Phối cảnh Cảng hàng không Quảng Trị.

Phối cảnh Cảng hàng không Quảng Trị.

Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị: Mong manh phương án tài chính

0:00 / 0:00
0:00
Thời gian hoàn vốn tới 47 năm và việc sử dụng số liệu dự báo lưu lượng hành khách ở kịch bản cao nhất có thể khiến các nhà đầu tư đắn đo khi tham gia Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị.

Tỷ lệ thông qua tuyệt đối

Giữa tuần trước, Hội đồng Thẩm định liên ngành đã có Công văn số 5979/BC - HĐTĐLN gửi cơ quan có thẩm quyền về kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 - xây dựng Cảng hàng không thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo phương thức PPP.

Trước đó, tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2148/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị với tổng mức đầu tư 5.822,9 tỷ đồng, chia làm 2 dự án thành phần.

Cụ thể, Dự án thành phần 1 (giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ quan nhà nước tại Cảng hàng không) có tổng mức đầu tư 312,8 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức đầu tư công. Dự án thành phần 2 (Xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị) có tổng mức đầu tư 5.510,1 tỷ đồng, thực hiện theo phương thức PPP, loại BOT.

Cả hai dự án thành phần này đều do UBND tỉnh Quảng Trị là chủ đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cũng theo Quyết định số 2148, trong giai đoạn I, Dự án thực hiện phân kỳ đầu tư xây dựng các công trình cơ bản của Cảng hàng không Quảng Trị đạt tiêu chuẩn sân bay cấp 4C và sân bay quân sự cấp II theo quy hoạch và đạt công suất theo dự báo khai thác 2,2 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2046 và khoảng 5.600 tấn hàng hóa vào năm 2042.

Với quy mô như trên, chi phí đầu tư giai đoạn I của Dự án là 2.913,6 tỷ đồng bao gồm, vốn do nhà đầu tư huy động 2.680,5 tỷ đồng (vốn vay tín dụng là 2.300,5 tỷ đồng) và vốn ngân sách trung ương hỗ trợ để thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư là 233,103 tỷ đồng.

Tại Báo cáo thẩm định số 5979, Hội đồng Thẩm định liên ngành cho biết, sau khi UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản giải trình ý kiến của các thành viên Hội đồng, ngày 11/7/2023, Hội đồng Thẩm định liên ngành đã tổ chức phiên họp thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2.

Ngày 13/7/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực Hội đồng) đã có Văn bản số 5524/BKHĐT- GSTĐĐT gửi phiếu xin ý kiến thành viên Hội đồng về Báo cáo kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án.

Kết quả 14/14 thành viên Hội đồng đồng ý thông qua Báo cáo kết quả thẩm định Dự án thành phần 2 - Xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị.

“Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng Thẩm định liên ngành và thông báo kết quả thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng, UBND tỉnh Quảng Trị hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi và xem xét phê duyệt Dự án thành phần 2 - Xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị”, Công văn số 5979/BC-HĐTĐLN nhấn mạnh.

Rủi ro cao

Theo Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án sau giải trình đã bổ sung nội dung thuyết minh về việc UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư, bên cho vay, theo đó chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký quan tâm (trên hệ thống mạng Đấu thầu quốc gia) là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông T&T. Nhà đầu tư tiềm năng có đủ khả năng huy động số vốn (1.202 tỷ đồng), đủ để thực hiện dự án là 1.092 tỷ đồng.

Dù nhận được 100% phiếu thuận của 14 thành viên Hội đồng Thẩm định liên ngành, nhưng vẫn còn 2 ẩn số có thể ảnh hưởng đến phương án tài chính của Dự án thành phần 2, cũng như sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nhân.

Ẩn số đầu tiên là tại Quyết định số 2148/QĐ-TTg, thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn Dự án là 47 năm 4 tháng, nhưng tại Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án sau giải trình, thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn dự kiến lại giảm 1 tháng, trong khi, tổng mức đầu tư của Dự án thành phần 2 sau giải trình tăng 311 tỷ đồng (tương đương 5,6%) so với tổng mức đầu tư được phê duyệt trước đó.

Tại Công văn số 5856/NHNN-TD góp ý dự thảo Báo cáo thẩm định, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, Dự án thành phần 2 có thời gian thu hồi vốn dài (trường hợp doanh thu sụt giảm và chi phí đầu tư tăng 5%, thì Dự án không còn khả thi).

Đại diện NHNN đánh giá, do Dự án chưa được phê duyệt đầu tư, chưa đấu thầu lựa chọn được nhà đầu tư, vì vậy, tổ chức tín dụng chưa đủ cơ sở để thẩm định và quyết định cho vay.

“Theo phương án tài chính, trong 11 năm đầu khai thác, Dự án không có khả năng trả nợ. Với khả năng trả nợ và thời gian hoàn vốn nêu trên, rất khó có khả năng huy động vốn tín dụng”, đại diện NHNN lo ngại và đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị cần làm rõ khả năng huy động vốn cho dự án.

Ẩn số thứ hai là, tại Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thành phần 2 được trình lần đầu, dự báo lưu lượng hành khách qua Cảng hàng không Quảng Trị (kịch bản trung bình) năm đầu khai thác (2025) là 796.250 lượt hành khách/năm, năm 2050 là 2.602.833 lượt hành khách/năm, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2020 - 2030 đạt 7,5-8,5%/năm và giai đoạn 2031-2050 là 4,2-5,0%/năm.

Tuy nhiên, tại Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án sau giải trình, dự báo lưu lượng hành khách (kịch bản cao nhất) trong năm đầu khai thác (2026) là 243.781 lượt hành khách/năm, năm 2050 là 2.642.001 lượt hành khách/năm, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2020-2030 đạt 4,25%/năm; giai đoạn 2031-2050 là 4,5%/năm.

Theo Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không Quảng Trị được quy hoạch đến năm 2030 có công suất 1 triệu lượt hành khách/năm và đến năm 2050 là 2 triệu hành khách/năm.

Do dự báo lưu lượng, nhu cầu vận tải hàng không là cơ sở phân tích, đánh giá hiệu quả và xây dựng phương án đầu tư, nên Hội đồng Thẩm định liên ngành đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu đơn vị đề xuất Dự án và tư vấn nghiên cứu, làm rõ sự khác biệt rất lớn về số liệu.

Bên cạnh đó, Báo cáo nghiên cứu khả thi đã tính toán, phân tích độ nhạy của các chỉ tiêu tài chính để đánh giá mức độ rủi ro của Dự án và kết luận: “Trong trường hợp sản lượng sụt giảm và chi phí đầu tư bị tăng ở mức 5%, Dự án không còn khả thi”. Qua các kết quả nêu trên, trong bối cảnh sử dụng số liệu dự báo lưu lượng khách dùng ở kịch bản cao nhất cho thấy, Dự án có tính khả thi tài chính về mặt lý thuyết, nhưng độ rủi ro cao.

“Đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị đặc biệt lưu ý nội dung này để chỉ đạo đơn vị chuẩn bị Dự án và tư vấn nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư khả thi”, Hội đồng Thẩm định liên ngành nêu khuyến nghị.

Tin bài liên quan