Phiên họp sáng 28/8 của Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Phiên họp sáng 28/8 của Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Dự án Luật Các tổ chức tín dụng hoàn thiện chưa đạt yêu cầu

0:00 / 0:00
0:00
Dự kiến, Dự án luật này sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tháng 9, sau đó sẽ lấy thêm ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách bằng hình thức phù hợp.

Do tiếp thu, hoàn thiện chưa đạt yêu cầu, dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách sau, bằng hình thức phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết như trên trong phát biểu khai mạc hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, sáng 28/8.

Đây là hội nghị đại biểu chuyên trách lần thứ 4 của nhiệm kỳ khóa XV, sẽ cho ý kiến về 8 dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới. Các dự án luật này đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, trong đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được cho ý kiến lần thứ 2, ông Huệ cho biết.

Theo dự kiến ban đầu, 9 dự án luật được cho ý kiến tại hội nghị gồm: Đất đai (sửa đổi), Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nhà ở (sửa đổi); Tài nguyên nước (sửa đổi); Viễn thông (sửa đổi); Căn cước công dân (sửa đổi); Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là dự án luật khó, nhiều nội dung cần được cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu nên chưa trình được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8 vừa qua. Dự kiến, Dự án luật này sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tháng 9 sau đó sẽ lấy thêm ý kiến đại biểu chuyên trách bằng hình thức phù hợp, Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là Hội nghị có số lượng nội dung lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cũng là những dự án luật nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và đại biểu Quốc hội, có nhiều quy định mới, đối tượng chịu ảnh hưởng rộng, một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, nhất là ý kiến giữa cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo, cần tiếp tục được cân nhắc, thảo luận kỹ lưỡng.

Ông Huệ cũng cho biết, hội nghị có thêm 1 số đại biểu không chuyên trách đã chủ động đăng ký tham gia để đóng góp vào công tác xây dựng pháp luật. Một số dự án luật có mời thêm đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện tổ chức nghề nghiệp, như các luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản sửa đổi.

Gợi mở, nhấn mạnh một số vấn đề cơ bản xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, vấn đề đầu tiên được ông Huệ lưu ý là cần bám sát cơ sở chính trị.

Đặc biệt lưu ý đến Luật Đất đai, ông Huệ nói Nghị quyết 18/TW là cơ sở chính trị quan trọng cho dự án này.

“Đôi khi thảo luận qua nhiều vòng lại chỉ quan tâm đến vấn đề thứ yếu, còn vấn đề đại sự lại không được chú ý lắm”, ông Huệ nêu.

Vấn đề quan trọng nữa được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh là cần xem xét các dự án đã bám sát các chính sách lớn được đặt ra ban đầu chưa, những vấn đề mới được đánh giá tác động kỹ chưa.

Vấn đề thứ ba cần tập trung xem xét là tính hợp hiến và sự đồng bộ với hệ thống pháp luật.

Đặc biệt là Luật Đất đai sửa đổi có liên quan đến nhiều luật khác cần phải sửa cho phù hợp. Lần này các dự án luật có liên quan đến đất đai cũng đã sửa đồng thời chứ không chờ sửa xong Luật Đất đai mới tiến hành sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các vị đại biểu cho ý kiến các vấn đề lớn, quan trọng của từng dự án luật, không có vấn đề nào bỏ qua cả.

Vấn đề thứ năm được ông Huệ gợi mở là cần cho ý kiến về những vấn đề còn khác nhau, kể cả về tên gọi đến nay còn chưa có sự đồng thuận, chẳng hạn Luật Căn cước công dân, một số đại biểu chưa đồng ý bỏ hai chữ công dân như đề xuất của Chính phủ.

Điều khoản áp dụng pháp luật và điều khoản chuyển tiếp cũng là vấn đề cần xem xét kỹ, ông Huệ lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề nằm lòng là không để các dự án luật có sơ hở, có thể taọ ra tham nhũng tiêu cực, kéo thuận lợi về cho cơ quan quản lý còn đẩy cái khó cho người dân và doanh nghiệp.

Cần rà soát thật kỹ xem điều khoản nào tạo ra cơ chế xin – cho, cài cắm lợi ích, để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, thời gian còn lại của buổi sáng, hội nghị thảo luận về những vấn đề còn khác nhau của dự án Luật Căn cước công dân sửa đổi và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Tin bài liên quan