Đua cho vay tiêu dùng, cần chắc “chân phanh”

(ĐTCK) Theo dự thảo Thông tư quy định về hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC) vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra lấy ý kiến, với phạm vi điều chỉnh các khoản vay trả góp, cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng và phát hành thẻ mua hàng… buộc NHTM phải thành lập CTTC. Dự kiến, một quy định có tác động quyết định đến hệ thống các CTTC Việt Nam sẽ sớm được ban hành.
Việc thành lập CTTC để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng đang là xu hướng thời thượng - Ảnh: Lê Toàn

Việc thành lập CTTC để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng đang là xu hướng thời thượng - Ảnh: Lê Toàn

Nhiều CTTC, nhưng phải kiểm soát được rủi ro

Một số ngân hàng cho biết, đang trong giai đoạn hoàn thành các thủ tục để thành lập mới hoặc mua lại CTTC chuyển đổi mô hình sang cho vay tiêu dùng, nhằm đáp ứng yêu cầu tại dự thảo Thông tư trên. Tuy nhiên, dù đây là loại hình tín dụng đầy tiềm năng, siêu lợi nhuận, nhưng việc chạy đua thành lập CTTC cũng phải được ngân hàng kiểm soát chặt, vì rủi ro tín dụng tiêu dùng cao.

Theo nội dung dự thảo Thông tư, CTTC được thực hiện hoạt động tín dụng tiêu dùng dưới các hình thức: cho vay trả góp; cho vay thấu chi qua thẻ tín dụng; phát hành thẻ mua hàng. Đây cũng là điểm mới theo hướng mở rộng hơn cho các CTTC, nhất là việc cho vay thấu chi qua thẻ. Đáng chú ý, NHTM có nhu cầu cấp tín dụng tiêu dùng cho những đối tượng khách hàng phi chuẩn theo các hình thức trên, phải thành lập CTTC.

Việc các ngân hàng đua nhau thành lập hoặc mua lại CTTC để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng gần đây một phần là do NHNN đã có dự thảo về việc yêu cầu các khoản vay tiêu dùng nhỏ lẻ phải qua CTTC. Vì CTTC có điều kiện cho vay cá nhân nên các ngân hàng chưa có công ty này phải thành lập để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, mở rộng thị phần.

Mặt khác, khi có CTTC thì một số nghiệp vụ mà ngân hàng không được phép làm, nhưng CTTC lại được phép thực hiện. Việc NHNN buộc các NHTM phải đưa khoản vay nhỏ qua CTTC là hợp lý, nhằm phân cấp trách nhiệm và tránh rủi ro nợ xấu cho các NHTM trong cho vay tiêu dùng.

Thêm vào đó, các ngân hàng huy động vốn với lãi suất tương đối hợp lý, nhưng khi có CTTC để đẩy mạnh tiêu dùng sẽ là cơ hội thu lợi nhuận, vì lãi suất cho vay tiêu dùng cao. Tuy nhiên, các CTTC không thể thay thế được ngân hàng trong tất cả các hoạt động, mà chỉ đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ đối với phân khúc khách hàng cá nhân khó vay được ở ngân hàng. Bởi điều kiện tín dụng tiêu dùng các CTTC đưa ra có phần thoáng hơn.

Lâu nay, nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, nhưng không dễ thành công. Một phần, do nền kinh tế trải qua giai đoạn dài khó khăn, nợ xấu tăng mạnh, nên việc cho vay lĩnh vực này chưa được mở ra mạnh mẽ.

Đến nay, khi kinh tế dần hồi phục, nhu cầu vay tiêu dùng tăng lên thì các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cho vay tiêu dùng nên có nhu cầu thành lập CTTC. Bên cạnh đó, không ít CTTC nước ngoài nỗ lực triển khai chiến lược tham gia thị trường Việt Nam - vốn được xem là thị trường mới nổi đầy tiềm năng trong việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, bởi có dân số đông và trẻ. Nhưng thực tế cho thấy, các CTTC ngoại không dễ thành công và một số đã sớm ra khỏi thị trường.

Một phần, do họ chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tìm hiểu thị trường, thói quen cũng như văn hóa bản địa. Vì thế, để kỳ vọng thành công trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng cần có thời gian, hay nói cách khác, muốn tăng trưởng, tồn tại được khi đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng phải có chiến lược dài hạn.

Với các CTTC cả trong và ngoài nước tham gia thị trường, trong thời gian tới đây cũng phải khắc phục những tồn tại của “người đi trước” để có thể phát triển một cách tốt hơn. Một khi mở ra CTTC, các ngân hàng phải tính toán làm sao để có thể tránh được rủi ro. Bởi điều có thể nhìn thấy trước là thị trường sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt, nhất là khi có nhiều CTTC trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.

Tiềm năng của tín dụng cho vay tiêu dùng cá nhân tại một thị trường mới nổi như Việt Nam được đánh giá còn rất lớn. Đây là một loại hình cho vay phi tín dụng, lãi suất cho vay sẽ cao hơn so với các loại hình tín dụng thông thường nên chênh lệch giữa lãi suất huy động cho vay, hay nói cách khác là biên lợi nhuận lớn hơn.

Kênh tín dụng này đóng góp đáng kể vào doanh thu và lợi nhuận cho nhiều NHTM. Tuy nhiên, các ngân hàng cả trước và sau khi có CTTC cũng sẽ khó có thể ồ ạt đẩy mạnh vốn cho vay. Vì qua một thời gian, nhất là trước bối cảnh nợ xấu tăng trước đó và đang phải đẩy mạnh xử lý, tái cấu trúc, các ngân hàng sẽ khá thận trọng với các yếu tố dễ đem lại rủi ro. Trong đó, với hoạt động tín dụng, các ngân hàng chắc chắn phải có các tiêu chí rõ ràng và quản lý chặt chẽ, cũng như thận trọng hơn trước trong việc đẩy mạnh cho vay.

TS. Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước 

Nhu cầu tín dụng tiêu dùng vẫn rất lớn

So với các loại hình tín dụng khác, cho vay tiêu dùng cá nhân rủi ro cao hơn, nhưng được chia ra nhiều khoản vay nhỏ lẻ. Mặt khác, việc quản lý chi phí khoản vay tiêu dùng cũng phân tán hơn nhiều so với việc cho vay DN, giá trị khoản vay lớn. Đồng thời, đối tượng khách hàng mà các CTTC tiêu dùng phục vụ là những khách hàng khó tiếp cận được vốn vay từ ngân hàng, do không đáp ứng được các điều kiện gắt gao từ phía ngân hàng đưa ra.

Vì vậy, các ngân hàng, CTTC buộc phải áp dụng mức lãi suất cao để có thể bù đắp được rủi ro trong hoạt động. Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng tính toán được và khi cần khoản vay, họ vẫn chấp nhận trả lãi suất cao hơn lãi suất vay ngân hàng để có thể tiếp cận vốn.

Trên thực tế, phần lớn những người tìm đến CTTC là những đối tượng khách hàng khó có thể chứng minh đầy đủ các giấy tờ để vay được ở ngân hàng. Trong khi đó, với CTTC mở rộng tín dụng đến cả những đối tượng cá nhân đang có nhu cầu tiêu dùng, nhưng gặp khó khăn về tài chính, với các khoản vay khá nhỏ lẻ, chỉ vài triệu đồng để phục kịp thời nhu cầu tiêu dùng cho khách hàng, nên việc áp mức lãi suất cho vay cao hơn cũng là điều dễ hiểu. Trên thực tế, không ít CTTC áp mức lãi suất cho vay lên đến 40 - 50%/năm.

Thậm chí, có một số đơn vị cung ứng vốn còn áp mức lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn, khiến không ít khách hàng khiếu nại rằng, lãi suất cho vay tiêu dùng mà các CTTC đưa ra còn cao hơn lãi suất “chợ đen”. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, CTTC là đơn vị được NHNN cấp phép và hoạt động trong cơ chế quản lý của Nhà nước có tổ chức, nên họ có quyền áp mức lãi suất phù hợp. Các CTTC ra đời cũng có những tiêu chí cụ thể, rõ ràng hơn trong quá trình hoạt động, đẩy mạnh cho vay cũng như chính sách thu hồi nợ vay.

Đua cho vay tiêu dùng, cần chắc “chân phanh” ảnh 2

Quá trình đô thị hóa tại Việt Nam đang tăng nhanh là thị trường đầy tiềm năng để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng - Ảnh: Lê Toàn

Vay tiêu dùng là một hoạt động tín dụng tốt, mở ra điều kiện cho người dân tiếp cận vốn tiêu dùng, cho dù lãi suất cho vay cao hơn ngân hàng. Mặc dù vậy, có lẽ cũng cần phải xem xét đến yếu tố áp trần lãi suất cho vay đối với loại hình tín dụng này. Bởi một khi có “trần” cũng đồng nghĩa với việc tạo ra ranh giới trong cho vay, với mức trần cụ thể thì hoạt động tín dụng tiêu dùng sẽ nề nếp hơn trong việc áp dụng lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, mức trần lãi suất áp dụng trong cho vay tiêu dùng sẽ phải ở mức cao để có thể tạo điều kiện cho CTTC hoạt động, kiểm soát và bù đắp được rủi ro trong cho vay nhỏ lẻ. Việc áp trần cũng sẽ loại trừ được tình trạng CTTC cho vay với bất kỳ giá nào, làm khó đối với những người túng quẫn, đang cần được hỗ trợ tài chính.

Hiện nhiều NHTM đã và đang chuẩn bị kế hoạch cho ra đời CTTC. Mặt khác, tiềm năng của thị trường đối với loại hình tín dụng này còn rất cao. Nhu cầu vốn tín dụng tiêu dùng của khách hàng gia tăng theo thời gian khi kinh tế dần hồi phục và ngân hàng đang từng bước đẩy mạnh cho vay đối với phân khúc khách hàng cá nhân.

Thế nhưng, rủi ro nợ xấu trong đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cá nhân cũng không ít. Vì khoản vay nhỏ lẻ và điều kiện tín dụng cũng “thoáng” hơn. Do đó, việc thành lập CTTC để đẩy mạnh cho vay tiêu dùng là xu hướng thời thượng, nhưng cũng cần luôn luôn đặt bàn chân xuống “má phanh” để giữ rủi ro trong vòng kiểm soát.

Tin bài liên quan