Dòng vốn FDI sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn

0:00 / 0:00
0:00
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng trưởng trở lại. “Thời gian tới, dòng vốn này còn phục hồi mạnh mẽ hơn nữa”, ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định.

Liên tục sụt giảm trong 6 tháng đầu năm, nhưng vốn FDI đã phục hồi trở lại trong 2 tháng vừa qua. Ông có bất ngờ trước sự tăng trưởng trở lại của dòng vốn này?

Sự phục hồi của dòng vốn FDI đã được dự báo trước. Dữ liệu thống kê vốn FDI đăng ký mới từ đầu năm đến nay cho thấy, nếu như vào tháng 2 năm nay, vốn FDI đăng ký mới giảm tới 38% so với cùng kỳ, thì kể từ tháng 3 trở đi, mức độ sụt giảm chỉ còn 19,3%; tháng 4 là 18%; tháng 5 là 7,3%. Đến tháng 6 chỉ còn giảm 4,3%. Sang tháng 7 và tháng 8/2023, vốn FDI đăng ký đã tăng trở lại.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Nhờ đó, trong 8 tháng đầu năm nay (tính đến ngày 20/8/2023), tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, có 1.924 dự án đầu tư mới, tăng 69,5% so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 8,87 tỷ USD, tăng 39,7%; số lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn cũng tăng gần 23%, với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 4,53 tỷ USD; đầu tư gián tiếp nước ngoài thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 4,47 tỷ USD, tăng gần 63%.

Dựa vào đâu ông tin rằng, dòng vốn FDI sẽ phục hồi trong thời gian tới?

Kinh tế thế giới, đặc biệt là các đầu tàu đang dẫn dắt kinh tế thế giới đã và đang phục hồi nhờ lạm phát được kiểm soát, xu hướng tăng lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương trên thế giới đã chững lại, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng toàn cầu, nhờ đó sẽ phục hồi trở lại hoạt động ngoại thương và dòng vốn FDI, cũng như đầu tư gián tiếp ra nước ngoài tăng lên.

Việt Nam là một trong 20 nền kinh tế có kim ngạch ngoại thương lớn nhất thế giới, là một trong những địa điểm được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm sáng trên bản đồ thu hút FDI với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đang được thực thi, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới với các cam kết sâu rộng và toàn diện như CPTPP, RCEP, EVFTA. Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát hiệu quả; môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện...

Ngoài ra, còn điểm gì nữa để tin rằng, dòng vốn FDI tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, thưa ông?

Đó là bất động sản. Trong những năm gần đây, vốn FDI vào Việt Nam tập trung nhiều nhất vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (luôn chiếm trên 50% tổng vốn FDI) và bất động sản đứng thứ 2 hoặc thứ 3 (sau ngành sản xuất, phân phối điện), chiếm tỷ trọng trên 14% tổng vốn FDI.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cộng với những khó khăn nội tại của ngành bất động sản, nên từ năm 2020, đặc biệt trong năm 2021, số dự án FDI đăng ký mới và vốn FDI đầu tư vào bất động sản bị giảm mạnh. Trong 8 tháng đầu năm nay, trong khi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được gần 13 tỷ USD vốn FDI, chiếm gần 67,8% tổng vốn FDI và tăng 14,7% so với cùng kỳ, thì ngành kinh doanh bất động sản, mặc dù vẫn duy trì được ngôi vị “á quân”, nhưng mới thu hút được 1,76 tỷ USD, chỉ còn chiếm khoảng 9,7% tổng vốn FDI, giảm trên 47% so với cùng kỳ năm 2022.

Trước khó khăn của thị trường bất động sản, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã có sự quan tâm đặc biệt với ngành này với hàng loạt chỉ đạo, giải pháp tháo gỡ khó khăn. Khi thị trường bất động sản phục hồi thì nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản sẽ tăng lên, qua đó tổng vốn FDI cũng tăng lên.

Ông có nghĩ rằng, các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản đã đủ liều lượng?

Tôi cho rằng, các nút thắt về pháp lý, vốn (đa dạng nguồn vốn) trong đó đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, vốn tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản đã được tháo gỡ khó khăn kịp thời, nhưng cần phải kiểm soát rủi ro hệ thống, liên thông giữa tài chính, ngân hàng, bất động sản.

Các giải pháp phục hồi thị trường bất động sản về cơ bản đã đủ, vấn đề bây giờ là tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định 1435/QĐ-TTg (ngày 17/11/2022) về việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp, vì đây là quyết định kịp thời giúp khơi thông những ách tắc trong triển khai các dự án bất động sản, tạo động lực thúc đẩy thị trường hồi phục.

Để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, tránh tình trạng khi sốt nóng, khi giá băng, cần phải xây dựng hệ thống thông tin, dự báo về thị trường bất động sản thống nhất, tin cậy, làm cơ sở hoạch định chính sách, quản lý thị trường bất động sản; thực hiện cung cấp thông tin, bảo đảm thị trường hoạt động công khai, minh bạch.

Nguồn vốn FDI toàn cầu được dự báo sẽ tăng, nhưng không phải là vô hạn, trong khi cạnh tranh thu hút FDI ngày càng trở nên khốc liệt. Thưa ông, trong bối cảnh này, Việt Nam cần làm gì để trở thành địa chỉ đầu tư hấp dẫn?

Thứ nhất, vẫn phải tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế; cắt giảm điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển; rà soát, sửa đổi cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Thứ hai, là nâng cao chất lượng nguồn lao động, cũng như cần phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối các tỉnh, vùng kinh tế.

Thứ ba, là chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện; ưu tiên nhà đầu tư chiến lược; tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu; xây dựng cơ chế ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước.

Thứ tư, là các bộ, ngành hữu quan phải tập trung rà soát toàn bộ các khu công nghiệp: khu công nghiệp cần ưu tiên mở rộng, xây mới; khu công nghiệp cần thu hẹp và công bố danh sách khu công nghiệp có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng sẵn sàng.

Thứ năm, là tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng; đồng thời phải loại bỏ hoàn toàn các chi phí không chính thức, bởi đây là nút thắt cản trở dòng vốn đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp FDI, mà còn của các doanh nghiệp trong nước.

Cuối cùng, bên cạnh việc sẵn sàng tham gia sân chơi thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch; rà soát lại quy hoạch điện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn dự án FDI có công nghệ tiên tiến, có khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia.

Tin bài liên quan