Dự cảm 2010 và những kiến nghị

Dự cảm 2010 và những kiến nghị

(ĐTCK-online) Năm 2009 qua đi kết thúc một năm thử thách đối với nền kinh tế nói chung và với TTCK nói riêng. Đây cũng là năm được đánh giá là có sự trưởng thành trong hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường và được kỳ vọng sẽ tạo một sức bật tốt cho thị trường khi bước sang năm 2010. Đại diện Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính, CLB các DN niêm yết, CLB Quản lý Quỹ đã chia sẻ những dự cảm về TTCK trong năm 2010.

"Năm 2010, các CTCK sẽ vững vàng và chuyên nghiệp hơn"

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB)

Năm 2009 qua đi, kết thúc một năm thử thách của nền kinh tế do suy thoái toàn cầu. Cũng như mọi ngành nghề khác, các CTCK đều có những khó khăn và thuận lợi riêng. Nhưng nhìn tổng thể, các chính sách của Nhà nước, của cơ quan quản lý đã tác động tích cực đến TTCK nói chung và CTCK nói riêng.

Một là, các gói kích cầu kinh tế và hỗ trợ lãi suất đã kích thích sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển. Việc lùi đánh thuế thu nhập cá nhân đối với đầu tư kinh doanh chứng khoán cũng là sự hỗ trợ mạnh mẽ. Hai là, UBCK đã có những đối sách tích cực như nới biên độ giao dịch, quy định chặt chẽ hơn việc thành lập CTCK, công ty quản lý quỹ, xử lý phí nói chung và giảm phí giao dịch cho các CTCK và NĐT... Ba là, các CTCK đã nhìn nhận đầy đủ hơn trách nhiệm của mình trước công chúng đầu tư. Sự liên kết giữa các CTCK, nhất là những CTCK hội viên VASB đã gắn bó hơn, thiết thực hơn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nhìn thấy những khó khăn về phía chính sách khi một số nghiệp vụ thúc đẩy thị trường chưa được triển khai, một số rào cản chưa được gỡ bỏ như: chủ trương cho NĐT được mở nhiều tài khoản vẫn đang trong thời gian dự thảo; thuế thu nhập từ kinh doanh chứng khoán vẫn là vấn đề khiến nhiều NĐT e ngại; hệ thống công nghệ của các CTCK thiếu sự đồng nhất, tình trạng mạnh ai nấy làm, gây nhiều tốn kém; sự hỗ trợ TTCK của Chính phủ chưa mạnh mẽ. Đặc biệt là mối quan hệ giữa các ngành tài chính - ngân hàng - chứng khoán thiếu sự phối hợp đồng bộ. Một số thủ tục còn gây phiền hà. Nếu các cơ quan quản lý hỗ trợ thêm cho TTCK thì thị trường sẽ phát triển mạnh mẽ hơn.

Năm 2008 và 2009 có nhiều khó khăn, nhưng chưa thấy một CTCK nào tuyên bố phá sản hay sáp nhập. Tôi tin rằng, năm 2010, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế và sự hỗ trợ về chính sách của cơ quan quản lý, các CTCK sẽ vững vàng và chuyên nghiệp hơn.

"Vẫn còn một nửa tối mà VAFI sẽ tiếp tục kiến nghị, hy vọng giứp TTCK phát triển tốt"

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính VAFI

Năm 2009 đã qua, TTCK trải qua nhiều cung bậc rất trái ngược, từ bi quan cực điểm sang lạc quan. Nhiều NĐT đã hoàn toàn lột xác nhờ tham gia đầu tư trên TTCK.

Các DN niêm yết cũng thể hiện sự tiến bộ qua việc công bố thông tin minh bạch, nhiều DN thực hiện soát xét BCTC bán niên… Về vấn đề này tôi đánh giá, dù chưa được hoàn thiện, nhưng đây là bước tiến đáng kể nhằm từng bước hướng đến thông tin thị trường thông suốt, hiệu quả. Điểm đáng khen nữa của các DN chính là việc tập trung hơn đầu tư vào ngành nghề cốt lõi, giảm tỷ trọng đầu tư và đầu tư mới vào TTCK.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là nửa sáng của bức tranh TTCK. Vẫn còn một nửa tối mà VAFI sẽ tiếp tục kiến nghị và đưa ra giải pháp, hy vọng giúp TTCK phát triển bền vững, hiệu quả hơn. Đó là hiện tượng tin đồn trên TTCK vẫn còn phát tác, nhưng khâu giám sát của UBCK, dù đã có tiến bộ nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tế; NĐT vẫn còn tình trạng mua/bán cổ phiếu ồ ạt khi có thông tin vĩ mô tốt/xấu mà chưa đánh giá mức độ tác động của tin đồn đó đến DN đầu tư như thế nào. Ở chừng mực nào đó, VAFI mong muốn trong năm tới có thể đóng vai trò là một kênh hỗ trợ thêm NĐT trong đánh giá tác động của thông tin, nhưng có lẽ, nhân vật đóng vai trò chính vẫn phải là các CTCK, người tư vấn trực tiếp cho NĐT. Một chủ thể nữa, theo tôi cần tích hơn trong năm 2010 là UBCK. Năm 2009, nhiều chính sách tác động quan trọng đến sự phát triển của thị trường như: mở nhiều tài khoản, giao dịch cùng mua/bán một loại chứng khoán trong phiên… vẫn chưa được ban hành.

Năm 2010, VAFI sẽ tiếp tục kiến nghị cơ quan quản lý sớm "trả nợ" những gì còn thiếu sót. Chúng tôi cũng sẽ tích cực hơn trong việc nói lên nguyện vọng chính đáng của NĐT, bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ để phát huy tốt nhất vai trò đại diện cho tiếng nói của NĐT trên TTCK.

Nên "cởi trói" quyền tự chủ cho DN niêm yết

Ông Đỗ Văn Trắc, Chủ tịch CLB các DN niêm yết, Tổng giám đốc SACOM (SAM)

Trên cương vị Chủ tịch CLB các DN niêm yết, trước thềm năm mới, tôi muốn đóng góp một số ý kiến với cơ quan quản lý thị trường nhằm giúp chính sách sát với thực tế hơn.

Đầu năm 2009 khá nhiều DN niêm  yết bị lỗ. Tuy nhiên, trong số này có hai dạng: DN có hoạt động sản xuất - kinh doanh chính không hiệu quả và DN có ngành nghề lõi vẫn tăng trưởng nhưng cuối năm kết quả kinh doanh âm do phải thực hiện các khoản trích lập dự phòng đầu tư tài chính, tỷ giá…  Cơ quan quản lý đã đưa tất cả các cổ phiếu này vào danh sách "cổ phiếu bị kiểm soát" (sau

chuyển thành cổ phiếu bị cảnh báo). Tuy nhiên, nhiều DN trong số này là các DN uy tín đang dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh của mình và có lãi trong hoạt động kinh doanh chính, thua lỗ chỉ do sự "sảy chân". Khi gộp chung các DN trên với các DN hoạt động kém hiệu quả gây ra sự xáo trộn không đáng có trên thị trường, các cổ phiếu trên bị bán tháo trong nhiều phiên liền. Theo tôi, cơ quan quản lý nên cân nhắc để các sự việc tương tự không xảy ra.

Theo quy định hiện hành, các DN lỗ không được mua cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên DN vẫn có lượng tiền mặt dồi dào, DN có khả năng hỗ trợ thị trường và cổ đông, và hơn ai hết DN biết cổ phiếu đang được giao dịch thấp hơn giá trị thực. Tại sao chính sách lại trói buộc quyền tự chủ của DN về việc này, trong khi ĐHCĐ nhất trí cho DN thực hiện? Một vấn đề khác, theo quy định hiện hành, trong lần triệu tập đầu tiên để có thể tổ chức ĐHCĐ, tỷ lệ cổ đông có mặt phải không dưới 65% số cổ phần. Tỷ lệ này được cho là bảo vệ quyền lợi các NĐT nhỏ, tuy nhiên TTCK Việt Nam có đặc thù riêng, sự đầu cơ rất cao, thực tế từ khi chốt danh sách tới khi họp ĐHCĐ nhiều NĐT đã không còn là cổ đông nữa, họ không thấy có trách nhiệm phải dự họp. Thêm nữa các NĐT cá nhân vẫn chiếm đa số trên thị trường, vị trí địa lý cách biệt khiến nhiều ĐHCĐ đã không thể thực hiện do không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự, DN lãng phí hàng trăm triệu đồng. Theo tôi tỷ lệ này nên giảm xuống 51% như thông lệ quốc tế...

 

"Chỉ cần khơi thông dòng vốn tích lũy của dân cư sẽ tạo ra bước tăng trưởng ổn định mới cho TTCK"

Ông Trần Thanh Tân, Chủ tịch CLB Quản lý Quỹ, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc VFM   

Hiện nay, CLB Quản lý Quỹ (CLB) họp hàng tháng, hàng quý với nội dung chính là chia sẻ những quan điểm đầu tư của các thành viên trong CLB; đánh giá tình hình thị trường và đưa ra những nhận định đa chiều, có phản biện và tranh luận. CLB cũng đề xuất những kiến nghị liên quan đến sự phát triển thị trường lên cơ quan quản lý…

Theo tôi, việc tổ chức và sinh hoạt thường kỳ giữa các thành viên CLB là yếu tố tích cực nhằm tạo ra một diễn đàn cởi mở của các nhà tạo lập thị trường tại TTCK Việt Nam. Ở đó, mọi thành viên có thể chia sẻ các quan điểm chính thức và không chính thức giúp NĐT tổ chức khác có thêm nhiều góc nhìn về thị trường.

Hiện tại, VN - Index biến động khá mạnh và không ổn định do NĐT quan ngại về chính sách và kinh tế vĩ mô thay đổi. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của NĐT tổ chức luôn theo sát thị trường, tôi đánh giá thị trường không tệ như đầu năm 2009. Thứ nhất, sức khỏe của nhiều DN niêm yết Việt Nam khá tốt dù một số yếu tố kinh tế vĩ mô có thể biến động. Thứ hai, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục có các điều chỉnh kinh tế vĩ mô kịp thời đảm bảo sự phục hồi của nền kinh tế nói chung và DN niêm yết nói riêng. Thứ ba, từng đơn vị cấu thành của nền kinh tế Việt Nam luôn nỗ lực hết mình và thích ứng nhanh với các thay đổi.

Về dài hạn, để TTCK phát triển một cách bền vững, trở thành kênh dẫn vốn cho các DN..., theo tôi cần nỗ lực rất lớn từ các cơ quan quản lý thị trường, đặc biệt là các cơ quan quản lý vĩ mô như NHNN, Bộ Tài chính và UBCK… CLB là hiệp hội của các NĐT tổ chức tại TTCK Việt Nam nhưng các thành viên CLB sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến, đưa ra các phản biện chính sách cũng như phối hợp hành động nhằm giúp TTCK Việt Nam có bước tăng trưởng ổn định.