Fed chưa giảm lãi suất vì muốn đảm bảo mục tiêu kép: ổn định thị trường lao động và giá cả

Fed chưa giảm lãi suất vì muốn đảm bảo mục tiêu kép: ổn định thị trường lao động và giá cả

Fed thận trọng với biến số kinh tế Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định giữ nguyên lãi suất trong bối cảnh gia tăng lo ngại về cả lạm phát và thất nghiệp. Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo, chính sách thuế quan mới có thể khiến lạm phát tăng trở lại và gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế.

Trong phiên họp tháng 5/2025, tất cả các thành viên Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - nhất trí duy trì lãi suất cơ bản trong khoảng 4,25 - 4,5%/năm, như đã giữ vững kể từ tháng 12 năm ngoái.

Trong tuyên bố chính thức, Fed nhấn mạnh sự gia tăng của các rủi ro đối với nền kinh tế: “Sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế đã tăng lên. Rủi ro về thất nghiệp gia tăng và lạm phát quay trở lại”.

Quyết định giữ nguyên lãi suất cho thấy sự thận trọng của Fed trong bối cảnh kinh tế Mỹ đối mặt với nhiều biến số khó lường, đặc biệt là chính sách thuế quan mới đang được chính quyền Tổng thống Donald Trump đề xuất.

Các quan chức Fed lo ngại rằng, thuế quan có thể làm gia tăng lạm phát và kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Điều này đặt hai mục tiêu chính của Fed là ổn định giá cả và tối đa hóa việc làm vào tình thế mâu thuẫn.

“Nếu mức tăng lớn về thuế quan được duy trì, chúng có thể dẫn đến lạm phát cao hơn, làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế và khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên”, Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà kinh tế, tác động của thuế quan mới cần thời gian để thẩm thấu vào nền kinh tế. Cho đến nay, ảnh hưởng chủ yếu là về tâm lý và tình trạng nhập khẩu tăng vọt trước thời điểm thuế mới có hiệu lực.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump nhiều lần hối thúc Fed cắt giảm lãi suất nhằm giảm thiểu tác động từ thuế nhập khẩu, nhưng ông Jerome Powell và các đồng nghiệp tại Fed giữ lập trường thận trọng, cho rằng chưa đến thời điểm phù hợp để điều chỉnh chính sách tiền tệ.

“Chúng tôi tin rằng, Fed đang ở vị trí phù hợp để theo dõi tình hình, không cần phải vội vàng (hạ lãi suất)”, ông Jerome Powell nói và cho rằng, việc hành động quá sớm khi chưa có đủ dữ liệu sẽ tiềm ẩn nguy cơ khiến lạm phát vượt kiểm soát.

“Đây không phải là tình huống mà Fed có thể hành động một cách phòng ngừa, cần quan sát thêm các số liệu kinh tế trước khi đưa ra quyết định hạ lãi suất”, Chủ tịch Fed nhấn mạnh.

Fed khẳng định sẽ tiếp tục giữ lập trường “chờ đợi và theo dõi”, chỉ thay đổi chính sách khi có đủ bằng chứng cho thấy kinh tế chuyển biến tích cực và các rủi ro đối với mục tiêu lạm phát 2% cũng như việc làm tối đa trở nên hiện hữu.

“Chính sách tiền tệ hiện tại giúp chúng tôi sẵn sàng phản ứng phó kịp thời (với mọi diễn biến)”, Chủ tịch Fed nói.

Theo giới phân tích, sự kiên định này phản ánh bài học từ một số sai lầm trong quá khứ, đặc biệt là bài học từ đợt lạm phát cao trong đại dịch Covid-19 và những năm 1970.

Dù vậy, thị trường vẫn kỳ vọng Fed sẽ tiến hành 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, với đợt đầu tiên vào tháng 7.

Ở chiều ngược lại, giới chuyên gia tỏ ra thận trọng hơn. Bà Ellen Meade, giáo sư nghiên cứu kinh tế tại Đại học Duke, cựu cố vấn đặc biệt cho Hội đồng Fed nhận định: “Khó có đủ dữ liệu vào tháng 6 để (Fed) đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất. Sớm nhất là tháng 7, nhưng thành thật mà nói, tôi nghĩ là tháng 9, thậm chí không chắc lãi suất sẽ được cắt giảm”.

Theo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - lạm phát toàn phần hiện ở mức 2,3%, trong khi lạm phát lõi (không tính giá thực phẩm và năng lượng) là 2,6%, đều cao hơn mục tiêu 2%.

Tin bài liên quan