“Cú sốc" Vinashin làm lộ rõ hơn "lỗ hổng" về quản lý, giám sát hoạt động của các DNNN - Ảnh: Hoài Nam

“Cú sốc" Vinashin làm lộ rõ hơn "lỗ hổng" về quản lý, giám sát hoạt động của các DNNN - Ảnh: Hoài Nam

Đừng vẽ đường cho… doanh nghiệp nhà nước chạy

(ĐTCK-online) "Cú sốc" Vinashin làm lộ rõ hơn "lỗ hổng" về quản lý, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cũng như công tác quản trị tại các DN này. Bởi vậy, theo các chuyên gia kinh tế, đã đến lúc tái cấu trúc mậnh mẽ các DNNN, để không chỉ giúp khu vực DN này làm ăn hiệu quả hơn, mà còn tránh một "Vinashin thứ 2" sảy chân.

Việc cải cách nên được bắt đầu từ việc xoá bỏ cơ chế "cưng chiều" đối với khối DN này.

Câu chuyện tái cấu trúc DNNN đã được nói nhiều và cũng được tiến hành thông qua nhiều hình thức. Tuy nhiên, quá trình này chưa đạt kết quả mong muốn, mà nguyên nhân theo TS. Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), là do văn bản luật và dưới luật để điều chỉnh DNNN vẫn thiếu, còn nhiều bất cập. Trong đó, có tình trạng đáng ngại là các chế tài chưa rõ ràng, nhất là trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo, quản lý DNNN. Thời gian qua, rất ít trường hợp lãnh đạo DNNN bị cách chức vì quản lý, điều hành DN đạt hiệu quả kinh doanh thấp trước khi cơ quan tố tụng vào cuộc.

"Hệ quả của tình trạng trên là các thiết chế quản lý nội bộ DNNN còn rất nhiều bất cập. Có thể các quy định như điều lệ, quy chế, nội quy, quy định và quy trình quy phạm kỹ thuật… để vận doanh DNNN không đầy đủ và thiếu minh bạch…", ông Tuất nói.

Việc tái cấu trúc DNNN nên được bắt đầu từ đâu. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, đã đến lúc Nhà nước không nên tạo ra cơ chế ưu đãi về vốn, đất đai, công nghệ… cho DNNN dưới nhiều hình thức, bởi khi đã dễ dàng có được các nguồn lực này, thì họ cũng sẽ dễ sử dụng nó thiếu hiệu quả. Trong bối cảnh Luật Doanh nghiệp nhà nước đã hết hiệu lực, Nhà nước cần hoàn chỉnh chính sách buộc DNNN phải tham gia sân chơi chung một cách sòng phẳng với các khu vực DN khác. Muốn phát triển năng động, hiệu quả, DNNN buộc phải đi trên "con đường cam go" này, chứ không thể tiếp tục sống trong môi trường kinh doanh luôn được "cưng chiều" như thời gian qua.

Các chuyên gia còn khuyến cáo, khi đã cùng là đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, thì DNNN phải tuân theo các quy định về công khai tình hình hoạt động, chứ không thể có ngoại lệ. Việc công khai phải đảm bảo trung thực, toàn diện về tình hình tài chính; công bố thông tin định kỳ về sản xuất - kinh doanh; chịu sự giám sát của hoạt động kiểm toán… Định kỳ công khai tình trạng "sức khoẻ" của mình, chính là cách tốt nhất để DNNN không bị "đột tử" khi gặp bất trắc lớn từ chính nội tại DN, cũng như các yếu tố bên ngoài tác động.

Ông Tuất khuyến nghị, cần xây dựng hệ thống chuẩn mực quản trị DNNN, nhằm khắc phục tình trạng thiếu chuẩn mực trong quản trị DNNN hiện nay. Kèm theo đó, cần tính toán bước đi phù hợp để đảm bảo việc triển khai hệ thống chuẩn mực này đạt hiệu quả cao. Khi hai vấn đề cốt lõi này chưa được thực thi, thì việc ban hành các văn bản mang tính thể chế, cũng như các quy định trong nội bộ của DN sẽ khó nhất quán và minh bạch.

Quá trình tái cấu trúc DNNN, theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách của Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), cần tập trung vào loại bỏ sự trì trệ trong hoạt động quản trị DNNN. Muốn vậy, phải đạt được sự chuyển biến ở cả hai phía: DN và cơ quan quản lý. Điều quan trọng là quyền lợi, trách nhiệm của lãnh đạo DNNN cần được làm rõ, nhằm tạo động lực cho họ khi điều hành DN. Trong quá trình hoạch định chính sách, cần loại bỏ tâm lý DNNN dựa vào những lợi thế từ sự "nuông chiều" lâu nay, để gây áp lực không lành mạnh lên cơ quan xây dựng chính sách. Nếu tình trạng này không chấm dứt, thì chính là mầm mống làm nảy sinh tâm lý điều hành DN tuỳ tiện, không tuân theo các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức, lẫn pháp luật trong kinh doanh, đẩy DNNN vào tình trạng làm ăn kém hiệu quả, thậm chí đối mặt với phá sản.

Để có cơ sở "bốc thuốc" chữa trị các căn bệnh của DNNN, Bộ Tài chính đang gấp rút chuẩn bị cho đợt tổng kiểm kê, đánh giá lại tài sản của DNNN trên toàn quốc. Đợt "bắt mạch" này sẽ diễn ra từ ngày 1/1/2011, nhằm làm rõ nguồn vốn tại DN như: nợ ngắn hạn, nợ dài hạn, vốn chủ sở hữu… , cũng như các tài sản: tài sản cố định, bất động sản đầu tư, các khoản đầu tư tài chính dài hạn, giá trị quyền sử dụng đất, lợi thế thương mại, giá trị thương hiệu... Theo kế hoạch, cuối tháng 10 tới, các Bộ, UBND cấp tỉnh sẽ ban hành văn bản hướng dẫn kiểm kê và đánh giá lại tài sản của các DNNN thuộc phạm vi quản lý của mình, trên cơ sở phương án mà Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kết quả của đợt kiểm kê này, theo Bộ Tài chính, sẽ là cơ sở quan trọng giúp hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát DNNN, để đảm bảo khu vực DN này hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn.