Đừng lơ là với “bà hỏa“

(ĐTCK) “Mình đỏ như lửa/Bụng chứa nước đầy/Tôi chạy như bay/Hét vang đường phố/Nhà nào bốc lửa/Tôi dập liền tay/Ai gọi chữa cháy/“Có… ngay! Có… ngay!”.

Vừa đọc bài thơ về xe cứu hỏa, cu tý nhà tôi vừa hỏi bố: Bố ơi, sao nhà mình không có bình cứu hỏa? Ở trường, cô dạy chúng con là ở nhà ai cũng phải có bình cứu hỏa dự phòng.

Có thể nhiều người trong chúng ta khi bị hỏi câu tương tự mới sực nhớ ra, nhà mình không hề có dụng cụ cứu hỏa.

Thậm chí, nhiều người cũng thẳng thắn thừa nhận, không biết thao tác ra sao với bình cứu hỏa khi có sự cố. Và câu trả lời về cách sử dụng bình cứu hỏa khi phát sinh đám cháy vẫn được người ta truyền tai nhau, mà tác giả là một “cô nàng tóc vàng hoe” nào đó cũng không phải không có trong thực tế: Muốn dập đám cháy thì chỉ cần ném bình cứu hỏa vào đó (!?)

Mới đây, Hà Nội lại công khai danh sách 74 cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố. Góp mặt trong danh sách này là đa dạng các loại hình, từ công trình chung cư quy mô, chung cư mini, trung tâm thương mại, cho đến cả các trường học, nhà trẻ…

Theo luật, các tòa chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại, hay trường học chỉ được đưa vào vận hành, sử dụng khi đã được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Điều này đặt ra câu hỏi, vậy với 74 công trình vi phạm thì vai trò, bóng dáng của các cơ quan chức năng ở đâu, đặc biệt là khi không ít dự án đã có tên trong đợt công bố năm trước và đã được đưa vào vận hành nhiều năm?

Trong danh sách công bố trước đó, hàng loạt tên tuổi lớn như Tổng công ty Phát triển nhà và Đô thị (HUD), Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà, Công ty cổ phần Dịch vụ Sudico, Công ty cổ phần Tứ Hiệp Hồng Hà Dầu khí… được bêu tên với danh sách dài dằng dặc các dự án vi phạm.

Lỏng lẻo trong công tác giám sát, có lẽ đó là lý do chủ yếu nhất cho tình trạng vi phạm tràn lan nói trên. Điều này mang đến hậu quả coi thường luật pháp và an toàn cho người dân từ phía các chủ đầu tư.

Danh sách các dự án đồ sộ, quy mô của các chủ đầu tư nói trên đã nói lên điều đó.

Xin quay lại câu chuyện của đứa trẻ với chiếc bình cứu hỏa. Thắc mắc của thế hệ tương lai cũng đang cho thấy, dù chưa thực sự ý thức được về hiểm họa hay sự an toàn, nhưng dường như niềm quan hoài về nó của trẻ nhỏ lại nhiều hơn cả người lớn.

Tại nhiều chung cư, các ban quản lý, ban quản trị đã rất chịu khó phối hợp cùng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy khu vực để tiến hành diễn tập hay phổ biến kiến thức, kinh nghiệm phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, trên thực tế, lượng cư dân tham gia không nhiều, thậm chí rất thưa thớt.

Đầu năm 2018, vụ cháy Chung cư Carina (TP.HCM) đã giáng một đòn mạnh vào sự thờ ơ với công tác phòng ngừa rủi ro. Thời điểm đó, tại các chung cư, người người bàn tán, lo lắng, hoạt động rà soát các hạng mục liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy cũng được thực hiện ráo riết hơn.

Nhiều nơi, người ta còn hò nhau đòi chủ đầu tư xuất trình nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy của cơ quan chức năng…. Nhưng, như lẽ thường, nhiệt huyết ấy cũng chẳng duy trì được lâu.

Con số 74 dự án vi phạm về phòng cháy chữa cháy Hà Nội vừa công bố mới đây đã phần nào nói lên điều đó: Các cư dân vẫn quen hoạt động theo hiệu ứng đám đông, nhưng lại không kiên trì theo đuổi đến cùng sự việc.

Đã gần tròn 1 năm ngày xảy ra vụ cháy Chung cư Carina (vụ cháy nổi tiếng đến mức đã được đưa vào Từ điển Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia), hơn bao giờ hết, công tác phòng chống cháy nổ, đặc biệt tại các tòa chung cư cần có sự tham gia, vào cuộc của mỗi người dân. Phòng cháy hơn chữa cháy, điều này phải xuất phát từ chính suy nghĩ của mỗi người dân, chủ đầu tư. Và trên hết, nó phải đến từ đòi hỏi tự thân mỗi người về sự an toàn, chứ không phải chỉ mỗi khi đâu đó xảy ra đám cháy.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan