Khu đô thị ở ngoại ô Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Khu đô thị ở ngoại ô Bắc Kinh. Ảnh: AFP

Đường hồi sinh của thị trường nhà ở Trung Quốc thời Covid-19

Thị trường nhà ở tư nhân Trung Quốc đang hồi sinh khi nhiều đơn vị bán hàng mở cửa trở lại, cứu vớt các nhà phát triển bất động sản trước nguy cơ khủng hoảng tài chính do Covid-19.

Kích cầu nhưng kiểm soát giá

Theo công ty nghiên cứu bất động sản Trung Quốc (CRIC), kết quả giao dịch tại 8 thành phố lớn, gồm: Thâm Quyến, Thành Đô, Phúc Châu, Hàng Châu, Hoài Nam, Dương Châu, Gia Hưng và Sán Đầu cho thấy người mua nhà đã quay trở lại trong những tuần gần đây, với khối lượng giao dịch vượt qua mức trung bình trong quý IV/2019.

Theo tờ South China Morning Post, giao dịch mua nhà tăng trở lại lúc này là lối thoái hiểm cho thị trường bất động sản Trung Quốc sau khi chính quyền nước này áp dụng các biện pháp chống dịch Covid-19 khiến thị trường “đóng băng”.

Trước tác động của dịch Covid-19, các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã đưa ra các chương trình kích cầu bằng việc giảm giá để tăng doanh số và ngăn chặn tình trạng khủng hoảng thanh khoản. Yang Hongxu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển E-house Trung Quốc cho biết: "Giá bán nhà ở của một số dự án mới bị chính quyền siết lại và thấp hơn giá thị trường. Những hạn chế về giá nhà ở và đất đai đã dẫn đến những chiêu trò ăn chênh giá; do vậy mọi người đổ xô đi mua nhà, còn các nhà phát triển bất động sản tranh nhau mua đất".

Diễn biến thị trường nhà ở tại 30 thành phố lớn và vừa của Trung Quốc có thể phản ánh được xu hướng chung cho cả thị trường khi doanh số bán nhà tại các địa phương này đạt 8,6 triệu m2 trong tháng 3, cao gấp 3 lần so với doanh số 2,33 triệu m2 ghi nhận trong tháng 2, theo công ty thông tin tài chính Wind Information (Trung Quốc).

Tại Tô Châu - một đô thị loại 2 gần Thượng Hải, 175.800 m2 nhà ở đã được bán hết trong tuần đầu tiên của tháng 3, cao hơn nhiều so với con số 65.000 m2 nhà ở trung bình được bán hàng tuần trong tháng 2 và 132.000 m2 được bán hàng tuần trong tháng 1.

Đáng kể hơn là 1 dự án nhà ở tại quận Ngô Trung, thành phố Tô Châu với các hợp đồng mua nhà với tổng giá trị lên tới 1,2 tỷ nhân dân tệ được "chốt" trong một phút giao dịch trực tuyến và 90% lượng căn hộ được bán trong vòng một giờ.

Nhu cầu bị dồn nén

Lý giải cho hiện tượng mua bán nhà ở nhộn nhịp, Yang Hongxu, chuyên gia của E-House cho rằng, đó là cơn giải thoát nhu cầu nhà ở bị kìm nén từ dịp Tết Nguyên đán và việc áp dụng các biện pháp phong tỏa, cách lý để chống dịch Covid-19 trong tháng 2. “Do vậy, thị trường bất động sản đã nóng lên phần nào”, Yang nói thêm.

Các dấu hiệu đáng mừng cho thị trường là việc nhiều công ty bất động sản trở lại hoạt động và đẩy mạnh bán hàng còn người lao động cũng cũng trở lại làm việc tại các thành phố; đây là những khách hàng tiềm năng của các doanh nghiệp bất động sản. Nhiều nhà máy đã kích hoạt lại sản xuất và Trung Quốc cũng bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa tại tỉnh Hồ Bắc - nơi hứng chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19.

Công ty phát triển bất động sản Country Garden tại Quảng Đông cho biết 97% trong số 1.327 trung tâm bán hàng của công ty này, ngoại trừ tại tỉnh Hồ Bắc đã mở cửa hoạt động trở lại, còn toàn bộ 2.951 công trình xây dựng cũng đã trở lại hoạt động.

Tại Thâm Quyến, nhà phát triển bất động sản New World Development có trụ sở tại Hong Kong đã bán 70 căn hộ tại dự án Prince Bay từ ngày 1/1 - 15/3, với giá từ 21 - 51 triệu nhân dân tệ/căn. Cũng tại tỉnh này, khách hàng đã “chốt” nhanh 288 căn hộ nhỏ của một dự án ở quận Bảo An, theo dữ liệu của công ty CRIC.

Dù doanh thu bán nhà có tăng trở lại ấn tượng, nhưng dường như không thể bù đắp cho sự sụt giảm những tháng đầu năm. Hãng tư vấn bất động sản Knight Frank dự đoán doanh số bán nhà tại các đô thị loại 1 ở Trung Quốc trong nửa đầu năm 2020 sẽ giảm 30 - 40%.

Trong khi đó, doanh số bán nhà tại các đô thị cấp thấp hơn khó có thể phục hồi nhanh chóng, theo Xie Rui, chuyên gia phân tích tài sản tại công ty tư vấn tài chính Golden Credit Rating.

Xie cho biết, doanh số bán nhà (tính theo m2) tại Trung Quốc dự báo giảm 13,8% trong nửa đầu năm 2020 và 4,5% cả năm, nếu dịch Covid-19 tại Trung Quốc được kiểm soát trong tháng 4 và không có chính sách kích cầu đáng kể nào từ phía nhà nước.

Tin bài liên quan