Du lịch Hà Nội chuyển mình mạnh mẽ sau “khoảng lặng”

0:00 / 0:00
0:00
Các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thủ đô đã tung ra hàng loạt tour, sản phẩm mới hấp dẫn, giúp ngành kinh tế xanh chuyển mình mạnh mẽ.
Độc đáo tour bộ hành “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”

Độc đáo tour bộ hành “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”

Sau “khoảng lặng” do “cơn đại hồng thủy” Covid-19 lần thứ 4 gây ra, từ giữa tháng 10/2021, ngay sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thủ đô đã tung ra hàng loạt tour, sản phẩm mới hấp dẫn, giúp ngành kinh tế xanh chuyển mình mạnh mẽ.

Nhiều tour mới độc đáo, hấp dẫn

Luôn là “cánh chim đầu đàn” của du lịch Thủ đô, ngay từ cuối tháng 10, Công ty Lữ hành Hanoitourist đã khai trương tour “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”, tổ chức vào thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần với mức giá chỉ 75.000 đồng/khách.

Tham gia tour du lịch đậm chất văn hóa này, du khách sẽ được khám phá giá trị lịch sử kiến trúc pha trộn giữa 2 nền văn hóa Pháp - Việt gắn với những sự kiện lịch sử của Thủ đô vô cùng độc đáo.

Tiếp đến, ngày 20/11, CLB Du lịch bền vững VGreen (Hội Lữ hành Hà Nội) đã ra mắt chùm tour khám phá Hà Nội bằng xe đạp "VGreen bike tour - Tinh hoa Tràng An" với thời gian 1 ngày.

Hành trình đưa du khách khám phá các con đường nổi tiếng của Hà Nội tại khu vực hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, tìm hiểu đời sống các phố nghề Hà Nội tại khu phố cổ, thăm di sản văn hóa, kiến trúc của Hà Nội. Bên cạnh tour "Tinh hoa Tràng An", CLB còn ra mắt chùm tour khám phá Hà Nội bằng xe đạp như tour "Thăng Long - Tứ Trấn" với thời gian 1 ngày, tour Ba Vì - Làng cổ Đường Lâm, tour làng gốm Bát Tràng...

Ngoài ra, CLB Lữ hành VGreen cũng giới thiệu 13 sản phẩm tour xe đạp khởi hành từ Hà Nội khám phá Ninh Bình, Nam Định, Hòa Bình, Thanh Hóa, Bắc Giang…

CLB Du lịch bền vững VGreen đã ra mắt chùm tour khám phá Hà Nội bằng xe đạp "VGreen bike tour - Tinh hoa Tràng An" với thời gian 1 ngày.
CLB Du lịch bền vững VGreen đã ra mắt chùm tour khám phá Hà Nội bằng xe đạp "VGreen bike tour - Tinh hoa Tràng An" với thời gian 1 ngày.

Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Công ty Du lịch VietFoot Travel (đơn vị xây dựng sản phẩm du lịch bằng xe đạp) cho biết, sau thành công của chương trình Vgreen Bike Tours “Tinh Hoa Tràng An”, Vietfoot Travel tiếp tục phối hợp cùng CLB Lữ hành Vgreen tổ chức chương trình kích cầu du lịch an toàn với sản phẩm tour du lịch “Vgreen Bike Tours trải nghiệm chuyến đò ngang và khám phá thành Cổ Loa”. Qua đó, giới thiệu loại hình du lịch bằng xe đạp độc đáo và Cổ Loa - kinh đô của nhà nước Âu Lạc dưới thời An Dương Vương…

Trong bối cảnh ngành du lịch trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của dịch Covid-19, sản phẩm du lịch bằng xe đạp hứa hẹn tạo điều kiện cho người dân được trải nghiệm các sản phẩm du lịch Vgreen Bike Tours mới lạ và cơ hội tìm hiểu những giá trị văn hóa đặc sắc trong nước, tiếp cận được điểm đến an toàn.

Chưa hết, nhằm mang đến “làn gió mới” cho du lịch Hà Nội, mới đây, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội HPA đã phối hợp với Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, Công ty Lữ hành Hanoitourist xây dựng sản phẩm trải nghiệm phố cổ với những di tích lịch sử, văn hóa… bằng phương tiện xe điện.

Điểm đến nâng cao chất lượng

Cùng với các doanh nghiệp, nhiều điểm đến trên địa bàn Thủ đô cũng đã không ngừng nâng cao chất lượng, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, quảng bá và xây dựng sản phẩm.

Đơn cử, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã xây dựng xong Đề án phát triển du lịch thông minh, trong đó có điểm nhấn là sản phẩm trình chiếu ánh sáng để phát triển du lịch đêm.

Tối 15/11, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã giới thiệu ứng dụng tham quan ảo 3D bằng ánh sáng. Buổi trình chiếu thử nghiệm đã tái hiện không gian trường đại học đầu tiên của Việt Nam khá chân thực, ấn tượng. Bên cạnh đó, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đang triển khai hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ thông minh nhân tạo AI, tham quan ảo 3D trên internet, trải nghiệm di tích bằng công nghệ thực tế ảo VR 360, tương tác 3D với những di sản tiêu biểu như bia Tiến sĩ, tái hiện không gian di tích những thế kỷ trước bằng công nghệ thực tế ảo 3D…

Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám giới thiệu ứng dụng tham quan ảo 3D bằng ánh sáng.
Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám giới thiệu ứng dụng tham quan ảo 3D bằng ánh sáng.

Qua đó, du khách được tiếp cận thông tin, hình ảnh toàn diện, mang đến cho du khách trải nghiệm thú vị; đồng thời tạo tiền đề để doanh nghiệp du lịch xây dựng sản phẩm đa dạng hơn khi tham quan di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Trước đó, tour “Đêm linh thiêng - Sáng ngời tinh thần Việt” do Công ty Lữ hành Hanoitourist và Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp thực hiện tạo được dấu ấn với hàng ngàn du khách. Sản phẩm du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Công ty Lữ hành Hanoitourist tổ chức cũng mang đến câu chuyện hấp dẫn về các triều đại, hoàn toàn sự khác biệt so với sản phẩm trước đây thu hút đông đảo du khách.

Đặc biệt, sau 4 năm thí điểm, quận Hoàn Kiếm đã có đề án mở rộng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, xây dựng các tuyến phố mua sắm kết hợp ẩm thực, tăng cường tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, giải trí vào buổi tối để thu hút du khách.

Dự kiến, hoạt động kinh tế đêm tại quận Hoàn Kiếm sẽ tập trung vào các dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí; ăn uống; mua sắm; chăm sóc sức khỏe; du lịch; vận chuyển; tài chính, ngân hàng… hoạt động vào tất cả các ngày trong tuần. Các không gian đi bộ tổ chức từ tối thứ 6 đến 24 giờ Chủ nhật hàng tuần. Còn những hoạt động ngoài trời và các điểm di tích, di sản mở cửa đến 24 giờ hàng ngày.

Việc các doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác những điểm di tích văn hóa, lịch sửl; các khu, điểm du lịch không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm đã góp phần thu hút du khách đến với Thủ đô.

Sở Du lịch Hà Nội cho biết, tháng 11/2021 ngành du lịch Thủ đô đã đón 300.000 lượt du khách. Một số bảo tàng, công viên, khu sinh thái, nghỉ dưỡng du lịch như: Công viên Thủ Lệ đã đón khoảng 18.000 lượt khách tham quan, Bảo tàng Dân tộc học đón khoảng 1.000 lượt khách, khu Tản Đà đón khoảng 1.000 lượt khách tham quan.

Hình thành các cụm du lịch trọng điểm

Tại “cuộc bàn tròn” chủ đề "Đánh giá kết quả phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo" do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan thẳng thắn đánh giá, chất lượng dịch vụ du lịch tại một số điểm đến của Hà Nội chưa cao, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chưa đồng bộ.

“Hà Nội đang tập trung khai thác tiềm năng du lịch khu vực trung tâm, chưa chú trọng tới khu vực ngoại thành, tạo ra sự mất cân đối trong phát triển hệ thống sản phẩm du lịch và dịch vụ”, bà Lan nhận định.

Để khắc phục yếu điểm này, Phó Chủ tịch Ban Cố vấn Hiệp hội Du lịch Việt Nam Trương Minh Tiến gợi ý, từ nay đến 2025 và tiếp theo, du lịch Hà Nội cần tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ tầng cơ sở theo hướng tận dụng lợi thế di sản văn hóa, từ đó lựa chọn, đầu tư phát triển sản phẩm đặc trưng.

Đồng quan điểm, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam Hoàng Nhân Chính cho rằng, bên cạnh việc cơ cấu lại sản phẩm, ngành du lịch Hà Nội cần phối hợp với doanh nghiệp đẩy mạnh quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý điểm đến phù hợp với xu hướng du lịch mới.

Ông Chính nhấn mạnh: “Ngoài xây dựng các sản phẩm du lịch mới, cần nâng cao chất lượng dịch vụ những sản phẩm quen thuộc để tạo sự mới lạ cho du khách”.

Còn ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng, để nâng cao giá trị điểm đến, ngoài tiêu chí chung, các điểm, khu du lịch cần có sự liên kết để xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch nổi bật, riêng biệt cho Thủ đô.

Để phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, thời gian tới ngành du lịch Hà Nội sẽ đổi mới cách khai thác theo hướng hình thành cụm du lịch trọng điểm theo từng khu vực nhất định.

Cụ thể, cụm du lịch trung tâm Hà Nội (phát triển du lịch văn hóa, di sản, ẩm thực); cụm du lịch vùng ven đô (phát triển du lịch kết hợp hội nghị, du lịch thể thao, giải trí); cụm du lịch vùng ngoại thành Hà Nội (phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch học đường...).

Xu hướng du lịch của du khách thay đổi đã đặt ra yêu cầu ngành du lịch Thủ đô cần đổi mới theo hướng ngành dịch vụ hiện đại, chuyên nghiệp, có chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao.

Hiện tại, Sở Du lịch Hà Nội đang xây dựng “Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo” và “Dự thảo Nghị quyết về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”.

“Các dự thảo xây dựng xong sẽ được trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành, là cơ sở để đầu tư xây dựng hạ tầng và sản phẩm, tạo động lực và điều kiện tốt nhất cho du lịch Thủ đô phát triển trong giai đoạn tới”, bà Đặng Hương Giang cho hay.

Sở Du lịch Hà Nội đang triển khai Kế hoạch thực hiện quảng bá, giới thiệu các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố bằng giao diện ảnh 360 độ, nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến để thu hút du khách tại các địa phương.

Tin bài liên quan