Đức không bán công ty công nghệ cho doanh nghiệp Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Chính phủ Đức đã từ chối thương vụ của doanh nghiệp Trung Quốc nhằm thâu tóm một công ty sản xuất thiết bị bán dẫn ở Munich và một công ty sản xuất chip ở Dortmund.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Theo phóng viên tại Berlin, trong phiên họp nội các ngày 9/11, Chính phủ Đức đã quyết định ngăn chặn việc bán một công ty sản xuất chip và một công ty sản xuất bán dẫn cho doanh nghiệp Trung Quốc.

Truyền thông Đức dẫn các nguồn thạo tin cho biết Chính phủ Đức đã từ chối thương vụ của doanh nghiệp Trung Quốc nhằm thâu tóm một công ty sản xuất thiết bị bán dẫn ở Munich và một công ty sản xuất chip ở Dortmund.

Bộ Kinh tế liên bang do Bộ trưởng Robert Habeck thuộc đảng Xanh đứng đầu đã đề xuất với chính phủ liên bang trong phiên họp nội các ngày 9/11 về việc từ chối chuyển giao công ty ERS Electronic có trụ sở tại Bayern cho một nhà đầu tư Trung Quốc. Chính phủ Đức đã thông qua đề xuất này.

ERS Electronic là công ty sản xuất thiết bị và linh kiện bán dẫn hoạt động quy mô toàn cầu, công ty chuyên sản xuất các sản phẩm nhiệt có độ chính xác cao.

Ngoài trụ sở chính ở Germering gần Munich, công ty này còn có các văn phòng và đại lý ở Thượng Hải (Trung Quốc) và Dallas (Mỹ).

Trước đó, đại diện các bộ liên quan ở cấp thứ trưởng đã nhất trí xếp công ty ERS Electronic vào hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm danh sách các công ty có nguy cơ đe dọa đến trật tự và an ninh công cộng ở Đức.

Công ty sản xuất chip Elmos ở Dortmund cũng được đưa vào danh sách này. Tối 8/11, Elmos cũng đã ra thông báo về khả năng không thể thực hiện thương vụ bán tấm nền sản xuất linh kiện điện tử của Elmos cho công ty Silex Microsystems AB, công ty con của một tập đoàn Trung Quốc, do bị cấm.

Các nguồn thạo tin từ Bộ Kinh tế Đức cho biết trong tương lai, việc tiếp quản các công ty Đức trong lĩnh vực công nghệ then chốt sẽ khó khăn hơn do Đức đặt mục tiêu hạn chế sự phụ thuộc vào một bên cung cấp.

Theo luật ngoại thương, tất cả các nước đều được mời đầu tư vào các công ty Đức. Tuy nhiên, các khu vực quan trọng cần phải được bảo vệ.

Bộ trưởng Robert Habeck cho rằng các lĩnh vực quan trọng như chất bán dẫn và chip nên được xem xét với độ nhạy cảm đặc biệt.

Hiện Bộ Kinh tế Đức đang tiến hành kiểm tra 44 hồ sơ đánh giá đầu tư quốc gia, trong số này có 17 hồ sơ liên quan đến các doanh nghiệp Trung Quốc, 7 hồ sơ liên quan tới các doanh nghiệp Mỹ và 6 hồ sơ liên quan các doanh nghiệp Anh.

Gần đây nhất, việc Chính phủ Đức cho phép công ty vận tải nhà nước Cosco của Trung Quốc tham gia cổ phần tại một cảng ở Hamburg đã làm dấy lên những dư luận trái chiều ở nước này.

Một số bộ trưởng muốn cấm hoàn toàn sự tham gia này.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh rằng vấn đề không phải là "bán cảng" mà chỉ là mua lại cổ phần của một cụm cảng tại cảng Hamburg.

Tin bài liên quan