EU nới lỏng để hỗ trợ doanh nghiệp chịu thiệt hại do lệnh trừng phạt

0:00 / 0:00
0:00
EC sẽ tạm thời nới lỏng các quy định về hạn chế cạnh tranh để hàng nghìn doanh nghiệp tại Liên minh châu Âu (EU) chịu tình trạng gián đoạn nguồn cung do các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Ảnh minh họa. (Nguồn: RIA Novosti).

Ảnh minh họa. (Nguồn: RIA Novosti).

Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tạm thời nới lỏng các quy định về hạn chế cạnh tranh để hàng nghìn doanh nghiệp tại Liên minh châu Âu (EU) chịu tình trạng gián đoạn nguồn cung do các lệnh trừng phạt đối với Nga có thể hợp tác mua, cung cấp hoặc phân phối các sản phẩm khan hiếm mà không vi phạm các quy định cạnh tranh.

Ngày 21/3, cơ quan quản lý của EU đã ban hành hướng dẫn cùng với các cơ quan giám sát cạnh tranh quốc gia và Cơ quan giám sát Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA) sau khi nhiều doanh nghiệp tìm kiếm lời khuyên về cách đối phó với sự gián đoạn do các lệnh trừng phạt gây ra.

Tuy nhiên, các nhà quản lý cảnh báo các công ty không nên lợi dụng tình hình để hình thành hay tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hoặc lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường của họ.

Các công ty vi phạm quy định chống độc quyền của EU phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 10% doanh thu toàn cầu của họ.

Trong nỗ lực gây sức ép lên Nga, EU và các đồng minh phương Tây đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt bao gồm cả việc đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương Nga.

Trong khi đó, Nga cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt của EU đối với dầu mỏ của Nga có thể khiến nước này đóng cửa một đường ống dẫn khí đốt tới châu Âu. Hiện Nga cung cấp tới 40% lượng khí đốt của EU.

Các nhà lãnh đạo châu Âu đang thực hiện các kế hoạch để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng “xanh hơn,” một phần nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga.

Trong một phát biểu mới đây, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết những nỗ lực của châu Âu để chống biến đổi khí hậu và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sẽ gây lạm phát trong ngắn đến trung hạn nhưng sẽ làm giảm giá trong dài hạn.

Tin bài liên quan