Theo Luật Bản quyền Châu Âu, Facebook, Google sẽ phải trả tiền cho các bài báo được đăng tải trên nền tảng của họ.

Theo Luật Bản quyền Châu Âu, Facebook, Google sẽ phải trả tiền cho các bài báo được đăng tải trên nền tảng của họ.

Facebook, Google sẽ phải trả tiền cho các bài báo đăng trên Internet

Việc các công ty Internet phải chia sẻ doanh thu của mình cho các nhà sản xuất nội dung là một phần trong Luật Bản quyền Châu Âu. Mới đây, Pháp là quốc gia đầu tiên trên thế giới thông qua dự luật này. 

Quốc hội Pháp vừa thông qua một dự luật về quyền tác giả. Theo đó, các đại gia trực tuyến như Google và Facebook sẽ phải trả tiền cho nhà cung cấp nội dung gốc, điển hình là các báo điện tử khi người dùng Internet tham khảo các nội dung được trích hoặc đăng tải lại trên các công cụ tìm kiếm hay mạng xã hội này. 

Luật Bản quyền còn quy định, các nhà báo, phóng viên, tác giả trực tiếp của các bài viết, video hay sản phẩm âm thanh cũng sẽ nhận được một phần thù lao, trong số thù lao mà Google hay Facebook trả cho cơ quan chủ quản.

Để tránh việc các cơ quan báo chí lợi dụng quy định này để chạy đua theo kiểu “câu view”, luật quyền tác giả đối với báo chí và truyền thông của Pháp quy định, chỉ các tác phẩm báo chí có chất lượng mới là đối tượng đàm phán để được trả thù lao. Các bản trích dẫn quá ngắn, nội dung sơ sài sẽ không được xem xét.

Đây là một phần của dự luật sửa đổi Luật bản quyền Châu Âu. Trước đó, dự luật này đã được Nghị viện Châu Âu thông qua vào tháng 3 năm nay. Với việc được Hạ Viện Pháp phê duyệt, Pháp sẽ thành quốc gia đầu tiên áp dụng bộ luật sửa đổi này. 

Theo ông Franck Riester - Bộ trưởng Văn hóa Pháp, việc thông qua bộ luật nói trên là cần thiết nhằm đảm bảo sự tồn tại của một nền báo chí độc lập và tự đo. 

Luật quyền tác giả đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía các công ty truyền thông và giới nghệ sĩ. Đây là nhóm người muốn bảo vệ quyền lợi của mình khi các sản phẩm của họ được đăng tải trên các nền tảng Internet.

Với AFP - hãng thông tấn lâu đời nhất thế giới, AFP coi điều luật trên như một biện pháp khẩn cấp nhằm bảo vệ các sản phẩm báo chí chất lượng, đồng thời nó sẽ giúp tăng thu nhập cho các công ty truyền thông truyền thống. 

Trong khi đó, ASIC - hiệp hội của các công ty công nghệ bao gồm Facebook, Google cho rằng các quy định trên là không thực sự rõ ràng khi khó định nghĩa đâu là sản phẩm báo chí chất lượng. Nhóm các công ty công nghệ này cũng muốn chính phủ các nước Châu Âu cân bằng hơn giữa quyền tự do thông tin và vấn đề bản quyền. 

Bất chấp sự phản đối của nhiều doanh nghiệp công nghệ, Luật Bản quyền Châu Âu sẽ được tất cả các quốc gia thành viên thông qua vào tháng 4 năm sau. 

Tin bài liên quan