Dự án Làng Việt kiều châu Âu: Manh nha cuộc chiến pháp lý

Dự án Làng Việt kiều châu Âu: Manh nha cuộc chiến pháp lý

Đầu tháng 4/2010, Báo Đầu tư nhận được đơn kiến nghị của hàng chục nhà đầu tư tại Làng Việt kiều châu Âu (Euroland) tố cáo chủ đầu tư là Công ty TSQ Việt Nam có nhiều dấu hiệu vi phạm, như chậm tiến độ, rút ruột công trình, ăn gian thiết kế, tăng giá tùy tiện… Vậy đâu là sự thật?

Bài 1: Đột nhập công trường Euroland!

 

Sự thật trên công trường

 

Vượt qua con đường đôi lầy lội trong khu đô thị mới Mỗ Lao (quận Hà Đông, Hà Nội), chúng tôi đến Dự án làng Việt kiều châu Âu trong vai khách hàng đi xem nhà của mình. Khác với các dự án khác là khách hàng được thoải mái đến xem ngôi nhà thuộc sở hữu của mình đang thi công, đón tiếp khách hàng là một cổng sắt to đùng và những người bảo vệ lực lưỡng, mặc đồng phục của Công ty TSQ Việt Nam. Sau một hồi năn nỉ, cộng thêm chút “lì xì” họ mới “linh động” cho chúng tôi vào.

Dự án Làng Việt kiều châu Âu: Manh nha cuộc chiến pháp lý ảnh 1
Tại công trường Euroland, các công nhân đang xây móng bằng gạch ba banh. Ảnh: H.T

Mấy hôm trời mưa nên công trường ngập bùn và nước. Tại các công trình đang xây dựng, vật liệu để trộn bê-tông để ngổn ngang, từng tốp công nhân trộn bê-tông theo kiểu thủ công, không có dụng cụ đo lường mà chỉ áng chừng. Cầm một thanh thép phi 14 lẫn trong đống bùn, tôi đọc thấy dòng chữ V-NGA. Chợt nhớ trong hợp đồng cam kết với khách hàng là thép Hoà Phát, Việt ý hoặc thép Thái Nguyên, tôi mới biết đây là loại thép có xuất xứ từ Trung Quốc.

 

Tò mò lại gần chồng bao bì xi măng, tôi phát hiện ra đây là loại xi măng mác PC30 chứ không phải như mác PC40 Nghi Sơn như trong hợp đồng đã ghi. Tại những ngôi nhà biệt thự đã xong phần xây thô chờ hoàn thiện, những cánh cửa chính là cửa kính bọc nhựa chứ không phải là gỗ lim, gỗ căm xe như đã thoả thuận. Thấy tôi đang săm soi từng chi tiết, anh Nguyễn Văn Nam, chủ nhà khu biệt thự liền kề LK khu 24 gần đó đưa tôi về nhà, chỉ vào ô cửa sổ nhựa bức xúc nói: “Công ty TSQ cam kết cửa sổ nhựa bằng loại Euro Window, nhưng anh thấy đấy, đây là cửa sổ nhựa không đúng chủng loại, có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, chất lượng và giá thành kém hơn rất nhiều”.

 

Chưa hết, đưa tôi lên tầng thượng, anh Nam bảo: “Công ty TSQ đã tự ý thay đổi thiết kế về mặt kết cấu của căn nhà liền kề. Theo thiết kế, mái trên nhà sẽ được đổ bê tông cốt thép, sau đó mới dán ngói, nhưng nay, Công ty tự ý thay thế bằng khung thép lợp ngói”. Theo anh Nam, mái ngói lợp trên xà gồ không đảm bảo được an ninh khi kẻ trộm có thể tự do di chuyển trên nóc của toàn bộ khu nhà liền kề.

 

Ngay cạnh lối vào của Văn phòng Công ty TSQ là một công trường… sản xuất gạch ba banh đang tăng tốc lực đúc gạch cho dù mấy hôm nay trời mưa. Theo các công nhân đang thi công, số gạch này được dùng để làm móng, xây bể nước, bể phốt. Trong khi đó, hợp đồng cho hạng mục này là phải xây bằng gạch máy tuy-nen chịu lực loại A1 sẫm…

 

Nhiều nhà đầu tư là Việt kiều ở nước ngoài không biết những thay đổi trên, mà chỉ được thông báo qua các báo cáo tiến độ xây dựng của TSQ. Một số nhà đầu tư  ở Việt Nam đã nhiều lần phản đối, nhưng công trình vẫn được tiến hành.

 

“Tối hậu thư” vô lý!?

 

Không những vậy, vào cuối tháng 12/2009, khách hàng bỗng nhận được thông báo của TSQ về việc đóng tiền đợt hai và ký phụ lục hợp đồng tăng giá phần xây thô của căn nhà, mức tăng giá lên đến trên dưới 40% giá trị của căn nhà theo hợp đồng đã ký. Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, khách hàng đã đóng đến 70% giá trị từ năm 2007.

 

Ông Nguyễn Hữu Chiến, chủ khu liền kề LK5A cho biết, ngoài gần một tỷ đồng tiền đất, ông sẽ phải trả hơn 1,3 tỷ đồng tiền xây dựng nhà. Nếu đồng ý theo thông báo của Công ty TSQ, ông sẽ phải nộp thêm gần 368 triệu đồng phát sinh.

 

Theo điều tra của chúng tôi, mỗi khách hàng được TSQ gửi “tối hậu thư” nếu ký phụ lục hợp đồng này sẽ phải nộp thêm tiền “trượt giá” từ 400 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng. Và nếu tất cả khách hàng cùng đồng ý, số tiền “bù trượt giá” mà TSQ thu được sẽ xấp xỉ trên dưới 200 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư cho biết, đây là điều hoàn toàn áp đặt, vì Công ty không có bằng chứng chứng minh cho khách hàng thấy được cơ sở của việc tăng giá.

 

Ông Nguyễn Hữu Thọ, chủ khu nhà LK- 6B bức xúc, theo điều 3, mục 3.1 của hợp đồng, thì thời gian hoàn thành phần thô dự kiến trước ngày 31/7/2008 và thời gian hoàn thành phần hoàn thiện ngoài nhà dự kiến trước ngày 31/12/2008. Còn theo điều 4, mục 4.1.2, điểm g, thì thời gian bàn giao nhà dự kiến trước tháng 12/2008. Tuy nhiên, đến nay, hợp đồng lại ghi rất chung chung về thời hạn giao nhà, trong đó từ “dự kiến” được nhắc đến trong tất cả những điều khoản về thời hạn giao nhà. Ngoài ra, hợp đồng không hề nhắc đến trách nhiệm của Công ty TSQ nếu giao nhà chậm. “Nộp tiền chậm bị mất nhà, còn TSQ chậm giao nhà tới 15 tháng, nhưng không phải chịu phạt, mà còn thản nhiên yêu cầu nhà đầu tư nộp thêm tiền. Công bằng nằm ở đâu?”, ông Thọ bức xúc nói.

 

Bài 2: Chủ dự án quanh co