ESG và đòi hỏi thích ứng với sự thay đổi

ESG và đòi hỏi thích ứng với sự thay đổi

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) 2020 là một năm vô tiền khoáng hậu cho bất kỳ chuẩn mực nào và Việt Nam cũng trở nên nổi bật với câu chuyện của mình.

Không chỉ là một điểm sáng trên thế giới về kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, một sự kiện quan trọng khác với Việt Nam trong năm 2020 là Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) được thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020.

Theo quan điểm của ACCA, đây là một thỏa thuận đặc biệt, vì nó bao gồm một số nghĩa vụ về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) như vấn đề bảo vệ tài sản, vấn đề quyền của người lao động và vấn đề phát triển bền vững...

Chúng tôi tin rằng, đây là các đòn bẩy làm gia tăng giá trị của các công ty Việt Nam và hướng họ về một tầm nhìn dài hạn hơn.

Doanh nghiệp Việt ngày càng chú trọng ESG

Bà Rachael Johnson, Trưởng Bộ phận Quản lý Rủi ro và Quản trị Doanh nghiệp, Ban nghiên cứu chuyên môn, ACCA Toàn cầu
Bà Rachael Johnson, Trưởng Bộ phận Quản lý Rủi ro và Quản trị Doanh nghiệp, Ban nghiên cứu chuyên môn, ACCA Toàn cầu

Mặc dù đầu tư ESG đã hình thành ở Việt Nam được một thời gian, nhưng hiểu biết về ESG tăng mạnh hơn khi Covid-19 xuất hiện.

Trên thế giới, các nhà đầu tư chủ động đã đòi hỏi nhiều hơn ở các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư về cách đáp ứng các tiêu chuẩn ESG. Ngày càng có sự phối hợp hành động giữa các nhà quản lý đầu tư tập trung vào ESG, nhà làm luật thận trọng và các cơ quan ban hành chuẩn mực.

Mối quan tâm ESG ngày càng cao ở Việt Nam được trình bày trong báo cáo chuyên đề đầu tiên của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) vào tháng 8/2020. Báo cáo nhấn mạnh, những doanh nghiệp Việt Nam đã cam kết thực hiện giải pháp bền vững, có hiểu biết hơn về ESG chứng tỏ khả năng hồi phục nhanh hơn trong suốt khủng hoảng Covid-19 và các nhà quản lý đầu tư đang chú trọng hơn đến các yếu tố phi tài chính khi xác định các rủi ro trọng yếu và cơ hội tăng trưởng.

Tuy nhiên, để đạt được xếp hạng ESG cao hơn, các doanh nghiệp cần kiểm toán các chuỗi cung ứng, sự tuân thủ của nhân viên, khâu hậu cần nội bộ và thực hiện hiệu chỉnh ngay khi cần thiết. Các doanh nghiệp cần lập báo cáo ESG tuân thủ theo các khung báo cáo chuẩn, chẳng hạn như của Hội đồng Chuẩn mực báo cáo kế toán bền vững (SASB). Kiểm toán điều tra giúp cung cấp thông tin chi tiết và quan hệ với nhà cung ứng doanh nghiệp cần để tồn tại qua biến động lớn như Covid-19.

Chẳng hạn như Vinamilk (VNM) - doanh nghiệp mà chúng tôi đánh giá là tuân thủ sớm chiến lược quản trị doanh nghiệp, đã mời các chuyên gia nước ngoài đóng vai trò giám sát và tham gia vào hội đồng quản trị hơn 12 năm nay. VNM cũng đã thu hút được nguồn đầu tư nổi bật từ các nhà đầu tư chiến lược trong khu vực và có lẽ phần lớn nhờ vào phương thức báo cáo ESG ngày càng chặt chẽ hơn và hiệu quả hoạt động dài hạn của doanh nghiệp. FPT cũng mở cửa chào mời các thành viên hội đồng quản trị độc lập nước ngoài để nâng cao quản trị doanh nghiệp và tính linh hoạt.

Các nhà phân tích từ HSC nhận định, sẽ có nhiều doanh nghiệp và ngành thuyết minh hiệu quả hơn về ESG trong báo cáo thường niên, đặc biệt khi Hội đồng Chuẩn mực báo cáo kế toán bền vững (SASB), Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI) và Dự án công bố khí thải carbon toàn cầu (CDP) phát triển các chuẩn mực và diễn giải hỗ trợ quy trình đầu tư ESG. Một trong những trở ngại lớn trong áp dụng chiến lược đầu tư ESG mạnh mẽ ở Việt Nam là thiếu dữ liệu đáng tin cậy.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp có nhiều động thái chuẩn bị áp dụng chuẩn mực lập báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Khảo sát thực hiện trong tháng 7 và tháng 8/2020 của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Deloitte Việt Nam với sự hỗ trợ của ACCA cho thấy, hơn phân nửa các doanh nghiệp tham gia khảo sát đang nghiên cứu và áp dụng IFRS để đáp ứng các kỳ vọng của các nhà đầu tư và cải thiện quản trị doanh nghiệp. Đồng thời ít nhất 55% số doanh nghiệp phản hồi là chưa có kế hoạch áp dụng trước năm 2025 theo lộ trình áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế tại Quyết định 345/2020 của Bộ Tài chính.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy một điểm thú vị về cấp ra quyết định áp dụng IFRS tại doanh nghiệp: 53% là kế toán trưởng và 1/3 từ lãnh đạo cấp cao. Các ngành doanh nghiệp đã hoặc đang lập kế hoạch áp dụng IFRS gồm ngân hàng, năng lượng công nghiệp, bảo hiểm, quản lý tài sản, thông tin và công nghệ, truyền thông và công nghệ. Các doanh nghiệp tham gia khảo sát đa số là đầu tư nước ngoài, tiếp đến là công ty niêm yết, công ty đại chúng và doanh nghiệp nhà nước.

Đây là dấu hiệu tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, sẽ mang đến ảnh hưởng tích cực và sẽ thu hút càng nhiều nguồn vốn đầu tư hơn vì áp dụng IFRS, ngôn ngữ báo cáo chung của toàn cầu. ACCA cũng tin rằng, Việt Nam sẽ áp dụng IFRS rộng rãi hơn trong bối cảnh nhiều trường đại học đã và đang đưa IFRS vào trong chương trình đào tạo.

Thế giới đang thay đổi nhanh chóng

ACCA nhận định, sự kết hợp của nhận thức công chúng, các quy định và sự chuyển giao tài sản giữa các thế hệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai Việt Nam.

Báo cáo khảo sát toàn cầu của ACCA với tựa đề “Covid-19 - Đà phục hồi của doanh nghiệp” công bố vào tháng 6/2020 có 113 doanh nghiệp Việt Nam tham gia cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã có tư duy tiên phong. Dịch bệnh đã có tác động sâu sắc và sẽ ảnh hưởng cả trong những năm sau này tới hoạt động của doanh nghiệp, tuy nhiên kết quả khảo sát cũng cho thấy tín hiệu tốt vì nhiều doanh nghiệp vừa ứng phó được khủng hoảng hiện tại, vừa có kế hoạch chuẩn bị cho lâu dài. Nhiều doanh nghiệp có quyết định chiến lược, từ triển khai giảm chi phí đến cho phép nhân viên làm việc từ xa.

ACCA cũng nhận thấy mối tương quan giữa ESG và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Số liệu từ báo cáo chuyên đề của HSC cũng cho thấy, các doanh nghiệp đề ra mục tiêu ESG tiếp tục phát triển vượt trội hơn các doanh nghiệp thông thường. Chỉ số các doanh nghiệp dẫn đầu ESG của Quỹ quốc tế Morgan Stanley (MSCI) ở các thị trường mới nổi cho thấy, các doanh nghiệp thực hiện ESG có lợi nhuận gộp hàng năm là 6,98% so với của các doanh nghiệp thông thường là 3,73% vào cuối tháng 8, mức chênh lệch này còn cao hơn nữa vào cuối tháng 9/2020.

Có nhiều bằng chứng cho thấy rằng, thế hệ Y chú trọng nhiều hơn vào việc đầu tư bền vững và có nhận thức sâu sắc hơn về phát triển bền vững hơn thế hệ cha mẹ, đồng thời khái niệm đầu tư ESG đang trở thành chính thống ở châu Âu và ngày càng gia tăng ở Mỹ.

Báo cáo “Việt Nam thế hệ kế tiếp” do Hội đồng Anh phát hành vào tháng 8/2020 cho thấy 40% người Việt Nam ở độ tuổi 16 - 30 lập kế hoạch khởi nghiệp. Nghiên cứu này được tiến hành vào năm 2019 trước sự bùng nổ Covid-19, cũng đã chỉ ra rằng, thế hệ kế tiếp lựa chọn 3 ưu tiên hàng đầu là: an toàn thực phẩm, tiếp cận nguồn nước sạch, và tiếp cận đào tạo cấp độ cao hơn.

Có lẽ, cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam thành công là do người dân đoàn kết, chủ động và tự giác tuân theo các hướng dẫn của Chính phủ. Họ coi chống lại virus là vấn đề an ninh quốc gia. Chúng tôi tin rằng, các doanh nghiệp với các chiến lược phát triển bền vững sẽ hưởng lợi từ tư duy và hành vi tiêu dùng này của người Việt Nam.

Ngành ngân hàng Việt Nam có thể coi là một điển hình khi tuân thủ nhiều quy định hơn các ngành nghề khác do phải áp dụng các chuẩn mực và thông lệ tốt nhất như là Basel II, do đó bắt buộc có bản cân đối kế toán lành mạnh và khả năng phục hồi hoạt động liên tục.

Ngành ngân hàng sẽ ăn nên làm ra hơn ở năm 2021, khi thị trường thương mại điện tử của Việt Nam tăng vọt và số lượng người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu tiếp tục nhân lên gấp bội. Bởi công nghệ phát triển sẽ giúp mở rộng các nguồn tài chính, tăng cường sử dụng các sản phẩm đầu tư và tín dụng. Dư địa ở Việt Nam còn rất lớn do tới nay chưa đến 40% dân số có tài khoản ngân hàng. Công nghiệp hóa và đô thị hóa ở Việt Nam càng phát triển thì các nhu cầu mà người tiêu dùng chưa đủ khả năng chi trả như mua nhà sẽ càng gia tăng. Khi đó, các sản phẩm thương mại điện tử cầm cố, trả góp nhà hướng tới đáp ứng nhu cầu này.

Động lực này được đánh dấu vào cuối tháng 9/2020 với Timo Plus, ngân hàng điện tử đầu tiên của Việt Nam, tái tung ra các dịch vụ của họ và Chính phủ tiếp tục tập trung vào chính sách mở rộng các phương thức thanh toán trực tuyến và khu vực công nghệ tài chính, cụ thể là Ngân hàng Phát triển Việt Nam đưa ra các khoản vay ưu đãi cho khởi nghiệp.

Những động lực này có thể dẫn đến con đường hồi phục bền vững hơn ở Việt Nam. Cách xử lý Covid-19 đến nay đã mang lại niềm tin cho Việt Nam, tuy nhiên quốc gia này chỉ có thể tận dụng cơ hội để tiến xa về phía trước nếu Chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục hành động đúng đắn.

- Theo Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (Accounting Standards Board - IASB), IFRS đã được các công ty niêm yết áp dụng ở hơn 130 quốc gia.

- Theo tính toán của Blackrock, trong quý I/2020, nguồn vốn chảy vào trong các quỹ mở bền vững toàn cầu tăng 41% so với năm trước.

Tin bài liên quan