Áp lực lạm phát khá thấp đang ủng hộ cho việc hạ lãi suất, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Áp lực lạm phát khá thấp đang ủng hộ cho việc hạ lãi suất, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.

Dùng "tiền tươi" thúc đẩy tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hàng loạt chính sách mới hướng tới việc đưa “tiền tươi” vào doanh nghiệp, giúp khơi thông tình trạng nghẽn thanh khoản của nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng đã được ban hành liên tiếp trong vài tuần qua. Tuy nhiên, tình hình quý I khiến giới doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, cần kết hợp tổng thể nhiều chính sách như huy động “nhiều quân binh chủng” để chống suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Vốn tắc, lãi suất cao vẫn là cản trở lớn

Tại đại hội cổ đông thường niên của Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã NKG), ông Võ Hoàng Vũ, Tổng giám đốc Công ty thừa nhận bất ngờ với diễn biến thị trường nửa cuối năm ngoái. Tồn kho quý III/2022 của Công ty cao, trong khi giá HRC (thép cuộn cán nóng) giảm 50% so với cùng kỳ, thị trường gần như mất thanh khoản khiến Công ty thua lỗ.

Cuối năm, khi giá HRC giảm sâu, Công ty quyết định mua hàng để bình quân giá. Giá HRC sau đó phục hồi từ 520 USD/tấn lên 720 USD/tấn nên đến thời điểm này, giá tồn kho đã tốt trở lại giúp Công ty có lãi từ quý II. Đó cũng là lý do vì sao tồn kho của NKG cuối năm ngoái rất cao.

Câu chuyện bình quân giá hàng tồn kho rất bình thường với các doanh nghiệp ngành thép, bởi giá nguyên liệu đầu vào diễn biến thất thường. Nếu doanh nghiệp không có nguồn vốn tín dụng để bình quân giá thì việc khắc phục lỗ vốn hàng tồn kho trong chu kỳ giá xuống không khả thi và doanh nghiệp có thể kiệt quệ tài chính.

Nếu doanh nghiệp không có nguồn vốn tín dụng để bình quân giá thì việc khắc phục lỗ vốn hàng tồn kho trong chu kỳ giá xuống không khả thi và doanh nghiệp có thể kiệt quệ tài chính.

Vốn tín dụng cũng đóng vai trò quan trọng với những ngành hàng xuất khẩu có tính mùa vụ như gạo, thủy sản, nhưng doanh nghiệp các ngành này đang gặp khó khăn cả về hạn mức vay và lãi suất.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, nguồn cung gạo trong nước tại một số thời điểm bị mất cân đối theo mùa vụ nên hạn mức tín dụng thấp làm cho tiến độ thu mua của thương nhân bị ảnh hưởng đáng kể. Còn theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc ngân hàng siết tín dụng, không giải ngân thêm hạn mức so với các khoản vay cũ, lãi suất cao khiến doanh nghiệp khó khăn trong thu mua nguyên liệu cho bà con nông, ngư dân.

Một khoản tín dụng kịp thời có thể giúp một doanh nghiệp phát triển trở lại hay phá sản trong bối cảnh hiện nay. Vì thế, các giải pháp tháo gỡ tắc nghẽn tín dụng, thanh khoản trong nền kinh tế được ban hành vừa qua (như Thông tư 02 về xử lý nợ hay Thông tư 03 cho phép ngân hàng mua lại trái phiếu phát hành) được đánh giá là đi vào trọng tâm. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất hiện vẫn còn cao.

Ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Smart Invest nhận xét, lãi suất cho vay ở mức 10 - 14%/năm phổ biến hiện nay có giảm so với thời điểm căng thẳng, chứ chưa kích thích được sản xuất. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng các ngân hàng tư nhân áp dụng vẫn ở mức 8 - 8,5%/năm, cao hơn nhiều thời điểm trước dịch Covid-19 (lãi suất huy động cao nhất chỉ 7%/năm). Theo ông Tuấn, nên phân loại doanh nghiệp và ngành thiết yếu để giảm lãi suất ngay trên dư nợ vay hiện tại, tiếp sức cho doanh nghiệp ổn định sản xuất.

Ông Lê Thanh Hòa, CFA, Trưởng nhóm ngành ngân hàng, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, bên cạnh các văn bản mới được ban hành, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục sửa đổi quy định cũ để tăng hỗ trợ cho nền kinh tế và các ngành nghề gặp khó khăn như dự thảo sửa đổi Thông tư 41.

Ngân hàng Nhà nước đã và đang quyết liệt đưa ra các giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế, cùng với đó là sự sát sao trong việc chỉ đạo và giám sát hạ lãi suất huy động và cho vay ở các ngân hàng. Nếu lãi suất điều hành được hạ thêm trong quý II/2023, từ đó giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, sẽ giúp giảm chi phí tài chính cũng như kích thích tiêu dùng và đầu tư nội địa.

Dấu hỏi về cầu

Các doanh nghiệp đang đối mặt với sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ ở cả thị trường xuất khẩu và nội địa, mà các số liệu thống kê của quý I/2023 đã phản ánh, nhưng những dự báo cho các quý tới cũng chưa rõ ràng. Các doanh nghiệp thép đều cho rằng thời điểm khó khăn nhất của ngành thép đã qua, nhưng khi nào khởi sắc thì chưa biết. Nhà sản xuất thép lớn nhất là Hòa Phát khẳng định, tùy theo nhu cầu thị trường để khởi động lại các lò cao (đã dừng hoạt động từ cuối năm 2022).

Trong khi đó, ông Đoàn Hồng Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thế giới số (mã DGW) cho rằng, với dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô của thế giới và Việt Nam, thị trường tiêu thụ nói chung sẽ tốt hơn vào quý III, quý IV, nhưng không đáng kể, phục hồi khoảng 10%. Phục hồi đáng kể phải từ nửa cuối năm 2024. Vì thế, kỳ vọng năm 2024 mới là năm phục hồi trở lại của DGW ở các ngành hàng cũ và ngành hàng mới.

Tại đại hội cổ đông thường niên mới đây, ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán HSC chia sẻ, hầu hết các báo cáo đều nhận định kinh tế sẽ phục hồi từ quý III và quý IV, đặc biệt sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc là yếu tố tích cực, nhưng HSC dự báo nền kinh tế Việt Nam không dễ hồi phục trong giai đoạn này. Lý do khách quan là nền kinh tế Mỹ vẫn đối mặt với lãi suất cao trong năm nay. Ở trong nước, giải ngân đầu tư công không được như kỳ vọng thì thời gian phục hồi sẽ bị đẩy xa hơn.

Ghi nhận từ các doanh nghiệp cho thấy ngay cả những nhu cầu thiết yếu cũng bị ảnh hưởng. Chẳng hạn, tổng cầu tiêu thụ xăng dầu trong quý I vừa qua, theo đánh giá của Ban lãnh đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam, không tăng so với cùng kỳ.

Còn các trạm thu phí cầu đường dự án BOT tại xa lộ Hà Nội, Ninh Thuận, trục giao thông thiết yếu, do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đầu tư, ghi nhận lượng xe lưu thông giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ. Khi được cổ đông hỏi về kế hoạch đầu tư năm nay, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII thẳng thắn trả lời: “Nằm im, không làm gì cả, vì tiền ra lúc này không tắc chỗ này sẽ tắc chỗ khác”.

Đi vào trọng tâm và kết hợp nhiều chính sách

Không ít doanh nghiệp thừa nhận đây là giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay; trong đó, ngoài nguyên nhân khách quan là suy giảm kinh tế nói chung, còn có những nguyên nhân chủ quan của nền kinh tế Việt Nam cần tiếp tục có động thái can thiệp quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Nam Long (mã NLG) cho biết, rất hy vọng vào các hành động quyết liệt gần đây của Chính phủ và chính quyền TP.HCM trong giải quyết khó khăn của thị trường bất động sản.

Ông Hòa nhấn mạnh, những “cơn gió ngược” dồn dập đã làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước đã liên tục có những chính sách hỗ trợ như hạ lãi suất điều hành và ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN và Thông tư 03/2023/TT-NHNN. Thông tư 02 giúp cho doanh nghiệp gặp khó khăn tạm thời chưa bị nhảy nhóm nợ tiếp tục tiếp cận nguồn tín dụng để duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn và có thể phục hồi trở lại trong thời gian tới.

Các ngân hàng tạm thời chưa phải ghi nhận nợ xấu và có thể phân bổ trích lập chi phí dự phòng tín dụng trong 2 năm, giúp cho bảng cân đối kế toán cũng như lợi nhuận tích cực hơn. Thông tư 03 giúp cho các ngân hàng có thể mua lại trái phiếu đã bán trong vòng 12 tháng, từ đó, gia tăng thanh khoản cũng như niềm tin nhà đầu tư và giúp cho thị trường trái phiếu phục hồi nhanh hơn. Bên cạnh đó, thông tư này cũng giúp cho ngân hàng có thể thực hiện các nghiệp vụ repo từ trái phiếu phát hành riêng lẻ để gia tăng thanh khoản.

"Cùng với những điểm mới trong chính sách tiền tệ, tôi cũng kỳ vọng thanh khoản của nền kinh tế có thể được cải thiện thông qua các công cụ tài khóa như đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, kích thích đầu tư tư nhân (miễn giảm thuế, tháo gỡ các vướng mắc pháp lý đặc biệt là pháp lý dự án bất động sản…) và kích thích tiêu dùng (giảm thuế VAT, gia tăng thu nhập ròng của người dân như giảm giảm thuế thu nhập cá nhân…)", ông Hòa nói.

Ông Tuấn nhận định, thiếu room tín dụng là câu chuyện cuối năm ngoái, còn thời điểm này, vấn đề nằm ở khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Vì thế, bên cạnh nỗ lực giảm lãi suất, rất cần các giải pháp mạnh hơn để bơm tiền, bơm vốn mồi trở lại vào nền kinh tế.

“Nên chăng thành lập quỹ hỗ trợ thanh toán đối với trái phiếu doanh nghiệp, tham gia mua bán trái phiếu doanh nghiệp để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường, đồng thời cũng đảm bảo hiệu quả sinh lời cho quỹ. Triển khai ngay việc giao dịch mua bán trái phiếu tập trung trên sàn giống như sàn UPCoM để tăng tính minh bạch và thanh khoản cho các loại trái phiếu doanh nghiệp. Những giải pháp này cùng với hoạt động truyền thông định hướng tích cực sẽ thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp sớm phục hồi, hơn là để thị trường tự chữa lành dự kiến phải mất 3 đến 5 năm”, chuyên gia đề xuất.

Cùng với thúc đẩy đầu tư công, ông Tuấn cũng cho rằng, miễn giảm thêm các loại thuế, hoãn miễn giảm thuế đất cũng là giải pháp cần thiết. “Trong bối cảnh khó khăn nhiều bề hiện nay, các chính sách hỗ trợ cần kết hợp nhiều quân binh chủng mới đạt được mục tiêu ổn định vĩ mô , thúc đẩy tăng trưởng”, ông nói.

Diễn biến thị trường chứng khoán gần đây phản ánh tâm lý của nhà đầu tư đang quan sát chờ đợi các chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sẽ ngấm đến doanh nghiệp. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn đã đi vào trọng tâm, nhưng thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay cần các giải pháp toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt chính sách cần được triển khai một cách hiệu quả để tạo được niềm tin trong nền kinh tế.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Finpeace

Nghị định 08 của Chính phủ cho phép giãn nợ và hoán đổi nợ trái phiếu sang tài sản khác giúp xoa dịu áp lực thanh khoản cho chủ đầu tư bất động sản trong ngắn hạn.

Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước giúp các doanh nghiệp, bên vay (gồm cả vay tiêu dùng) giảm áp lực tài chính, áp lực trả nợ và nợ xấu khi được cơ cấu lại.

Các ngân hàng sẽ được hưởng lợi do trích lập dự phòng rủi ro sẽ được giãn theo lộ trình đến hết năm 2024. Tuy nhiên, do một số ngân hàng lớn đã có tỷ lệ bao phủ nợ xấu vượt xa so với tỷ lệ nợ xấu hiện tại nên thông tư này tập trung hỗ trợ các ngân hàng nhỏ hơn với tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp hơn.

Thông tư 03 cung cấp cho các tổ chức tín dụng khả năng mua lại các khoản trái phiếu có tiềm năng và định giá thấp hơn giá trị, đồng thời cung cấp thị trường thứ cấp cho cá nhân, tổ chức nắm giữ để mua, bán các loại trái phiếu này, từ đó tạo thanh khoản cho người nắm giữ. Điều khoản này sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp có dòng tiền để xử lý một phần lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023.

Giảm lãi suất huy động là cơ hội để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, là tiền đề cho nhiều chính sách hỗ trợ khác, cùng với Nghị định 08 cho phép chủ đầu tư gia hạn nghĩa vụ trả nợ, sẽ làm giảm đáng kể áp lực thanh khoản lên các chủ đầu tư trong ngắn hạn và cho phép họ có thêm thời gian để xử lý các khoản nợ của mình.

Tựu trung lại, chúng ta đang có rất nhiều sự thay đổi về mặt tài khóa lẫn tiền tệ tích cực đối với nền kinh tế và thị trường. Chính phủ đang có sự điều hành linh hoạt, nhanh và phản ứng kịp thời để đảm bảo kinh tế sẽ phục hồi, dọn đường cho việc giảm lãi suất hỗ trợ cho nền kinh tế. Nếu lãi suất giảm, thị trường sản xuất, đặc biệt là thị trường xuất khẩu được phục hồi và khúc mắc của một số doanh nghiệp được tháo gỡ, tôi tin rằng trong quý III, IV, chúng ta hoàn toàn có thể đón nhận nhiều thông tin tích cực từ nền kinh tế.

Bà Trần Thị Hà My, Trưởng bộ phận Phân tích vĩ mô, Công ty Chứng khoán Rồng Việt

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 58/CP liên quan đến việc phân công nhiệm vụ, mục tiêu cho từng bộ, ban, ngành, quy định thời hạn báo cáo cụ thể. Điểm đáng chú ý là cần tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư công và tạo điều kiện xử lý nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng đối với dự án bất động sản. Đây là hai điểm quan trọng trong giải pháp hỗ trợ tăng trưởng, cùng với theo dõi hiệu quả thực thi của các giải pháp đã triển khai.

Từ đầu năm nay, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, nhưng tác động là chưa rõ nét, bởi tăng trưởng quý I suy yếu không chỉ do nhu cầu thế giới giảm, mà còn do nội tại của nền kinh tế, trong đó có tắc nghẽn ở thị trường bất động sản.

Các giải pháp triển khai khá sát với kỳ vọng đầu năm của chúng tôi. Ở khía cạnh chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã đánh đổi một số mục tiêu dài hạn để giải quyết vấn đề ngắn hạn, với chính sách được ban hành có mức độ thận trọng nhất định. Các quy định an toàn của hệ thống ngân hàng và tài chính nói chung khó có dư địa để nới lỏng thêm.

Lãi suất điều hành giảm sớm hơn kỳ vọng và dự báo có thể giảm thêm từ 0,5 - 1,0%/năm, nhưng còn tuỳ thuộc nhiều vào bức tranh quốc tế. Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện xuyên suốt định hướng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống, tích cốc phòng cơ đối với dự trữ ngoại hối và cấp hạn mức tín dụng tương đối rộng rãi ở giai đoạn đầu năm.

Liệt kê như vậy để thấy rằng Ngân hàng Nhà nước đã cố gắng sử dụng rất nhiều công cụ khác nhau để giúp doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua thời điểm khó khăn.

Ở khía cạnh chính sách tài khoá, dường như bộ máy vẫn đang khựng lại trước áp lực giải ngân vốn đầu tư công quá lớn trong năm nay. Chúng tôi vẫn lạc quan rằng tình hình giải ngân vốn đầu tư công sẽ cải thiện trong các quý tiếp theo, nhưng cũng vì sự trì trệ trong nhiều năm nên mức độ lan toả của vốn đầu tư công sẽ khó được cao như giai đoạn trước.

Ngoài thúc đẩy vốn đầu tư công thì một số giải pháp tài khoá đã được đưa ra như giảm, hoãn thuế, phí và giảm thuế VAT cho doanh nghiệp và người dân. Chúng tôi cho rằng, nếu các liều lượng này chưa đủ thì có thể Chính phủ nên kéo dài thời gian hỗ trợ thêm một đoạn nữa sau năm 2023.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Trong bối cảnh áp lực tỷ giá và lạm phát hiện tại không đáng ngại, các giải pháp hỗ trợ thiết thực có thể đưa ra trong thời gian tới vẫn tập trung vào chính sách tiền tệ nới lỏng, kéo giảm mặt bằng lãi suất từ mức nền tương đối cao hiện tại (dù đã giảm từ đầu năm).

Thêm vào đó, với các chỉ tiêu an toàn tài khoá được đảm bảo, các chính sách giảm thuế cũng có thể được đẩy mạnh, bên cạnh thúc đẩy đầu tư công, mà không quá lo ngại về bội chi ngân sách hay nợ công. Thông qua chính sách tiền tệ và tài khoá nới lỏng, tổng cầu của nền kinh tế có thể phục hồi, qua đó, hỗ trợ các hoạt động sản xuất - kinh doanh và lan toả mạnh mẽ đến các lĩnh vực của nền kinh tế trong bối cảnh nhu cầu từ thị trường quốc tế đang suy yếu.

Tin bài liên quan