Thiệt hại mà NĐT “dính” phải gần như cực đại, do thị trường khó có thể giảm sâu hơn.

Thiệt hại mà NĐT “dính” phải gần như cực đại, do thị trường khó có thể giảm sâu hơn.

Đừng đánh mất cơ hội trên thị trường

Tin xấu đến dồn dập, thị trường tuột dốc không phanh, NĐT dường như không còn sức chịu đựng khi thấy giá cổ phiếu của mình ngày càng sụt giảm trong suốt một thời gian dài.

Cách đây không lâu, tăng điểm là khuynh hướng chủ đạo trên thị trường thì khái niệm cắt lỗ dường như quá xa lạ với NĐT, họ thoải mái mua vào dù giá cổ phiếu quá cao so với giá trị thật và không khi nào nghĩ rằng, mình đã quá mạo hiểm. Với họ, nếu được thì được rất nhiều, mất thì không đáng bao nhiêu, vì thị trường sẽ không bao giờ giảm sâu và như vậy, NĐT luôn ở thái cực “tin tưởng và lạc quan”.

Sự điều tiết kinh tế vĩ mô như thắt chặt tiền tệ, thuế thu nhập cá nhân; khủng hoảng kinh tế thế giới và kết quả kinh doanh yếu kém của DN niêm yết năm 2008 là 3 “cú đấm” giáng thẳng xuống TTCK. Vẫn biết, để chống lạm phát thì cần phải thắt chặt tiền tệ; kinh doanh thì có lúc tốt, lúc xấu; khủng hoảng kinh tế thế giới có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nhưng cả 3 yếu tố này chưa từng xảy ra đối với TTCK Việt Nam.

NĐT dường như quá quen thuộc với tin tốt, phần lớn chưa khi nào nghĩ đến những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Họ thật sự “choáng váng” khi đón nhận chính sách thắt chặt tiền tệ, khi định thần được thì bị cuốn luôn vào cuộc khủng hoảng kinh tế. Kết quả kinh doanh kém của các DN niêm yết, hệ quả tất yếu của khủng hoảng kinh tế là cú đấm bồi vào lòng tin của NĐT, đẩy họ vào một thái cực khác: “sự bi quan cùng cực”.

Trong bức tranh kinh tế xám màu này, nhiều NĐT bỗng dưng nhớ lại lý thuyết cắt lỗ. Phải chứng kiến giá trị cổ phiếu ngày một giảm đi, cộng với tâm trạng bi quan cùng cực, họ phản ứng bằng cách bán tháo chứng khoán bằng mọi giá. Lúc này, với NĐT thì được đồng nào hay đồng đó, cứ như thể chứng khoán là một thứ gì đó không có giá trị và không ai quan tâm rằng, sự tháo chạy đã góp phần không nhỏ đẩy TTCK tiếp tục lao dốc.

Có nên cắt lỗ vào lúc này? Theo tôi, có 3 lý do để không nên:

1. Mục đích cắt lỗ là giảm thiệt hại, nhưng thiệt hại mà NĐT “dính” phải gần như cực đại, do thị trường khó có thể giảm sâu hơn. Không nên vì số tiền còn lại mà đánh mất cơ hội có được khi cổ phiếu tăng giá trở lại.

2. Hãy nhìn vào giá trị sổ sách của các DN, đa phần đều cao hơn thị giá cổ phiếu, đó là chưa kể đến giá trị vô hình của thương hiệu. Hơn nữa, đánh giá tiềm năng của DN qua kết quả kinh doanh một năm thì rất phiến diện. Tôi tin rằng, kết quả kinh doanh yếu kém năm vừa qua chỉ là “tai nạn nghề nghiệp” do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhiều DN đang nỗ lực khắc phục và sẽ nhanh chóng vượt qua.

3. Chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế kịp thời, sáng suốt của Nhà nước sẽ ngấm vào thị trường trong tương lai gần; DN được hỗ trợ lãi suất vay sẽ giảm được chi phí, tăng thêm lợi nhuận.

Vậy bán chứng khoán bây giờ có còn là cắt lỗ hay chỉ là đánh mất cơ hội của chính mình khi thị trường phục hồi?