FED lại khiến Phố Wall nhốn nháo

(ĐTCK) Phiên hứng khởi đầu tiên trong năm 2014 của Phố Wall nhanh chóng bị dập tắt khi FED công bố biên bản cuộc họp ngày 17 - 18/12/2013.
FED lại khiến Phố Wall nhốn nháo

Một dữ liệu khả quan của kinh tế Mỹ vừa được công bố. Theo đó, các nhà tuyển dụng trong lĩnh vực tư nhân tuyển dụng thêm 238.000 việc làm trong tháng 12, mức cao nhất trong 13 tháng, cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang vẫn trên đà phục hồi.

Dữ liệu này giúp đồng USD lên cao nhất trong 7 tuần với chỉ số USD đạt mức 81,166. So với đồng yên, đồng USD trong phiên 8/1 có thời điểm leo lên mức cao nhất ngày 105,135 yên trước khi đóng cửa ở mức 104,82 yên, trong khi đồng euro giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng so với đồng USD, ở mức 1,3554 USD.

Dù đón nhận giữ liệu khả quan, nhưng Phố Wall lại quay đầu giảm điểm trong phiên 8/1. Với việc dữ liệu việc làm khả quan, giới đầu tư đánh giá, nhiều khả năng FED sẽ cắt giảm thêm gói QE3 và tiến tới chấm dứt hoàn toàn gói kích thích kinh tế này trong năm 2014.

Biên bản cuộc họp ngày 17 và 18 tháng 12/2013 của Ủy ban thị trường Mở của FED (FOMC) vừa công bố cho thấy, nhiều thành viên của FOMC tỏ ra thận trọng khi đề cập tới gói kích thích tiếp theo khi kết thúc QE3.

Chính những lo ngại này khiến Phố Wall đảo chiều giảm điểm chỉ sau 1 phiên hứng khởi.

Kết thúc phiên 8/1, Dow Jones giảm 68,20 điểm (-0,41%), xuống 16.462,74 điểm. Chỉ số S&P500 giảm 0,39 điểm (-0,02%), xuống 1.837,49 điểm. Chỉ số Nasdaq vẫn giữ được sắc xanh nhạt khi tăng 12,43 điểm (+0,3%), lên 4.165,61 điểm.

Một thông tin nữa cũng ảnh hưởng đến các thị trường, trong đó có thị trường chứng khoán là mùa Đông khắt nghiệt tại Mỹ. Nước Mỹ đang trải qua đợt rét nhất trong 20 năm đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Mỹ. Hàng loạt hoạt động bị gián đoạn như giao thông, ngành bảo hiểm cũng chịu ảnh hưởng khi hỏng hóc gia tăng. Tuy nhiên, đợt rét này lại hỗ trợ cho các nhà bán lẻ gia tăng doanh số, nhất là các nhà bán lẻ giày, mỹ, quần báo ấm.

Tại châu Âu, tỷ lệ lạm phát trong tháng 12 chỉ đạt 0,8%, làm dấy lên lo ngại về việc kinh tế châu Âu bước vào thời kỳ giảm phát và tạo áp lực lên Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải nới lỏng thêm chính sách tiền tệ, cũng như tung ra những gói hỗ trợ, kích thích kinh tế để giúp các nền kinh tế thành viên và khu vực thoát khỏi giảm phát.

Chính những lo ngại này đã khiến chứng khoán châu Âu quay đầu giảm điểm sau phiên tăng mạnh ngày 7/1, lên mức cao nhất 5 năm rưỡi.

Kết thúc phiên 8/1, chỉ số FTSE100 tại Anh giảm 33,67 điểm (-0,5%), xuống 6.721,78 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 8,36 điểm (-0,09%), xuống 9.497,84 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 1,72 điểm (-0,04%), xuống 4.260,96 điểm.

Tại châu Á, lạm phát của Trung Quốc đạt mức 2,7% trong tháng 12, mức thấp nhất trong 4 tháng. Đây là điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thực hiện các chính sách tiền tệ kích thích nền kinh tế đang có dấu hiệu chững lại.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei phục hồi gần 2% sau khi mất hơn 3% trong 2 phiên giao dịch đầu tiên của năm mới. Chứng khoán Nhật Bản tăng nhờ đồng yên giảm mạnh so với đồng USD, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, cũng như nền kinh tế của nước này.

Kết thúc phiên 8/1, chỉ số Nikkei 225 trên TTCK Nhật Bản tăng 307,08 điểm (+1,94%), lên 16.131,45 điểm. Chỉ số HangSeng Index trên TTCK Hồng Kông tăng 283,81 điểm (+1,25%), lên 22.996,59 điểm. Chỉ số Shanghai Composite trên TTCK Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 2,98 điểm (-0,15%), xuống 2.044,34 điểm.

Giá vàng tiếp tục giảm nhẹ. Kết thúc phiên 8/1, giá vàng giao ngay trên sàn New York giảm 5,90 USD/ounce (-0,48%), xuống 1.225,90 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2/2014 giảm 4,1 USD (-0,33%), xuống 1.225,5 USD/ounce.

Trong khi đó, dù Mỹ trải qua một mùa Đông khắt nghiệt kéo dài, nhưng giá dầu thô lại không tăng giá, mà thậm chí giảm mạnh trong phiên 8/1. Giá dầu không tăng dù nước Mỹ trải qua một mùa Đông rét nhất trong 20 năm khiến nhiều giới đầu tư ngạc nhiên. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, nguyên nhân chính là do thời tiết quá băng giá, khiến hoạt động giao thông bị gián đoạn, nên lượng tiêu thụ nhiên liệu sẽ giảm xuống.

Trong phiên 8/1, giá dầu đã có phiên giảm mạnh khi số liệu cho thấy lượng dự trữ của Mỹ tăng mạnh. Kết thúc phiên 8/1, giá dầu thô tại thị trường New York giảm 1,12 USD (-1,2%), xuống 92,55 USD/thùng, mức thấp nhất 5 tuần. Giá dầu Brent tăng 0,72 USD (+0,67%), xuống 107,45 USD/thùng.

Tin bài liên quan