PGS-TS. Phạm Văn Linh, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương

PGS-TS. Phạm Văn Linh, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương

Dự cảm đẹp từ sự chuyển động vĩ đại của đất nước

0:00 / 0:00
0:00
Theo PGS-TS. Phạm Văn Linh, Việt Nam có tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay chính là kết quả của một quá trình và thể hiện sự hội tụ sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân.

Từng chứng kiến những giai đoạn chuyển mình của đất nước, từ không khí hân hoan phấn khởi khi thống nhất đất nước, những khó khăn trong giai đoạn “đêm trước Đổi mới” và những thành tựu của công cuộc Đổi mới đưa Việt Nam “chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” - như nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, PGS-TS. Phạm Văn Linh, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, kết quả đó có thể vượt sức tưởng tượng của nhiều người, nhưng đó chính là kết quả của một quá trình và là thể hiện sự hội tụ sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân.

Việt Nam cùng thế giới vừa trải qua 2 năm biến động dữ dội vì đại dịch Covid-19. Trong gian lao, luôn rực rỡ một Việt Nam đồng lòng, thống nhất để vượt lên nghịch cảnh. Là người chứng kiến nhiều thời khắc lịch sử từ ngày đất nước thống nhất, tới “đêm trước Đổi mới” và hội nhập sâu rộng toàn diện như ngày hôm nay, với ông chắc hẳn rất nhiều cảm xúc?

Chúng ta đều biết, trong 2 năm vừa qua, Việt Nam đã trải qua quãng thời gian hết sức khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Tính đến thời điểm hiện nay, đã có gần 2 triệu người bị nhiễm, gần 40.000 người bị mất mát trong đại dịch. Dưới tác động của đại dịch, nền kinh tế Việt Nam bị tác động nặng nề, GDP năm 2021 chỉ tăng trưởng 2,58%, tức là rất lâu rồi kinh tế Việt Nam mới có mức tăng trưởng thấp như vậy. Tuy nhiên, với sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, dù phải đối mặt với khó khăn bộn bề như vậy, chúng ta vẫn đạt được những thành tựu to lớn về đối nội, đối ngoại, về an sinh xã hội…

Nhìn lại 35 năm Đổi mới đến nay, trong thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, cảm nhận về thời khắc này, tôi nhớ, năm 1986, khi chúng ta mới thống nhất đất nước được hơn 10 năm, lại trải qua hai cuộc chiến tranh biên giới hai đầu đất nước, khó khăn là vậy, nhưng Đảng ta vẫn quyết định tiến hành công cuộc Đổi mới.

Trước những bộn bề khó khăn đó, trước những gian nan của con đường đổi mới đằng đẵng phía trước, phải làm gì, làm như thế nào để đất nước chuyển mình, phải làm gì để chuyển nền kinh tế từ tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, tức là thay đổi căn bản để phát triển.

Trong những băn khoăn đó, nhà thơ Tố Hữu từng viết những vần thơ, là tự sự của bản thân ông, nhưng có thể nói, đó cũng là nỗi niềm của đa số chúng ta khi đứng trước ngưỡng cửa Đổi mới:

“Đêm cuối năm. Riêng một ngọn đèn

Dở hay, khôn dại những chê khen

Làm ăn, hai chữ, quen mà lạ”

Ngay sau khi chúng ta tiến hành công cuộc Đổi mới, thì hệ thống xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu và Liên Xô tan rã. Với xuất phát điểm thấp, hậu quả tàn phá của mấy chục năm chiến tranh chưa kịp khắc phục, tình thế đối với đất nước ta lúc đó đã khó lại càng thêm khó… Tôi nhắc lại những thời điểm đất nước trải qua khó khăn tưởng như không thể vượt qua để thấy rằng, Tổ quốc ta ngày hôm nay, mỗi người dân Việt Nam chúng ta ngày hôm nay, thay vì bị nhấn chìm, thay vì rối loạn, chúng ta vai kề, sát cánh kết thành một khối thành đồng để vững bước tiến lên. Với việc đất nước “chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi cho rằng, là người Việt Nam, ai cũng thấy tự hào. Niềm tự hào đó tạo nên cảm xúc rất mạnh mẽ trong mỗi chúng ta, đó là niềm hân hoan, niềm tự hào sâu lắng tận trong trái tim, trong tâm khảm của mỗi người sau những lần dân tộc ta đối mặt và vượt qua những biến cố trọng đại từng trải dài theo chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

Có lẽ, với một người từng trải qua những thời khắc khó khăn đó, với thành quả hôm nay, hẳn nhiều người ngày đó, dù có kiên định tới bao nhiêu, dù có lạc quan cỡ nào, cũng khó có thể hình dung ra vị thế “chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”?

Đúng là như vậy! Đổi mới phải đáp ứng được 3 điều, đó là đổi mới về tư duy, đổi mới về cơ chế chính sách, đổi mới về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với cơ chế mới. Vì thế, khi bắt đầu một tiến trình đồ sộ đến như vậy, không ai có thể hình dung được tường tận những bước đi cụ thể ngay sau đó là điều rất dễ hiểu. Tôi cho rằng, đây là sự chuyển động vĩ đại của đất nước, sự chuyển động ấy càng vĩ đại hơn khi chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Cần phải biết rằng, có những quốc gia cũng tiến hành đổi mới, nhưng sau nhiều thập kỷ, hiện vẫn đang chìm trong khó khăn.

Thưa ông, nhìn lại giai đoạn lịch sử 35 năm Đổi mới, từ định hướng của Nghị quyết của Đảng, tại Đại hội X của Đảng bộ TP. Hà Nội, Tổng Bí thư Trường Chinh từng quả quyết: “Trở lại tập trung quan liêu, bao cấp là trở về cái ngõ cụt mà từ nhiều năm nay chúng ta đã loay hoay trong đó không có lối ra. Xóa bỏ tập trung quan liêu, bao cấp, thực hiện hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa chính là lối ra đúng đắn, không có con đường nào khác”. Từ quan điểm đó, công cuộc Đổi mới đến nay là thành tựu lớn của Đảng, của dân tộc, thưa ông, đâu là những điểm đột phá để làm nên kỳ tích đó?

Với việc đất nước “chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi cho rằng, là người Việt Nam, ai cũng thấy tự hào.

Đột phá cần nhấn mạnh đầu tiên, có tính chất căn bản để thay đổi chiều hướng phát triển của đất nước là đổi mới tư duy để chuyển đổi mô hình từ kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu bao cấp sang “nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước” và sau này là “nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN”. Đây là đổi mới quan niệm về kế hoạch thị trường, về mô hình và trạng thái kinh tế của đất nước.

Điểm đột phá thứ hai là, Việt Nam mạnh dạn mở cửa nền kinh tế, nhưng cần phải thấy rằng, chúng ta mở cửa có lộ trình, có từng bước đi cụ thể để vừa trực tiếp thay đổi ở bên trong, vừa tiếp thu những tiến bộ, tinh hoa từ bên ngoài. Việc mở cửa như vậy đã tạo nên những thay đổi to lớn, điều này đã được thực tế 3 thập kỷ qua chứng minh.

Tạo được điểm đột phá, nhưng cũng phải nhấn mạnh rằng, trong quá trình đổi mới, chúng ta đã mạnh mẽ thay đổi phương thức lãnh đạo của Đảng trong mối quan hệ với các thành tố của hệ thống chính trị “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” để sao cho hiệu quả hơn; đổi mới các lĩnh vực đối ngoại, an ninh, quốc phòng tạo nên sự đồng bộ cho toàn bộ tiến trình đổi mới.

Hơn 35 năm Đổi mới, vị thế, uy tín, tiếng nói của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế ngày càng cao. Từ một quốc gia bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã gia nhập hầu hết các tổ chức khu vực, là thành viên có trách nhiệm của các diễn đàn song phương và đa phương. Theo ông, sức mạnh nội sinh của Việt Nam có vai trò quyết định như thế nào trong việc định vị một Việt Nam trong thế giới hiện nay. Và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế tác động thuận thế nào tới công cuộc Đổi mới ở trong nước?

Từ một quốc gia bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã gia nhập hầu hết các tổ chức khu vực, là thành viên có trách nhiệm của các diễn đàn song phương và đa phương. Đây là một kết quả hết sức ngoạn mục, là hệ quả có được từ sự nhất quán trong đường lối đổi mới của chúng ta, tôi xin nhấn mạnh, trước đã như vậy và sau này cũng sẽ như thế, bởi Đảng ta luôn quan niệm “nội lực giữ vai trò quyết định, ngoại lực có vai trò quan trọng”, cần phải lưu ý rằng, đây được coi là quan điểm xuyên suốt đã được thể hiện rõ nét trong giai đoạn chiến tranh trước đây.

Về nội lực, truyền thống yêu nước, văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam, cùng với ý chí kiên cường, không cam chịu của người Việt hướng tới mục tiêu chung là phát triển, tạo nên vị thế của đất nước, dân tộc. Và kết quả là, từ vị thế một đất nước bước ra từ máu lửa của cuộc chiến tranh ái quốc, Việt Nam trở thành một quốc gia năng động, sáng tạo trở thành một địa chỉ đầy hấp dẫn đối với bạn bè quốc tế. Đường lối đối ngoại của chúng ta cũng thể hiện rõ ràng tư tưởng đó, từ chỗ “Việt Nam mong muốn làm bạn với các nước trong cộng đồng quốc tế” cho tới “Việt Nam sẵn sàng là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, đó là một quá trình xử lý tinh tế mối quan hệ nội lực với ngoại lực.

Đường lối đối ngoại đó đã khiến chúng ta, trong con mắt cộng đồng quốc tế được định vị rõ ràng và sau khi tham gia sâu rộng vào các định chế quốc tế sẽ tạo nên tác động trở lại, đó là, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Diễn tiến tiếp theo như một logic là, từ chỗ còn bị động tham gia luật chơi, tiến tới tích cực và chủ động tham gia và sau đó từng bước tham gia xây dựng ngay từ đầu một số luật chơi chung của thế giới. Mỗi bước phát triển như vậy sẽ vun đắp, làm dày thêm cho vị thế của Việt Nam và định vị trên trường quốc tế như hiện nay, không có gì khác hơn, đó là kết quả của một quá trình, là đổi mới trong đường lối đối ngoại - một trong những thành tố quan trọng trong tổng thể tiến trình Đổi mới của đất nước ta.

Thưa ông, chúng ta đã đi qua 35 năm của tiến trình Đổi mới với nhiều mốc phát triển quan trọng, mỗi lần chúng ta vượt qua là một dấu ấn thành công và một dấu mốc quan trọng trong tiến trình Đổi mới là thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đại hội này đã thông qua nhiều quan điểm phát triển lớn, định hình và dẫn dắt Việt Nam tới các điểm mốc quan trọng là năm 2025, 2030 và năm 2045. Là thành viên của Tổ Biên tập Văn kiện Đại hội XIII, theo ông, đâu là những tư tưởng mới của Đảng được thể hiện qua văn kiện Đại hội?

Tư tưởng mới của Văn kiện Đại hội XIII được thể hiện ở tất cả các nội dung với 15 phần trong Báo cáo chính trị, trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và trong những nội dung về công tác xây dựng Đảng.

Có thể nói rằng, với chúng tôi, những người được phân công nhiệm vụ trong Tiểu ban Biên tập Văn kiện, ấn tượng đầu tiên là xác định mục tiêu của đất nước không chỉ gói gọn cho một nhiệm kỳ, mà được đặt trong một chiều dài xác định, với những điểm mốc cụ thể như 50 năm đất nước thống nhất, 100 năm thành lập Đảng và 100 năm lập quốc. Đó là đổi mới tầm nhìn trên cơ sở được định vị sự phát triển của đất nước với tầm vóc theo từng giai đoạn, trong một xu thế phát triển, trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi.

Đổi mới thứ hai là xác định rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 giải pháp đột phá phù hợp với trạng thái phát triển cũng như yêu cầu của đất nước trong giai đoạn mới, khi mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang là một cơn lốc trên thế giới và chúng ta tiến hành hội nhập sâu rộng, quan trọng hơn là vị thế mới của đất nước.

Vấn đề thứ ba là một thể thống nhất trên tất cả các lĩnh vực của đất nước, theo đó văn hóa, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ đã được đặt ngang tầm phát triển. Đặc biệt, điểm nhấn quan trọng trong vấn đề thứ ba là công tác xây dựng và chỉnh đốn đảng được đặt trong tổng thể của hệ thống chính trị.

Việt Nam hướng tới một quốc gia thịnh vượng, mà trong đó người dân là trung tâm. Sự thịnh vượng của quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu không thể thiếu những doanh nghiệp Việt mang tầm vóc quốc tế. Những ngày đầu năm mới 2022, VinFast đã ra mắt 5 mẫu xe điện tại Hoa Kỳ - là một chỉ dấu cho sự vươn lên của doanh nghiệp Việt, là sự tham gia có ý nghĩa nhất về chiến lược phát triển của đất nước? Là người Việt Nam, tôi tin rằng, trong mỗi người chúng ta, niềm tự hào đang dâng trào, ông có cho rằng, niềm tự hào đó sẽ là cơ sở cho những dự cảm tốt đẹp trong quãng thời gian tiếp theo?

Tôi thấy hiện tượng VinFast đầu tư mạnh vào xe điện là một bước tiến vào lĩnh vực công nghệ cao của doanh nghiệp Việt, mặc dù chỉ là bước đầu, nhưng đó là chỉ dấu báo hiệu cho thời điểm Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp lớn vươn tầm thế giới, tham gia một sân chơi đầy thách thức và sau đó sẽ là những doanh nghiệp khác tiếp bước. Là người Việt Nam, chúng ta có thể tự hào khi doanh nghiệp sản xuất ô tô non trẻ của Việt Nam đĩnh đạc, tự tin “tiến công” vào một đất nước vốn được coi là cái nôi phát triển khoa học - công nghệ và là cường quốc về ngành công nghiệp xe hơi.

Nếu những năm trước, chúng ta đã thấy tự hào khi Viettel liên tiếp thắng thầu các gói viễn thông tại châu Phi, Mỹ La tinh và khu vực Nam Á, thì thành công của VinFast là bước đi tiếp theo của quá trình phát triển để doanh nghiệp Việt từng bước cất cánh, từng bước tham gia các lĩnh vực khoa học - công nghệ, những lĩnh vực công nghiệp nền tảng.

Tôi tin tưởng rằng, giai đoạn tiếp theo, với sức mạnh nội sinh đã tích tụ, sẽ có những doanh nghiệp Việt tiếp bước Viettel, VinFast bước ra thế giới và tất nhiên đó là những dự cảm tốt đẹp cho năm mới Nhâm Dần 2022 và những năm tiếp theo.

Tin bài liên quan