Fed có thể tạo áp lực lên giá vàng trong tháng 3

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, khả năng tăng lãi suất trong tháng 3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạo áp lực lớn lên giá vàng.

Liệu Fed có tăng lãi suất trong tháng này như dự báo đưa ra, thưa ông?

Các quan chức Fed đã thay đổi lập trường từ trung lập trong cuộc họp tháng 1/2017, sang ủng hộ tăng lãi suất trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 14-15/3. Nếu nhìn vào dữ liệu kinh tế Mỹ, có thể nhận thấy, không có sự thay đổi đáng kể nào trong thời gian gần đây. Hầu như không có chỉ báo kinh tế nào xấu trong vòng 3 tháng trở lại đây đối với kinh tế Mỹ. Sự vững vàng của các dữ liệu kinh tế Mỹ đi kèm với triển vọng dần khởi sắc của kinh tế toàn cầu đã gỡ bỏ rào cản tâm lý cho động thái tăng lãi suất.

Fed có thể tạo áp lực lên giá vàng trong tháng 3 ảnh 1

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Đầu tư  và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) 

Bên cạnh đó, theo bà Yellen, Chủ tịch Fed, tình hình thị trường việc làm và lạm phát đang diễn biến theo đúng kỳ vọng của Fed. Nói cách khác, nền kinh tế Mỹ ở thời điểm hiện nay chưa có khả năng bứt phá, nhưng nhịp điệu tăng trưởng đều đặn vẫn được duy trì. Đó là tất cả những gì mà Fed cần cho một đợt tăng lãi suất mới.

Điều này cũng có nghĩa, vàng sẽ chịu áp lực lớn khi Fed sắp tăng lãi suất?

Về nguyên lý thị trường, một khi Fed tăng lãi suất, đồng USD sẽ mạnh lên, khiến cho vàng giảm giá. Thế nhưng, điều đó cũng không loại trừ được tình huống cả USD và vàng cùng tăng giá. Thực tế này đã diễn ra vào tháng 7/2016 và trên thị trường cũng đang có những dấu hiệu cho thấy điều này có thể tái diễn.

Chúng ta không thể phủ nhận quy luật USD tăng, thì vàng sẽ giảm giá. Tuy nhiên, yếu tố làm cho vàng tăng giá cũng có thể đến từ sự kiện Anh rời khỏi khu vực châu Âu trong thời gian tới đây, khiến cho đồng Euro lên giá và các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ làm cho vàng tăng giá như hồi tháng 7 năm ngoái.

Vàng giảm giá cũng được xem là cơ hội để mua vào, nhưng giá vàng trong nước luôn chênh lệch và cao so với thế giới. Liệu đầu tư vào vàng có rủi ro?

Sở dĩ giá vàng trong nước cao hơn vàng thế giới, với mức chênh lệch lên đến 3 - 4 triệu đồng/lượng hiện nay do lực cầu của thị trường có tăng. Trong khi đó, nguồn cung vàng miếng thương hiệu SJC của thị trường có hạn, nhất là kể từ khi Nghị định 24/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành về quản lý thị trường vàng đã hạn chế nguồn cung vàng miếng trên thị trường.

Vì thế, các nhà kinh doanh vàng buộc phải điều chỉnh giá bán cao hơn giá thế giới, do nguồn cung thiếu. Nếu nguồn cung không được hỗ trợ và một khi giá vàng thế giới tiếp tục đà tăng thì khó kiềm được giá trong nước cao hơn giá thế giới. Đồng thời, mức chênh lệch sẽ kéo dài hơn.

Theo ông, xu hướng vàng giảm giá sẽ không kéo dài, dù Fed có thêm động thái mới?

Tôi cho rằng, trong ngắn hạn, vàng có khả năng giảm, ảnh hưởng trực tiếp bởi động thái tăng lãi suất của Fed. Nhưng trong dài hạn, với các yếu tố nói trên, thì khả năng hỗ trợ cho vàng tăng giá rất lớn.

Tuy nhiên, để có thể hạn chế rủi ro trong bối cảnh hiện nay, khi các kênh đầu tư khác vẫn chưa hồi phục rõ nét, ngoại trừ bất động sản, những người có tiền nhàn rỗi cũng không nên bỏ “trứng” vào một rổ, mà có thể đầu tư một ít vào trái phiếu chính phủ thông qua các quỹ đầu tư, đầu tư một ít vào vàng, ngoại tệ, gửi tiết kiệm hoặc có thể đầu tư vào một ít cổ phiếu của những công ty mới thành lập, nhưng khả thi để khi phát triển thì có thể chốt lời.

Tin bài liên quan