DPM tự tin vượt thách thức

DPM tự tin vượt thách thức

(ĐTCK) Chỉ số chung của tất cả các doanh nghiệp ngành dầu khí trong Bộ chỉ số PVN-Index là PVN Allshares trong năm 2013 tăng gấp hơn 2 lần mức tăng của VN-Index và tiếp tục tăng cao từ đầu năm 2014 đến nay.

ĐTCK đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hiền, Phó chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, mã DPM) xung quanh Bộ chỉ số VPN-Index cũng như triển vọng hoạt động của Tổng công ty, nhất là khi Hiệp định TPP được ký kết. 

Cổ phiếu của các doanh nghiệp dầu khí được nhiều nhà đầu tư quan tâm, Bộ chỉ số PVN-Index có mức tăng mạnh hơn nhiều VN-Index. Bà đánh giá thế nào về kết quả của năm đầu tiên PVN-Index được đưa vào vận hành đối với các doanh nghiệp dầu khí trên TTCK nói chung và với DPM nói riêng?

Chúng tôi nhận thấy, Bộ chỉ số PVN-Index đã phán ảnh được bức tranh tương đối toàn diện về ngành dầu khí, cũng như DPM. PVN Allshares - chỉ số chung của tất cả các công ty trong Bộ chỉ số trong năm 2013 đã tăng 51,63%, gấp hơn 2 lần mức tăng của VN-Index. Kết quả này có phần đóng góp chính nhờ kết quả kinh doanh của các công ty dầu khí có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2013, với mức tăng lợi nhuận 23% so với năm 2012, thêm vào đó là tín hiệu thị trường tích cực, các công ty trong PVN-Index thu hút được dòng tiền đầu tư của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Là tổng công ty lớn trong ngành dầu khí nên DPM được lựa chọn vào các chỉ số đại diện cũng như chỉ số đầu tư (PVN10, gồm 10 cổ phiếu dầu khí có mức vốn hóa và tính thanh khoản lớn nhất) trong Bộ chỉ số. Các chỉ số này đều có mức tăng điểm cao đã tác động tích cực tới giá trị vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết, đồng thời cung cấp thông tin đa chiều về các cổ phiếu dầu khí cho nhà đầu tư.

Sản phẩm đạm Phú Mỹ ngày càng gần gũi với người nông dân

Bà kỳ vọng như thế nào về những giá trị mà Bộ chỉ số PVN-Index đem lại cho DPM trong tương lai?

Trong năm 2013, chỉ số đầu tư PVN 10 Total Return - chỉ số có khả năng giao dịch (tradable index) có mức tăng ấn tượng 48,24% và thanh khoản ở mức cao là tín hiệu tốt để CTCK Dầu khí (PSI) và Công ty Quản lý quỹ Tài chính Dầu khí (PVFC Capital) xây dựng Quỹ đầu tư theo chỉ số PVN10 ETF, dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay. Chúng tôi đánh giá cao việc PSI và PVFC Capital tích cực triển khai xây dựng quỹ đầu tư vào chỉ số PVN10 Total Return này.

Với việc vận hành chỉ số ổn định và xây dựng được quỹ đầu tư theo chỉ số trong năm nay, hoạt động của Bộ chỉ số PVN-Index sẽ có đóng góp đáng kể vào việc gia tăng giá trị vốn hóa, thanh khoản thị trường, cũng như cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho các nhà đầu tư quan tâm tới các công ty trong ngành dầu khí nói chung và với DPM nói riêng.

Là công ty lớn, diễn biến giá cổ phiếu DPM có ảnh hưởng nhất định đến Bộ chỉ số PVN-Index nên nhà đầu tư rất quan tâm đến triển vọng hoạt động của Tổng công ty, cũng có nghĩa là triển vọng của thị trường phân bón. Bà nhận định như thế nào về thị trường này trong trung hạn?

Hiện nay, theo thống kê, tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp của Việt Nam đạt trên 11 triệu héc-ta. Dự báo, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 3,5 - 4% trong 5 năm tới. Bên cạnh đó, xu hướng phát triển hiện tại của nông nghiệp Việt Nam là tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hiện đại hóa sản xuất. Chính những điều này là cơ sở để thúc đẩy sự phát triển của ngành vật tư nông nghiệp nói chung và sản xuất phân bón nói riêng. Theo tính toán, nhu cầu hàng năm đối với phân bón tăng trưởng trung bình 3%/năm, trong đó NPK có tốc độ tăng nhanh nhất, 7%/năm.

Trong năm 2014, thị trường phân bón và triển vọng sản xuất - kinh doanh của DPM được dự báo ra sao, thưa bà?

Thị trường năm nay được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Kinh tế thế giới chưa thể sớm phục hồi khiến cho ngành phân bón gặp nhiều ảnh hưởng bất lợi. Mức giá bình quân, theo dự báo của nhiều tổ chức uy tín, sẽ duy trì ở mức thấp như nửa cuối năm 2013.

Để đối phó với những diễn biến bất lợi của thị trường, DPM củng cố hệ thống phân phối rộng khắp hiện tại gồm: 4 công ty vùng miền, 2 chi nhánh, 1 VPĐD và 124 đại lý cấp 1, đảm bảo các kênh thông tin xuyên suốt, ứng phó linh hoạt với biến động về giá, cung hàng. Bên cạnh đó, Tổng công ty đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm phân bón khác mang thương hiệu Phú Mỹ như NPK, Kali, DAP…, nhằm hướng tới nhiều đối tượng khách hàng hơn nữa.

Thị trường đang quan tâm nhiều đến Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi Việt Nam ký kết TPP, ngành nông nghiệp nước ta và các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh phân bón chịu tác động như thế nào, theo bà?

Hiệp định TPP là cơ hội tốt để Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế khu vực và thế giới. Đối với ngành nông nghiệp, TPP mang tới những tác động cả tích cực và tiêu cực. Cụ thể, hàng nông sản Việt Nam có cơ hội thâm nhập vào nhiều thị trường nước ngoài khi hàng rào bảo hộ thuế quan và phi thuế quan được các nước dần dỡ bỏ. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được công nghệ sản xuất mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và tiến tới hiện đại hóa nông nghiệp. Tuy nhiên, khi hội nhập, đặc biệt là hội nhập nông nghiệp, cũng có những bất lợi. Việt Nam phải mở cửa thị trường, tức phải loại bỏ 100% dòng thuế (thuế nhập khẩu) đối với các sản phẩm nông nghiệp, trong khi rào cản kỹ thuật chưa có hoặc không cao, nên thách thức đi liền với cơ hội cho thị trường nội địa.

Ở khía cạnh sản xuất, một số cam kết trong TPP ở những lĩnh vực tưởng như không liên quan, nhưng nếu không được đàm phán quyết liệt cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và triển vọng của hàng nông sản. Ví dụ, trong dự thảo Chương lao động, nếu điều khoản về việc chặn và buộc trả lại toàn bộ hàng xuất khẩu được làm từ lao động trẻ em tại biên giới không được đấu tranh loại bỏ, thì những làng nghề thủ công, với những sản phẩm được làm ra trong quy mô hộ gia đình, với sự tham gia của trẻ em nông thôn Việt Nam sẽ là nhóm đầu tiên phải chịu thiệt thòi.

Hiện nội dung Hiệp định TPP chưa được chốt và ngày ký kết chưa được xác định cụ thể. Mặc dù vậy, ảnh hưởng của nó có thế nhận thấy rõ như đối với ngành nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt sẽ có nhiều cơ hội. Các sản phẩm nông nghiệp như cà phê, điều, tiêu, gạo và chè tiếp tục có chỗ đứng trong các thị trường Mỹ, Úc, Mê-xi-cô, Nhật Bản… Tuy nhiên, lĩnh vực chăn nuôi với các sản phẩm về thịt, sữa…, sẽ có sự cạnh tranh gay gắt hơn. Thị trường vật tư, thiết bị và kỹ thuật nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng. Đối với ngành sản xuất phân bón, cơ hội và thách thức chia đều khi thuế suất xuất, nhập khẩu được giảm về 0%, tạo cơ hội xuất khẩu, nhưng tăng cạnh tranh trên sân nhà. Là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành phân bón, với nhiều năm kinh nghiệm, thương hiệu uy tín, mạng lưới rộng khắp, sản phẩm đa dạng, chất lượng cao, DPM tự tin tận dụng được cơ hội và vượt qua các thách thức.

Tin bài liên quan