Dự án động thổ “giữ chỗ” rất nhanh nhưng sau 3 năm thì “án binh bất động”

Dự án động thổ “giữ chỗ” rất nhanh nhưng sau 3 năm thì “án binh bất động”

Dự án BT “tỷ đô” chưa đủ điều kiện, Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc và Cienco 8 vẫn thi công

(ĐTCK) Báo Đầu tư Bất động sản đã thông tin về việc Liên danh nhà thầu Tập đoàn Phúc Lộc và Cienco 8 trúng thầu Dự án chống lũ sông Cầu theo hình thức BT và đề xuất được đối ứng khoảng 34 khu đất vàng tại Thái Nguyên. Cùng với nhiều băn khoăn về hồ sơ mời thầu cũng như tiềm lực để thực hiện dự án gần 24.000 tỷ đồng, có dấu hiệu liên danh nhà thầu triển khai dự án khi chưa đủ hồ sơ pháp lý(?!).

Thi công khi chưa đủ điều kiện?

Tại Công văn số 3438/UBND-QHXD ngày 15/8/2017 của UBND tỉnh Thái Nguyên báo cáo Thường trực Tỉnh ủy về tình hình triển khai thực hiện các dự án thuộc Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, tỉnh Thái Nguyên, nêu rõ: Sau khi sơ tuyển, hồ sơ đấu thầu (với một nhà thầu duy nhất tham gia - phóng viên), UBND tỉnh đã thực hiện chỉ định thầu lựa chọn nhà đầu tư là Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc và Cienco 8, đã thực hiện ký kết thỏa thuận đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư theo quy định.

Tuy nhiên, theo văn bản trên (đến ngày 15/8/2017 - phóng viên) về việc hoàn thiện, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động của 9 dự án thành phần trong Đề án theo quy định thì: “Hiện nay, báo cáo đánh giá tác động môi trường 9 dự án chưa được phê duyệt theo quy định, đây là căn cứ để cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án. Do đó, đề nghị nhà đầu tư tiếp tục phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện”.

Ở góc độ khác, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đến thời điểm 25/12/2016, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Nguyên cũng chưa thông qua phần vốn ngân sách thực hiện từng dự án thuộc Đề án đầu tư xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu.

Dự án BT “tỷ đô” chưa đủ điều kiện, Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc và Cienco 8 vẫn thi công ảnh 1

Nhiều người đến trụ sở của Cienco 8 đòi nợ

Trên thực tế, nhà đầu tư Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco 8 đang hoàn thiện phần thuyết minh tổng hợp điều chỉnh dự án, trong đó có nội dung đề nghị cụ thể các quỹ đất đối ứng để thực hiện dự án BT.

Song câu hỏi đặt ra ở đây là, trong khi các thủ tục, hồ sơ dự án chưa hoàn thiện thì ngày 25/12/2016, Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc - Cienco 8 đã tổ chức động thổ xây dựng 2 trong số 9 dự án thành phần gồm dự án số 1 và số 5 với khoảng 3 km kè và đường ven sông Cầu.

Sau khi động thổ xây dựng, Tập đoàn Phúc Lộc và Cienco 8 đã thực hiện thi công khoảng 200 m kè bờ hữu sông Cầu thuộc Dự án số 1 của Đề án.

Cùng lúc này, UBND TP. Thái Nguyên cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 3 km đê, đường ven sông (đoạn từ cầu Gia Bảy đến cầu Xuân Hòa) để bàn giao cho liên danh nhà đầu tư này.

Liệu đây có phải là những động thái “cầm đèn chạy trước ô tô” không, khi đến tận ngày 15/8/2017, tức là sau thời điểm các dự án trên khởi công gần 8 tháng, tại Công văn số 3438/UBND-QHXD cho biết: “Trên cơ sở Kết luận số 131-KL/TU ngày 22/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thông báo số 97/TB-UBND ngày 2/6/2017 của UBND tỉnh Thái Nguyên, nhà đầu tư đang phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công 3 km tuyến đê, đường, kè hai bên bờ sông Cầu đoạn từ cầu Gia Bảy đến cầu Xuân Hòa trình các cơ quan thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt”.

Nếu đúng như vậy, có thể nhận định rằng, các dự án thành phần số 1 và số 5 đã được triển khai thi công khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định?

Sai có tiền lệ?

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, không chỉ tại Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu (tỉnh Thái Nguyên), Tập đoàn Phúc Lộc cũng từng triển khai dự án theo kiểu “vừa làm vừa bổ sung” tại một số dự án khác.

Đơn cử, dự án xây dựng đường Điện Biên Phủ nối dài ở TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định do Tập đoàn Phúc Lộc liên danh với Công ty Thành An. Tháng 5/2017, dù dự án chưa được thẩm định thiết kế và dự toán, nhà đầu tư vẫn đổ đất ngăn hết chiều ngang nhánh sông Hà Thanh (thuộc phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn) để làm đường thi công cầu vượt Điện Biên Phủ. Vụ việc gây bức xúc dư luận và sau đó đã bị chính quyền tỉnh Bình Định đình chỉ thi công.

Trước đó, tháng 6/2014, ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ký công văn gửi các cơ quan chức năng, bác đề xuất Dự án khu đô thị lấn biển TP. Quy Nhơn của Tập đoàn Phúc Lộc do ý tưởng không có luận cứ khoa học, nếu triển khai chắc chắn sẽ phá vỡ môi trường…

Trở lại với Đề án đầu tư xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu. Thực tế, đây từng là dự án nhóm A theo quy định, trình tự thủ tục thực hiện, thuộc nhóm phải xin ý kiến Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về nguồn vốn, quy mô đầu tư. Tuy nhiên, các cơ quan ban ngành của tỉnh Thái Nguyên thống nhất đổi tên thành “Đề án” với 9 dự án thành phần nhóm B để cấp tỉnh ra quyết định chủ trương đầu tư.

Tổng vốn đầu tư của 9 dự án thành phần này, theo UBND tỉnh Thái Nguyên dự kiến tăng từ mức 18.211 tỷ đồng lên mức 23.909 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước vẫn giữ nguyên là 5.611 tỷ đồng, chỉ thay đổi trong việc bố trí vốn ở từng dự án. Cụ thể, đối với kinh phí giải phóng mặt bằng các dự án BT, trong khi trước đây bố trí 2.811,6 tỷ đồng, thì nay đề xuất tăng lên 3.143,2 tỷ đồng; ngược lại ở các dự án hoàn vốn dự án BT thì lại giảm, từ 2.800 tỷ đồng xuống còn 2.468,4 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn của nhà đầu tư được điều chỉnh tăng từ 12.600 tỷ đồng lên 18.298 tỷ đồng (tăng 5.698 tỷ đồng), trong đó kinh phí xây dựng là 10.227 tỷ đồng (trước là 7.000 tỷ đồng); kinh phí hoàn thiện hạ tầng đô thị gần 7.400 tỷ đồng (trước là 5.600 tỷ đồng); còn lại gần 700 tỷ đồng để bổ sung giải phóng mặt bằng dự án hoàn vốn.

Với những thông số tăng giảm này, có thế thấy phần lợi nghiêng về phía liên danh nhà đầu tư là rất rõ khi dự toán kinh phí của nhà đầu tư luôn tăng, trong khi dự án hoàn vốn BT thì lại giảm.

Trong khi đó, theo tư liệu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, trước khi “ôm” 9 dự án này, liên danh nhà thầu nói trên cũng đã trúng thầu hàng loạt gói thầu lớn với tổng giá trị trúng thầu của riêng Tập đoàn Phúc Lộc lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Mặt khác, nói là liên danh hai nhà thầu, nhưng trên thực tế hai công ty này đều do ông Lương Minh Tường làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Như vậy, nếu được lựa chọn là nhà đầu tư 9 dự án BT tại Thái Nguyên, liên danh nhà đầu tư này sẽ phải san sẻ nguồn lực tài chính của mình cho rất nhiều dự án đang dở dang và sẽ thực hiện đồng thời trong mấy năm tới bởi theo kế hoạch 9 dự án BT tại Thái Nguyên được thực hiện gần như đồng thời trong khoảng thời gian từ 2017 - 2021.

Ở góc độ khác, nhằm khách quan thông tin, chúng tôi đã đến trụ sở Cienco 8 liên hệ làm việc nhưng không thể tiếp cận vì thời gian này Cienco 8 đang bị đóng cửa vì bị đòi nợ?

Trên thực địa các dự án thành phần đã được khởi công theo kiểu “nhanh như chớp” trước đó, sau 3 năm vẫn khá nhếch nhác, mất mỹ quan và dự kiến đến năm 2023 mới hoàn thành dù đây là những dự án mang tính “cấp bách”.

Được biết, ngày 18/3/2019, trong thông báo kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã giao Sở Xây dựng đôn đốc chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh các dự án 1, 4, 5 trình thẩm định phê duyệt chậm nhất vào cuối tháng 3/2019. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy, đến thời điểm hiện tại, công trường các dự án này gần như hoang vắng, không có dấu hiệu thi  công. Đồng thời, 6/9 dự án còn lại không biết khi nào mới được triển khai?

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan