Được mất đầu tư chứng chỉ quỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà đầu tư thường đặt ra câu hỏi: nên tự đầu tư hay đầu tư chứng chỉ quỹ (loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đại chúng)? 
Được mất đầu tư chứng chỉ quỹ

Tự đầu tư chứng khoán đồng nghĩa rằng nhà đầu tư phải dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu, phân tích, học hỏi và chịu trách nhiệm cho quyết định mua - bán của mình. Với đặc điểm số lượng nhà đầu tư cá nhân chiếm đến 90% giá trị giao dịch trên thị trường, dễ thấy, tự đầu tư vẫn là ưu tiên của rất nhiều người.

Tuy nhiên, sau khi VN-Index từ mức đỉnh hơn 1.500 điểm trong tháng 1/2022 đã liên tục xô đổ các vùng hỗ trợ và giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư không tránh khỏi tâm lý hoảng loạn vì lỗ nặng. Lúc này, đầu tư chứng chỉ quỹ cũng được nhắc đến nhiều hơn.

Trong tọa đàm: Quản lý đầu tư cá nhân trong môi trường linh hoạt do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) cho rằng, để trả lời thắc mắc có nên đầu tư chứng chỉ quỹ hay không là rất dễ.

“Nếu chúng ta không phải thợ may, chúng ta có thể may quần áo không? Nếu chúng ta không phải kiến trúc sư, chúng ta có thiết kế được nhà không?”, bà Nga đặt câu hỏi.

Bà Nga phân tích, nhà đầu tư cá nhân thường cho rằng, đầu tư chứng khoán rất đơn giản vì dễ mua, dễ bán, giá tăng hay giảm là phụ thuộc vào may rủi và tin tốt của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đầu tư như vậy rất nguy hiểm. Nguyên tắc đầu tư là mua rẻ bán đắt, nhưng làm sao để biết cổ phiếu có rẻ hay không? Mua một sản phẩm thông thường có thể đánh giá qua kiểu dáng, chất liệu, nhưng chứng khoán là vô hình.

Do đó, để biết nên tự đầu tư hay đầu tư vào quỹ, bà Nga cho rằng nhà đầu tư cần nhận thức được các vấn đề: mình có chuyên môn không, có khả năng lựa chọn cổ phiếu đắt hay rẻ không, mua thì bao giờ bán, nếu bán có thể lãi được bao nhiêu? Nếu thực tế không đúng kỳ vọng khiến cổ phiếu giảm thì có thể giảm đến đâu?... Đó là những câu hỏi nhà đầu tư phải trả lời trước khi đưa ra quyết định.

Đối với trái phiếu, nhà đầu tư cá nhân thường quên đi việc đọc báo cáo tài chính của công ty phát hành để biết tình hình tài chính doanh nghiệp, số nợ bao nhiêu, nợ trên vốn bao nhiêu, dòng tiền sắp tới ra sao, mua trái phiếu 3 năm thì dòng tiền 3 năm tới của doanh nghiệp như thế nào, doanh nghiệp có khả năng trả mình không, tài sản nào đảm bảo, có khả năng thanh khoản không?

“Tất cả điều đó nhà đầu tư cá nhân gần như chắc chắn không thể làm được và nhà đầu tư nên thuê một người có chuyên môn đi làm giúp mình là tốt nhất”, bà Nga nói.

Đặc điểm quan trọng nhất của quỹ là có tính chuyên môn rất cao, bởi việc đầu tư được các chuyên gia có kinh nghiệm, kiến thức và thời gian thực hiện.

Một điểm nữa của quỹ đầu tư là tính đa dạng hóa. Nếu nhà đầu tư chỉ đủ vốn đầu tư 2 - 3 trái phiếu hoặc 5 - 7 cổ phiếu, thì quỹ luôn sở hữu một rổ cổ phiếu đa dạng, đơn cử VCBF nắm giữ ít nhất là 20 - 30 cổ phiếu ở các ngành khác nhau.

"VCBF có những cổ phiếu phòng thủ như nước, điện, công nghệ, lương thực thực phẩm hoặc những ngành có tính chu kỳ cao như ngân hàng, bất động sản. Tuy nhiên, với cổ phiếu mang tính chu kỳ cao, quỹ này phải lựa chọn cẩn thận cổ phiếu của những doanh nghiệp hàng đầu, để khi có khủng hoảng hoặc nền kinh tế gặp khó khăn, các doanh nghiệp này vẫn có bước phát triển vượt bậc. Kể cả khi cổ phiếu có khả năng bị điều chỉnh giảm, VCBF vẫn sẵn sàng nắm giữ dài hạn", bà Nga cho biết thêm.

Lợi nhuận chưa đạt đến kỳ vọng

Tuy nhiên, do tính đa dạng hóa cao, lợi nhuận mà các quỹ đầu tư mang lại thường chưa đạt đến kỳ vọng của nhà đầu tư. Bà Nga chia sẻ, cuối năm 2021, có rất nhiều nhà đầu tư nhìn kết quả của VCBF và nói cả năm qua quỹ chỉ tăng 38 - 40%, trong khi thị trường tăng rất nhiều, có những cổ phiếu tăng đến 5 - 7 lần.

Nhưng rõ ràng, không phải cổ phiếu nào nhà đầu tư cũng mua được ở điểm thấp và bán ra khi cổ phiếu tăng 5 - 7 lần. Phần lớn, nhà đầu tư thường mua cổ phiếu đã tăng sau khi doanh nghiệp tung ra tin tốt khiến nhiều người mua ở vùng giá đỉnh.

Trong 6 tháng vừa qua, trên HOSE mất 3/4 giá trị, chuyên gia VCSF đánh giá không ít nhà đầu tư đánh mất 50 - 70% giá trị, thay vì tăng 5 - 7 lần như kỳ vọng. Còn đầu tư vào quỹ, nhà đầu tư không nên kỳ vọng cổ phiếu sẽ tăng mạnh như vậy, nhưng sẽ không mất 70 - 80% giá trị. Quỹ sẽ có sự tăng trưởng ổn định, khi thị trường giảm, quỹ cũng chỉ giảm một chút.

“Đó là sản phẩm mà tôi nghĩ sẽ phù hợp với hầu hết các nhà đầu tư cá nhân không có chuyên môn về đầu tư chứng khoán mà chúng ta chỉ cần bỏ ra một chút phí quản lý để đầu tư thông qua các quỹ đó”, bà Nga nhìn nhận.

Tin bài liên quan