Dự thảo Luật Đầu tư... kẹt với Luật Chứng khoán

Dự thảo Luật Đầu tư... kẹt với Luật Chứng khoán

(ĐTCK) Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi đang được Quốc hội cho ý kiến, có những nội dung chưa rõ ràng xét trong mối quan hệ với Luật Chứng khoán, khiến giới đầu tư quan ngại.

Chưa rạch ròi hai sân chơi

Một trong những điều giới đầu tư mong đợi nhất, khi Luật Đầu tư được đưa ra sửa đổi lần này là khắc phục được tình trạng chưa rạch ròi trong phân định rõ các hình thức đầu tư theo Luật Đầu tư chỉ áp dụng cho các DN không phải là đại chúng, còn đầu tư vào các DN đại chúng, thì áp dụng Luật Chứng khoán.

Tuy nhiên, mong đợi trên của giới đầu tư, theo ý kiến mà ông Kiên Nguyễn, đại diện Nhóm công tác Thị trường vốn nêu ra tại Diễn đàn DN Việt Nam 2014 mới đây, vẫn chưa được đáp ứng, khi dự thảo quy định: “hoạt động đầu tư được quy định trong luật có liên quan thực hiện theo nguyên tắc: hoạt động chào bán chứng khoán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, dịch vụ về chứng khoán thực hiện theo quy định của Luật Chứng khoán…”.

Do dự thảo luật chưa thật sự phân định giữa khái niệm DN bình thường và DN đại chúng, nên tuy đề xuất Luật Chứng khoán sẽ điều chỉnh các hoạt động đầu tư liên quan đến chứng khoán như vừa nêu, nhưng chưa quy định cụ thể là Luật Đầu tư chỉ áp dụng cho các công ty không phải là đại chúng.

Để khắc phục tình trạng này, dự thảo nên hoàn thiện theo hướng phân định rõ các hình thức đầu tư theo Luật Đầu tư chỉ áp dụng cho các DN không phải là đại chúng, còn đầu tư vào các công ty đại chúng thì áp dụng Luật Chứng khoán.

Vì sự phân định chưa rạch ròi như trên, nên câu hỏi đặt ra là việc chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty không phải đại chúng cho NĐT nước ngoài, có phải do Luật Đầu tư điều chỉnh không? Ngoài ra, Luật Chứng khoán chưa có các định nghĩa: “giao dịch chứng khoán”, “kinh doanh chứng khoán”, “đầu tư chứng khoán” và “dịch vụ về chứng khoán” như quy định của dự thảo luật, nên dễ gây khó hiểu nếu các nội dung này được ban hành và áp dụng.

Để khắc phục tình trạng này, dự thảo luật cần sửa đổi theo hướng: các hoạt động đầu tư vào các công ty đại chúng, vào các quỹ đầu tư chứng khoán, hoặc các hoạt động đầu tư liên quan đến chứng khoán sẽ áp dụng Luật Chứng khoán…

Dự thảo luật Đầu tư quy định: “NĐT được thực hiện hoạt động đầu tư theo hình thức góp vốn, mua lại phần vốn góp, mua cổ phần của DN hoạt động tại Việt Nam…”.

Với nội dung này, chưa có quy định rõ mua bán cổ phần của DN hoạt động tại Việt Nam theo Luật Đầu tư, có bao gồm mua bán cổ phần của các DN đại chúng (bao gồm DN niêm yết và chưa niêm yết) hay không? Hiện tại, việc mua bán cổ phần của công ty đại chúng phần lớn do Luật Chứng khoán điều chỉnh. Câu hỏi đặt ra là việc mua bán cổ phần tại công ty đại chúng sẽ do Luật Đầu tư hay Luật Chứng khoán điều chỉnh, hay cả hai luật cùng điều chỉnh?

Theo đề xuất của một số lãnh đạo DN, có thể khắc phục sự không rõ ràng trên bằng cách, khi quy định về đối tượng và phạm vi điều chỉnh, Dự thảo cần phân định rõ rằng mọi hoạt động đầu tư đối với DN đại chúng, bao gồm việc giao dịch, đầu tư, kinh doanh cổ phần của các DN đại chúng sẽ do Luật Chứng khoán điều chỉnh. Hoặc sửa dự thảo theo hướng: NĐT được thực hiện hoạt động đầu tư theo hình thức góp vốn, mua lại phần vốn góp, mua cổ phần của DN hoạt động tại Việt Nam. Việc mua cổ phần tại công ty đại chúng sẽ điều chỉnh bởi Luật Chứng khoán.

Định nghĩa “NĐT nước ngoài”, chưa ổn?

Theo dự thảo, NĐT nước ngoài là NĐT thuộc một trong các trường hợp: cá nhân nước ngoài; tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài; tổ chức thành lập và hoạt động tại Việt Nam có cá nhân nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài nắm giữ trên 51% vốn điều lệ...

Với nội dung như dự thảo, giới đầu tư hiểu rằng định nghĩa NĐT nước ngoài sẽ được áp dụng với các loại hình DN, kể cả công ty đại chúng. Do vậy, câu hỏi đặt ra là định nghĩa này có được áp dụng cho Luật Chứng khoán, cũng như các luật và văn bản quy phạm pháp luật khác không? Nếu định nghĩa này được áp dụng cho DN đại chúng niêm yết thuộc diện được Chính phủ cho phép tăng sở hữu nước ngoài lên quá 51%, thì sẽ dẫn đến một số hệ quả.

Chẳng hạn, CTCP sữa Việt Nam (VNM), hôm nay có thể là DN trong nước (tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhỏ hơn 51%), nhưng ngày mai có thể là “NĐT nước ngoài” nếu NĐT ngoại mua quá 51% cổ phần niêm yết của VNM và ngược lại. Khi VNM trở thành NĐT nước ngoài, tất cả các công con mà VNM sở hữu trên 51% cũng sẽ là “NĐT nước ngoài”. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một số quyền của VNM và các công ty con, đặc biệt là quyền sử dụng đất.

Để xử lý bất cập trên, một số ý kiến đề nghị, dự thảo luật cần sửa định nghĩa “NĐT nước ngoài” theo hướng định nghĩa này chỉ áp dụng cho công ty không phải là đại chúng và chỉ áp dụng cho DN hoạt động, kinh doanh trong các ngành nghề bị hạn chế đầu tư, thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện. 

Tin bài liên quan