dốc, nhưng nhà đầu tư vẫn có tâm lý nghi ngờ.

Thị trường đang hình thành vùng đáy dài hạn, không còn nguy cơ lao dốc, nhưng nhà đầu tư vẫn có tâm lý nghi ngờ.

Dòng tiền “xoay tua”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi dòng tiền lớn chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn để nhập cuộc thì dòng tiền đầu cơ tiếp tục lướt nhanh trên thị trường, với tâm lý thận trọng.

Chờ điểm kích hoạt dòng tiền

VN-Index tuần qua tăng giảm đan xen, tính chung tăng 0,6%, đóng cửa tại 1.049,12 điểm, nhưng có dấu hiệu nhà đầu tư muốn thoát hàng khi giá tăng. Tâm lý nghỉ ngơi trước kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 chi phối thị trường nên thanh khoản vẫn thấp.

Nhìn lại quá trình điều chỉnh của VN-Index từ 1.080 điểm xuống 1.030 - 1.040 điểm, thanh khoản thị trường liên tục giảm, dù có thông tin hỗ trợ là các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…

Cùng với đó, trạng thái kỹ thuật cho thấy sự suy yếu của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, phân hóa hoàn toàn với sự hưng phấn ở một số nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Các blue-chips suy yếu dẫn tới thị trường mất điểm tựa dẫn dắt và biến động khó lường.

VN-Index cần có một số phiên điều chỉnh mạnh để mở ra sự nhìn nhận cơ hội của nhà đầu tư và kích hoạt dòng tiền tham gia.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, với trạng thái vận động đi ngang kéo dài của thị trường, VN-Index cần có một số phiên điều chỉnh mạnh để mở ra sự nhìn nhận cơ hội của nhà đầu tư và kích hoạt dòng tiền tham gia. Chính sự dè chừng của nhà đầu tư cho thấy thị trường chưa có mức giá đủ hấp dẫn để họ đánh đổi rủi ro, tăng cường giải ngân vào cổ phiếu. Trong trường hợp xuất hiện các nhịp giảm, trên thị trường cổ phiếu không chỉ là câu chuyện về kỳ vọng, mà còn có câu chuyện về giá trị song hành.

Hiện tại, phần lớn nhà đầu tư đang ở một trong hai dòng trạng thái. Thứ nhất là nắm giữ cổ phiếu chờ ngày “về bờ”. Thứ hai là cầm tiền đứng ngoài chờ cơ hội rõ nét hơn mới tham gia, sau khi chốt lãi hoặc cắt lỗ trước đó. Vì thế, dòng tiền trên thị trường duy trì tình trạng yếu và dịch chuyển nhanh giữa các nhóm ngành, cũng như giữa các nhóm cổ phiếu.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, thị trường chứng khoán đang ở cuối chu kỳ suy thoái khi kinh tế thế giới đang ở giai đoạn tăng trưởng âm và kinh tế Việt Nam giảm tốc, tín dụng hạn chế, kết quả kinh doanh nhiều doanh nghiệp suy giảm… Dù thị trường đang hình thành vùng đáy dài hạn, hay nói cách khác là thị trường không còn nguy cơ giảm mạnh, nhưng nhà đầu tư vẫn có tâm lý nghi ngờ.

“Thị trường đang bước vào giai đoạn chuyển giao từ cuối chu kỳ suy thoái sang chu kỳ đầu giai đoạn hồi phục cho nên tôi cho rằng, thị trường có thể tiếp tục đi ngang với thanh khoản thấp cho đến hết quý II/2023”, ông Thế Minh nói.

Ông Trịnh Viết Hoàng Minh, Phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán ACB nhận xét, kinh tế Việt Nam hiện tại có phần giống với câu chuyện liên quan đến chiếc hộp Pandora trong thần thoại Hy Lạp cổ, nơi “hy vọng” nảy sinh từ một chiếc hộp đầy bóng tối và tuyệt vọng. Động thái thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ từ phía cung và kích thích nhu cầu tiêu dùng từ phía cầu có thể là “hy vọng” nhảy ra từ chiếc hộp Pandora, lan tỏa ánh sáng và sự thịnh vượng cho nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Theo ông Hoàng Minh, khi tất cả các tin tức tiêu cực về tình hình kinh tế trong và ngoài nước có thể đã được ghi nhận thì Việt Nam có thể thúc đẩy tăng trưởng phía cung. Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất chiết khấu và thuyết phục các ngân hàng thương mại làm điều tương tự là hạ lãi suất cho vay, giúp việc vay vốn dễ dàng hơn cho doanh nghiệp và cá nhân.

Đáng lưu ý, gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ ước tính khoảng 347.000 tỷ đồng để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 mới giải ngân khoảng 16%, dự kiến 290.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân trong năm 2023. Khoảng 680.000 tỷ đồng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước sẽ được giải trong năm 2023. Chính phủ đã đưa ra các chính sách hỗ trợ ngành bất động sản, giúp giảm áp lực thanh khoản ngắn hạn, khơi thông dòng vốn và khôi phục nhu cầu.

Bên cạnh đó, để mang “hy vọng” kích cầu cho nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2023/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023; Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% cho tất cả hàng hóa và dịch vụ, kích thích kinh tế tăng trưởng.

“Xoay tua” tìm cơ hội

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán luân chuyển nhanh cho thấy chiều hướng ưu tiên giao dịch ngắn hạn của nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank cho rằng, ngoài dòng tiền đã rút ra khỏi thị trường và trú ẩn ở những tài sản khác, thì dòng tiền ở lại với thị trường giai đoạn hiện tại chia thành 2 nhóm: nhóm nhà đầu tư dài hạn, mua và nắm giữ cổ phiếu ở mức định giá thấp; nhóm đầu cơ với đặc điểm dòng tiền là luân chuyển liên tục giữa các nhóm cổ phiếu.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Phân tích vĩ mô, Công ty Chứng khoán BIDV cho biết, việc xoay tua giữa các nhóm cổ phiếu là hiện tượng thường thấy trong giai đoạn thị trường diễn biến “lình xình” (sideway). Tâm lý thị trường nghi ngờ và thông tin hỗ trợ không đủ sức kéo nhà đầu tư quay lại, khiến dòng tiền không tăng. Cùng với đó, thị trường không có nhóm cổ phiếu có tầm ảnh hưởng lớn đến chỉ số đóng vai trò dẫn dắt.

“Vận động xoay tua của dòng tiền hiện tại tương đối phù hợp trong bối cảnh chung khi thị trường chưa có sự đồng thuận và dòng tiền yếu”, ông Khoa nói và nhận xét, trong ngắn hạn, diễn biến thị trường giằng co phần nào tạo ra sự mệt mỏi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, dòng tiền xoay tua có tác dụng giữ chân dòng tiền, tạo nền giá trong khi chờ đợi thông tin hỗ trợ mạnh hơn.

Xu hướng lãi suất giảm đang mang lại cơ hội cho toàn thị trường, nhưng kết quả kinh doanh phân hóa và vận động nhanh của dòng tiền sẽ khiến cho biến động các cổ phiếu ngắn hạn khó dự báo.

Một số nhóm cổ phiếu đang được thị trường quan tâm gồm nhóm hàng tiêu dùng với kỳ vọng hưởng lợi từ chính sách giảm thuế, nhóm cổ phiếu hàng hóa khi giá trên thị trường quốc tế tăng cao, nhóm cổ phiếu có định giá P/B thấp hơn thị trường chung.

Trong trung hạn, những cổ phiếu đáng quan tâm là nhóm hưởng lợi từ đầu tư công được đẩy mạnh, hoặc hưởng lợi từ lãi suất giảm, hoặc nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản nếu có nhịp điều chỉnh sau đợt tăng vừa qua (kỳ vọng kết quả kinh doanh các quý tới sẽ khả quan hơn).

Xét dài hạn, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS khuyến nghị, hiện là giai đoạn thích hợp để nhà đầu tư lựa chọn một số cổ phiếu cơ bản thuộc nhóm VN30 hoặc blue-chips nằm ngoài VN30 có mức giá hấp dẫn. Nếu đầu tư ngắn hạn thì nhà đầu tư có thể phân bổ một phần vào nhóm cổ phiếu chứng khoán, mía đường, than, bất động sản khu công nghiệp, dược phẩm.

Tin bài liên quan