DongA Bank thận trọng với mục tiêu lợi nhuận 2014

DongA Bank thận trọng với mục tiêu lợi nhuận 2014

(ĐTCK) Ngày 26/4, DongA Bank tiến hành ĐHCĐ thường niên năm 2014 thông qua các chỉ tiêu kinh doanh của năm. Theo đó, Ngân hàng đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng; huy động vốn tăng 20%; dư nợ cho vay tăng 12%; nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 3%.

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, trước bối cảnh khó khăn chung của thị trường, nợ xấu trên hệ thống vẫn tăng, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh, nên việc DongA Bank phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đến 558,8 tỷ đồng năm qua đã ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của Ngân hàng.

Cụ thể, tổng lợi nhuận chưa trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của DongA Bank đạt trên 989 tỷ đồng (đã trừ trích dự phòng đầu tư dài hạn 40 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng chỉ còn hơn 430 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch lợi nhuận và giảm 44% so với năm 2012. Tính đến cuối năm 2013, tổng quỹ dự phòng rủi ro tín dụng đã trích chưa sử dụng của DongA Bank trên 931 tỷ đồng.

Năm qua, DongA Bank đã mạnh dạn thực hiện tái cơ cấu lại danh mục đầu tư dài hạn, kiên quyết thoái vốn đối với danh mục đầu tư không hiệu quả, nhằm lành mạnh hóa tình hình tài chính, nên khoản lỗ 180 tỷ đồng cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận. Vì thế, chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay cũng được DongA Bank tính toán kỹ trước những khó khăn của nền kinh tế.

Năm 2014, DongA Bank tiếp tục triển khai phương án tái cơ cấu theo Đề án đã được NHNN phê duyệt và thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ lên 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng không dễ thực thi khi đã được đưa ra từ những kỳ đại hội trước mà vẫn chưa thành.

Cụ thể, ngay sau ĐHCĐ thường niên năm 2012 diễn ra vào tháng 3/2012, HĐQT DongA Bank đã lập hồ sơ xin tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng theo đúng quy định gửi NHNN và đã được NHNN, UBCK chấp thuận. Sau đó, DongA Bank đã tiến hành thông báo đến các cổ đông của Ngân hàng để các cổ đông tiến hành đăng ký và nộp tiền mua cổ phần. Tuy nhiên, đến ngày 17/12/2013 (ngày văn bản cho tăng vốn của NHNN hết hiệu lực), tổng số tiền cổ đông đã nộp và cam kết sẽ nộp chưa đủ, nên cổ đông đề nghị HĐQT cho gia hạn thời gian nộp tiền mua cổ phiếu.

Tin bài liên quan