Được, mất từ TPP đều do Việt Nam

Được, mất từ TPP đều do Việt Nam

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã qua 19 phiên đàm phán chính thức. Việt Nam cùng 11 thành viên TPP đang nỗ lực để có thể kết thúc đàm phán vào cuối năm nay, chậm nhất là đầu năm 2014.

Gia tăng xuất khẩu, kích thích đầu tư

Tại Hội nghị “Hiệp định TPP và sự tham gia của Việt Nam” do Bộ Công thương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam chia sẻ, đàm phán TPP đang ở giai đoạn nước rút và dù còn tồn tại một số vấn đề, nhưng ở những thỏa thuận sơ bộ, các bên bắt đầu đạt được và cơ hội của Việt Nam về mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm thuế, đặc biệt là với ngành hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ… đã được nhìn thấy khá rõ.

Được, mất từ TPP đều do Việt Nam ảnh 1

Theo Bộ Công thương, sự tham gia của nhiều nền kinh tế trên thế giới khiến TPP là khu vực kinh tế lớn với hơn 790 triệu dân, tổng GDP đạt 27.000 tỷ USD, đóng góp 40% vào GDP và 30% kim ngạch thương mại toàn cầu cho thấy, cơ hội gia tăng xuất khẩu, mở rộng quy mô sản xuất, thu hút đầu tư của các nền kinh tế thành viên khi tham gia TPP.

Việt Nam tham gia sân chơi quan trọng này bắt đầu từ tháng 11/2008 và chính thức công bố đàm phán với tư cách thành viên chính thức từ tháng 11/2010.

Trong số các ngành hàng, dệt may là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam có quyền lợi đáng kể trong TPP, chỉ riêng Hoa Kỳ đã chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu, Nhật Bản chiếm 11%. Dệt may đang chịu khoảng 1.600 dòng thuế, thì có tới 1.000 dòng thuế từ Hoa Kỳ. Khi có TPP, thì nhiều dòng thuế sẽ giảm về 0%.

Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) khẳng định, TPP đang chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may. Như vậy, khu vực kinh tế này đặc biệt quan trọng với ngành cả trong hiện tại và tương lai. Tất nhiên, để có được những lợi ích từ TPP, ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt với những thách thức nhất định về quy tắc xuất xứ, vấn đề cắt giảm thuế và khả năng cạnh tranh lâu dài.

Cái được của việc áp đặt quy tắc xuất xứ là buộc các doanh nghiệp tăng đầu tư vào khâu thượng nguồn, như sợi, dệt, nhuộm, vải, tạo tiền đề phát triển bền vững. Nếu đầu tư được từ khâu sợi sẽ có nền tảng phát triển bền vững hơn.

“Việt Nam kiên quyết không nhượng bộ trong đàm phán về dệt may và đại diện đoàn đàm phán đang có những động thái tích cực để bớt ‘ngặt nghèo’ hơn trong vấn đề quy định về quy tắc xuất xứ”, ông Khánh nói. 

Từ nay đến khi TPP kết thúc đàm phán và tính từ thời điểm chờ Quốc hội của 12 nước thành viên TPP phê chuẩn, thông thường phải kéo dài 12 - 18 tháng. Khoảng thời gian này các doanh nghiệp Việt Nam sẽ huy động nguồn lực, gia tăng đầu tư vào các khâu có tính quyết định trong việc phát triển lâu dài, bền vững.

 

Sức ép về điều chỉnh chính sách

Khác với đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), TPP có phạm vi đàm phán rộng hơn, trong đó có nhiều vấn đề Việt Nam mới tham gia đàm phán, như mua sắm chính phủ, lao động, doanh nghiệp nhà nước… Do đó, sức ép về điều chỉnh chính sách từ cấp vĩ mô, cũng như khả năng điều chỉnh, vận động tự thân của doanh nghiệp đóng vai trò rất lớn.

Ông Khánh cho rằng, đặt giả thiết các quốc gia trong TPP, trong đó có Hoa Kỳ đồng ý mở cửa hết thị trường cho Việt Nam, thì để tận dụng được cơ hội đó, Việt Nam phải có một hệ thống chính sách có thể nhân rộng được tác động tích cực của TPP và giảm thiểu tác động tiêu cực.

Như vậy, lợi ích lớn hay nhỏ phụ thuộc rất nhiều vào phía Việt Nam .

TPP có hiệu lực, tạo điều kiện để hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được giảm thuế, mở rộng thị trường. Mặt khác, hàng hóa của các nước đối tác TPP cũng nhập khẩu vào Việt Nam và cạnh tranh trực diện với các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực của Việt Nam .

Về điều này, ông Khánh cho rằng, TPP không hoàn toàn chỉ là lợi ích, mà luôn đi kèm thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự điều chỉnh, vận động để thích ứng thông qua các hoạt động đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, cải thiện chất lượng sản phẩm.

“Nhìn vào quá trình Việt Nam tham gia đàm phán BTA, AFTA, hay từ khi Việt Nam gia nhập WTO, có thể thấy rõ nền kinh tế vẫn phát triển, hội nhập sâu rộng hơn và phần lớn là tác động tích cực. Tất nhiên, hạn chế là có và không tránh khỏi khi hội nhập vào sân chơi thương mại, nhưng hạn chế này không đáng kể so với những thành tựu mà Việt Nam đạt được và việc tham gia TPP cũng như vậy”, ông Khánh nhấn mạnh.