Fecon (FCN): Công ty mẹ tiếp tục thua lỗ, chi phí lãi vay gia tăng

Fecon (FCN): Công ty mẹ tiếp tục thua lỗ, chi phí lãi vay gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Fecon (FCN) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 với lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ tiếp tục âm, nguyên nhân xuất phát từ lợi nhuận gộp giảm và chi phí lãi vay tăng.

Báo cáo tài chính quý III/2023 của Fecon cho thấy, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 213,2 triệu đồng, giảm 71,55% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1,5 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.

Tại báo cáo tài chính riêng Công ty mẹ, lợi nhuận sau thuế quý III/2023 là âm 9,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước là âm 7,5 tỷ đồng.

Theo FCN, lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ âm 9,83 tỷ đồng do 2 nguyên nhân. Thứ nhất, lợi nhuận gộp của Công ty mẹ giảm 12,84 tỷ đồng, tương ứng giảm 26,89% do trong quý III, biên lợi nhuận gộp của các dự án bị suy giảm so với cùng kỳ, xuất phát từ tiến độ thi công các dự án lớn bị kéo dài, dẫn tới giá vốn hàng bán tăng cao. Vì vậy, dù doanh thu có tăng trưởng nhẹ 2,19% nhưng lợi nhuận gộp vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.

Thứ hai, chi phí hoạt động tài chính của Công ty mẹ tăng 6,28 tỷ đồng, tương đương tăng 24,14%. Nguyên nhân chủ yếu là chi phí lãi vay tăng 6,3 tỷ đồng, tương ứng tăng 25,03%, do ảnh hưởng của đợt tăng lãi suất từ cuối năm 2022.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm 71,55% chủ yếu do doanh thu thuần hợp nhất trong kỳ giảm 116,73 tỷ đồng, tương ứng giảm 21,38%. Nguyên nhân là quý III/2023, thị trường xây dựng diễn biến không thuận lợi, tiến độ triển khai một số dự án lớn bị chậm hơn so với kế hoạch dự kiến ban đầu nên tiến độ chào thầu bị ảnh hưởng, việc ký kết hợp đồng kéo dài dẫn tới sản lượng thi công đạt thấp.

Đáng chú ý, báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất cho thấy, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tiếp tục âm 61,5 tỷ đồng. Tỷ lệ tiền/tổng tài sản của FCN duy trì ở mức thấp 4,4%.

Trong cơ cấu tài sản, chiếm tỷ trọng lớn nhất là khoản phải thu, hàng tồn kho. Cụ thể, tính tới cuối tháng 9/2023, FCN sở hữu 2.995,5 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn và 121,2 tỷ đồng khoản phải thu dài hạn, chiếm 40,8% tổng tài sản.

Về nguồn vốn, cơ cấu nguồn vốn của FCN chủ yếu là nợ vay. Cụ thể, tổng nợ phải trả đạt 4.223,6 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn với giá trị 3.291,2 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,23 lần.

Diễn biến lợi nhuận sau thuế 5 năm gần nhất của Fecon

Diễn biến lợi nhuận sau thuế 5 năm gần nhất của Fecon

Trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, FCN đã thông báo lùi thời gian thanh toán cổ tức 2022 bằng tiền sang quý I/2024. Theo kế hoạch phân phối lợi nhuận 2022 được thông qua đầu năm 2023, FCN dự kiến chi 5% vốn điều lệ để trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền. Số tiền thực chia dựa vào vốn điều lệ tại thời điểm chốt quyền nhận cổ tức.

Đến cuối tháng 6/2023, FCN đang lưu hành hơn 157 triệu cổ phiếu. Nếu không có sự thay đổi, dự kiến Công ty sẽ chi gần 79 tỷ đồng trong đợt trả cổ tức sắp tới.

Vào thời gian này năm trước, FCN cũng dời ngày thanh toán cổ tức 2021 bằng tiền từ 28/10/2022 sang 16/01/2023. Lý do vẫn đến từ thị trường chung không thuận lợi, chậm tiến độ các hợp đồng dự kiến được ký kết, chi phí lãi vay tăng cao, tiếp cận nguồn tín dụng gặp khó khăn.

Tin bài liên quan