EU cảnh báo việc áp trần giá với khí đốt sử dụng để sản xuất điện

0:00 / 0:00
0:00
Đức và Hà Lan đã cảnh báo trần giá có thể khiến mức tiêu thụ tăng trong thời điểm các nước đang đẩy mạnh việc tiết kiệm nhiên liệu và tìm nguồn cung thay thế Nga.
Hệ thống đường ống tại trạm OGE, một trong những trạm trung chuyển khí đốt lớn nhất châu Âu, ở Werne, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hệ thống đường ống tại trạm OGE, một trong những trạm trung chuyển khí đốt lớn nhất châu Âu, ở Werne, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh báo việc áp trần giá đối với khí đốt được sử dụng để sản xuất điện có thể làm tăng mức tiêu thụ và khuyến khích xuất khẩu điện được trợ giá.

Các bộ trưởng năng lượng EU sẽ có cuộc gặp vào ngày 25/10 để thảo luận các lựa chọn trong việc áp trần giá khí đốt, nhưng các nước vẫn bất đồng về việc liệu có thực hiện và thực hiện ra sao sau nhiều tuần thảo luận.

Ủy ban châu Âu (EC) chia sẻ với các nước một bản phân tích về trần giá đối với khí đốt được sử dụng để sản xuất điện, một cơ chế mà Tây Ban Nha và Bồ đào Nha đã triển khai trong mùa Hè này, sau khi nổ ra xung đột giữa Nga và Ukraine và việc nguồn cung khí đốt cho EU bị cắt giảm, khiến giá năng lượng tăng.

Việc mở rộng ra toàn EU, một ý tưởng mà Pháp ủng hộ, có thể khiến nhu cầu khí đốt trong khối tăng thêm 9 tỷ m3.

Điều đó sẽ cần có những biện pháp để ngăn chặn việc điện giá rẻ được xuất khẩu sang các nước ngoài khối như Anh và Thụy Sĩ, những nước hiện không áp trần giá.

Đức và Hà Lan đã cảnh báo trần giá có thể khiến mức tiêu thụ tăng trong thời điểm các nước đang đẩy mạnh việc tiết kiệm nhiên liệu và tìm nguồn cung thay thế Nga, nước cung cấp 155 tỷ m3 khí đốt cho EU trước xung đột.

Theo EC, cơ chế trần giá có thể làm lợi ròng 13 tỷ euro (12,8 tỷ USD) và góp phần hạ nhiệt lạm phát nếu giá khí đốt trên thị trường ở mức 180 euro/MWh trong một năm.

Giá khí đốt đã giảm xuống thấp hơn nhiều mức này trong những ngày gần đây do thời tiết ấp áp và kho dự trữ đầy.

Pháp, nước nhập khẩu ròng điện được sản xuất từ khí đốt, sẽ được hưởng lợi nhất khi áp trần giá.

Trong khi đó, Đức, Hà Lan và Italy, những nước sản xuất lượng điện từ khí đốt lớn, sẽ đối mặt với chi phí cao nhất để thực hiện cơ chế này.

Tin bài liên quan