Fed đang đi theo cách có thể khiến chứng khoán thế giới sụp đổ

(ĐTCK) Cuối tháng 3, để hỗ trợ nền kinh tế khó khăn trong đại dịch, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tung ra chương trình mua lại tài sản chưa từng có. Đây là giải pháp cần thiết để cho một cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo, thanh khoản dư thừa cuối cùng có thể sẽ thổi phồng "bong bóng", và khi bong bóng vỡ, tất cả các thị trường sẽ sụp đổ.
Ảnh: AFP.

Ảnh: AFP.

Tăng trưởng không hợp lý

Để trấn an các nhà đầu tư, Fed vào tháng 3 đã cắt giảm lãi suất cơ bản xuống mức 0-0,25%. Cơ quan quản lý này cũng đưa ra chương trình mua 500 tỷ USD trái phiếu kho bạc và 200 tỷ USD chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp.

Các biện pháp tương tự cũng đã được sử dụng cách đây hơn một thập kỷ, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009. Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh các biện pháp này, song vẫn yêu cầu Fed hành động quyết đoán và mạnh tay hơn nữa.

Vào cuối tháng 3, Fed tuyên bố không có ý định hạn chế chương trình nới lỏng định lượng, cơ quan này sẽ mua ngày càng nhiều trái phiếu chính phủ và chứng khoán có đảm bảo bằng tài sản thế chấp từ thị trường một khi cần thiết, đồng thời đưa ra một số chương trình cho vay mới dành cho các doanh nghiệp.

Các biện pháp đã giúp ổn định tình hình, thị trường chứng khoán đi lên. Kể mức thấp nhất được thiết lập vào phiên 23/3, chỉ số S&P 500 ghi nhận tăng hơn 42% sau 50 ngày tăng mạnh nhất lịch sử, trong khi chỉ số Dow Jones cũng tăng hơn 43%. Nasdaq Composite tăng hơn 46% kể từ khi chạm đấy vào cuối tháng 3.

Fed đang đi theo cách có thể khiến chứng khoán thế giới sụp đổ ảnh 1

Diễn biến chỉ số S&P 500 từ đầu năm đến nay.

Với kết quả trên, Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố, tất cả các công cụ liên quan đều mang lại hiệu quả.

Song đối với các chuyên gia, tình hình hiện tại rất đáng báo động. Đại dịch toàn cầu vẫn đang hoành hành còn nền kinh tế Mỹ thì rơi tự do. Nhiều dự báo chỉ ra rằng, quý II, GDP của Mỹ có thể bị thu hẹp tới 40% và thất nghiệp tăng lên 25%, nhưng thị trường chứng khoán lại đang tăng trưởng. Rõ ràng, các ưu đãi của Fed mang lại cho các nhà đầu tư những hy vọng sai lầm.

Theo David Tepper, nhà sáng lập Công ty quản lý quỹ đầu tư Appaloosa, chỉ một lần trong lịch sử, định giá cổ phiếu các công ty Mỹ cao hơn so với hiện tại là vào năm 1999, trước thềm cuộc khủng hoảng bong bóng dot-com xảy ra trên thị trường.

“Vào cuối tháng 6 này, P/E của S&P 500 sẽ vượt mức “bong bóng” bất thường vào năm 2000”, Joseph Carson, nhà kinh tế trưởng tại AllianceBernstein, dự báo.

“Khoảng cách giữa thị trường và nền kinh tế thực chưa bao giờ rộng đến thế”, Matt King, người đứng đầu bộ phận chiến lược tín dụng toàn cầu của Citigroup, khẳng định.

“Các thị trường đang được định giá bởi sự hoàn hảo. Sự ổn định trên thị trường chứng khoán không phản ánh được tình trạng mất việc làm cũng như nguy cơ mất khả năng thanh toán của khối doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu”, Danny Yong, đối tác sáng lập tại quỹ đầu tư Dymon Asia Capital, nói.

Chuẩn bị chào đón làn sóng sụp đổ mới

Theo Isaac Boltansky, chuyên gia tại Compass Point Research & Trading, số tiền mà Fed chi để hỗ trợ nền kinh tế và thị trường tài chính đã đạt tới 30% GDP của Mỹ.

“Sự hồi phục của thị trường chứng khoán rõ ràng không bị chi phối bởi các yếu tố cơ bản, đó là kết quả của chương trình bơm thanh khoản của Cục Dự trữ Liên bang”, Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng tại Deutsche Bank Securities, nhận định.

Thực tế là trong quý đầu tiên, báo cáo tài chính của phần lớn các doanh nghiệp Mỹ đều chỉ ra sự sụt giảm lợi nhuận kỷ lục, tương đương với những con số đã từng thấy trong cuộc suy thoái năm 2009.

Trong quý thứ hai năm nay, tình hình sẽ còn xấu hơn nhiều trong bối cảnh đại dịch vẫn còn đang kéo dài, không có gì đảm bảo các cuộc biểu tình bạo loạn trên khắp nước Mỹ sẽ sớm kết thúc và thêm cả căng thẳng leo thang với Bắc Kinh.

Theo giới quan sát, kỳ vọng rằng chính sách kích thích của Fed và thanh khoản dư thừa, mà cơ quan này đang bơm trên thị trường, sẽ cải thiện khả năng thanh toán của các công ty vẫn chưa có gì chắc chắn. Ngay khi các nhà đầu tư nhận ra mức độ giảm sút về lợi nhuận của doanh nghiệp, thị trường chứng khoán sẽ lao dốc.

Như nhà quản lý quỹ huyền thoại Stanley Druckenmiller đã chỉ ra, tỷ lệ rủi ro/lợi nhuận trên thị trường chứng khoán hiện tại là tỷ lệ tồi tệ nhất trong sự nghiệp của ông.

“Một làn sóng phá sản sẽ xảy ra và sự phục hồi kinh tế theo hình chữ V chỉ là một ảo mộng”, Stanley Druckenmiller nhận định.

“Một đợt sụp đổ khác hoàn toàn có thể xảy ra trong quý cuối cùng của năm nay. Làn sóng mất việc làm lần thứ hai cùng tình trạng kinh doanh thất bại kéo dài sẽ thử lửa tâm lý thị trường chứng khoán”, Seema Shah, trưởng phòng chiến lược tại Principal Global Investors dự đoán.

Tin bài liên quan