Dragon chưa hề tính đến chuyện thoái vốn

Dragon chưa hề tính đến chuyện thoái vốn

(ĐTCK-online) Trước những tin đồn thất thiệt trên thị trường, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital khẳng định, "Nhà đầu tư của Dragon Capital chưa hề tính đến thoái vốn, ngược lại, hầu hết nhà đầu tư đều muốn gia tăng hoạt động đầu tư vào Việt Nam". Báo ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Dominic Scriven xung quanh vấn đề này.

Có tin đồn trên thị trường rằng, Dragon Capital sẽ thoái vốn khỏi TTCK Việt Nam? Ông có thể xác thực thông tin này?

Tôi khẳng định là nhà đầu tư của Dragon Capital chưa tính đến việc thoái vốn khỏi thị trường Việt Nam. Ngược lại, chúng tôi vẫn đang huy động vốn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Một quỹ đầu tư vào lĩnh vực năng lượng quy mô vừa với khoảng 50 triệu USD, dự kiến, sẽ ra mắt trong nửa đầu năm 2010. Dragon đã tăng tỷ lệ sở hữu ở Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và cử đại diện tham gia HĐQT Tập đoàn này cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư vào nhiều công ty khác.

Tin đồn Dragon Capital thoái  vốn có liên quan đến việc ra đi của một nhân sự cấp cao của Công ty, vì sao có sự thay đổi nhân sự cấp cao, thưa ông?

Có thể khi Dragon Capital công bố thông tin một người điều hành cấp cao, gắn bó với Công ty nhiều năm ra đi, người ta lo ngại về cam kết đầu tư lâu dài của Dragon ở Việt Nam. Nhưng đây chỉ là sự đổi mới, cơ cấu lại hoạt động quản trị điều hành của Dragon Capital. Trước đây, chúng tôi có 6 giám đốc đầu tư độc lập. Nay, HĐQT muốn điều hành tập trung hơn nên đề nghị tôi giữ vai trò CEO, một Tổng giám đốc điều hành. Sự thay đổi về nhân sự cấp cao của Dragon Capital chỉ là kết quả nâng cấp hoạt động điều hành theo hướng hiệu quả, phù hợp hơn với chiến lược đầu tư trong giai đoạn hiện nay. Đây là một quá trình bắt đầu từ năm ngoái và vẫn đang tiếp tục làm.

Liệu có một sức ép nào từ bên ngoài, ngoài tầm kiểm soát của người điều hành, dẫn đến quyết định Công ty Quản lý quỹ Dragon phải thoái vốn?

Các quỹ do Dragon Capital quản lý cũng như các quỹ đóng trên thị trường là quỹ hoạt động có thời hạn. Cứ 2 năm một lần, tại ĐHCĐ thường niên, chúng tôi lại hỏi các nhà đầu tư rằng họ có muốn thoái vốn không. Năm 2008, ĐHCĐ đã biểu quyết là tiếp tục đầu tư ở Việt Nam, không thoái vốn. Năm nay, tại ĐHCĐ, chúng tôi sẽ đưa vấn đề này ra hỏi. Trong trường hợp ĐHCĐ biểu quyết thông qua thanh lý quỹ thì chúng tôi có khoảng 2 năm để thực hiện việc này. Tức là 2 năm để thanh lý các khoản đầu tư ở Việt Nam.

Tuy nhiên, tôi không nghĩ là nhà đầu tư muốn thế. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì đa số nhà đầu tư tổ chức đều muốn tăng các khoản đầu tư ở Việt Nam chứ không giảm. Mà trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam, các quỹ đóng như Dragon vẫn rất có lợi thế, nhất là trong việc thu hút vốn nước ngoài. Nhìn chung, tôi khẳng định, không có chuyện nhà đầu tư muốn thoái vốn.

Khi mà các nhà đầu tư muốn tăng đầu tư ở Việt Nam thì lợi thế của quỹ đóng trong thu hút vốn nước ngoài là gì, thưa ông?

Hoạt động đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn Việt Nam có 3 dạng: đầu tư trực tiếp qua công ty chứng khoán, đầu tư gián tiếp  qua quỹ mở và thông qua quỹ đóng. Thông thường, ở các thị trường mới nổi, quỹ đóng đi trước, rồi đến quỹ mở, sau đó nhà đầu tư trực tiếp mua bán. Việt Nam đang ở thời điểm nhà đầu tư bắt đầu chuyển từ tham gia các quỹ đóng sang đầu tư trực tiếp nhiều hơn. Nhưng vẫn hơi sớm để nhà đầu tư nước  ngoài đồng loạt mở tài khoản ở Việt Nam do quy trình mở tài khoản còn phức tạp. Xin được mã số tài khoản là một chuyện, xin xong lại phải gửi tiền sang ký quỹ. Điều này hơi trái với nguyên tắc quản trị rủi ro kinh doanh, tức là giao hàng nhận tiền chứ không phải giao tiền trước. Thêm nữa là vấn đề về khối lượng hàng hóa, khả năng tiếp cận thông tin, chẳng hạn, những công ty mà nhà đầu tư nước ngoài thích thì hết room. Thực tế, một số nhà đầu tư cũng đã mở tài khoản nhưng chưa dám kinh doanh. Với hình thức đầu tư qua quỹ mở, luật pháp Việt Nam chưa khuyến khích các quỹ mở, nhà đầu tư muốn thành lập quỹ mở ở Việt Nam cũng ngần ngại.

Xét cho cùng, hiện nay, các quỹ đóng vẫn có vai trò đáng kể trong thu hút đầu tư. Khi nào Việt Nam xuất siêu, dự trữ ngoại hối dồi dào hơn nữa, thì vai trò của quỹ đóng sẽ trở nên bình thường. Tuy nhiên, các quỹ đóng cũng có vấn đề mà bản thân nó phải khắc phục.

Đó là vấn đề gì thưa ông?

Các quỹ đầu tư ở Việt Nam có nhiều khoản đầu tư vào cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu chưa niêm yết, công ty mới IPO…  Nhưng nhà đầu tư nước ngoài khi đánh giá hiệu quả của quỹ từ xa, họ nhìn vào VN-Index của Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE). Họ thấy, hiệu quả đầu tư của quỹ không bằng mức tăng của VN-Index trong một khoảng thời gian nhất định. Năm vừa qua, các quỹ trên toàn cầu đều rất thận trọng, không ai nghĩ là TTCK sẽ bùng nổ lại từ tháng 4 nên sự tăng trưởng trở lại của các quỹ không bằng các chỉ số chung của thị trường. 

Vấn đề thứ hai là giá chứng chỉ quỹ luôn thấp hơn NAV (giá trị tài sản ròng). Điều này không chỉ ở Việt Nam mà các quỹ từ Trung Quốc đến Ấn Độ, châu Phi, Mỹ… đều như vậy. Do đó, các quỹ trong thời gian tới phải tập trung khắc phục hai vấn đề này. 

Trong 5 năm gần đây, Dragon Capital luôn tăng trưởng hiệu quả hơn VN-Index nên giá chứng chỉ quỹ xoay quanh NAV trên một chứng chỉ quỹ (chỉ có năm 2009 thấp hơn do ảnh hưởng của khủng hoảng). Những nhà đầu tư của chúng tôi cũng đòi hỏi Quỹ hoạt động hiệu quả hơn.

 

Đó có phải lý do các quỹ đầu tư nước ngoài cũng lướt sóng?

Nhà đầu tư không thích chúng tôi lướt sóng. Họ thích chúng tôi tìm được những công ty tăng trưởng mạnh khi thị trường tăng trưởng. Nhưng họ cũng cần sự năng động. Họ muốn nhiều hơn và Dragon Capital phải đáp ứng để cạnh tranh hơn.