Fideco: Nỗi niềm thanh khoản

Fideco: Nỗi niềm thanh khoản

Cổ phiếu có giá trị lớn, tình hình tài chính an toàn nhưng lại thiếu tính thanh khoản khiến cho việc thoái vốn gặp nhiều khó khăn là một trong những nội dung mà cổ đông Fideco chất vấn HĐQT.

Từ thanh khoản èo uột…

Tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2012 diễn ra chiều ngày 06/07, các cổ đông cho rằng thanh khoản thực sự đang là vấn đề nan giải đối với cổ phiếu CTCP Ngoại thương & Phát triển Đầu tư TPHCM - Fideco (HOSE: FDC). Theo cổ đông, Fideco là công ty mạnh, có giá trị nhưng trong thời gian qua, cổ phiếu này không có tính thanh khoản và không được các tổ chức quốc tế quan tâm.

Theo lý giải của ban điều hành, các công ty như Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG), Vincom (HOSE: VIC) có quy mô vốn gấp hàng chục lần FDC nên thu hút được sự chú ý của các tổ chức quốc tế. Trong khi đó, Fideco là thương hiệu mạnh nhưng vốn điều lệ quá nhỏ khi chỉ hơn 200 tỷ đồng. Ban điều hành kỳ vọng trong vòng 3 năm tới, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng lên 500 tỷ đồng và tăng tiếp lên 1.000 tỷ đồng trong 5 năm tới. Có như vậy mới trở nên hấp dẫn trước các tổ chức quốc tế lớn.

Bác lại, một nhà đầu tư khác cho rằng lời giải thích của ban điều hành dường như chưa thỏa đáng. Bằng chứng là rất nhiều cổ phiếu trên sàn có vốn thấp song vẫn có tính thanh khoản. Đến lúc này, HĐQT thẳng thắn thừa nhận rằng thanh khoản của cổ phiếu phụ thuộc rất nhiều vào thị trường và nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.

..đến e ngại phát hành thất bại

Thị giá hiện tại của FDC tại ngày 06/07 ở mức 21.500 đồng/cp, thanh khoản gần như không khi chỉ có 10 cp được khớp lệnh đã làm cho không ít cổ đông hoài nghi về sự thành công của kế hoạch phát hành trong đợt này. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu phát hành không mấy hấp dẫn khi Ban điều hành đưa ra mức giá bán 20.000 đồng/cp dành cho cổ đông hiện hữu (phát hành 5,309,668 cp) và 15.000 đồng/cp dành cho nhân viên (phát hành 1,061,934 cp).

Tuy thừa nhận tình hình thị trường chứng khoán và nền kinh tế nói chung hiện nay chắc chắn sẽ tác động đến kế hoạch phát hành của công ty nhưng Ban điều hành FDC vẫn tự tin đợt phát hành sẽ thành công khi cho rằng phương án sử dụng vốn của FDC là hiệu quả.

Đại diện Ban điều hành cho biết, giá trị sổ sách của FDC tại thời điểm này là 19.170 đồng/cp, công ty không thể phát hành dưới giá trị sổ sách để đảm bảo quyền lợi của cổ đông không bị pha loãng.

Bức tranh màu hồng!

Toàn bộ số tiền dự kiến thu về khoảng 122 tỷ đồng sẽ được công ty đầu tư vào Dự án khai thác mỏ cát thuộc dự án Khu công nghiệp Tân Đức (80 tỷ đồng) và dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ và dân cư Đông Bình Dương (60 tỷ đồng).

Ban điều hành cho hay dân cư Đông Bình Dương có tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng, trong đó công ty cần đóng góp 60 tỷ đồng. Dự án này có quy mô 126.7 ha, đến thời điểm này công ty đã đền bù 110.2 ha. Như vậy, công ty chỉ còn 10% còn lại để hoàn thành việc đền bù. Ban điều hành cho rằng đây là thời điểm thuận tiện cho việc đền bù, tài sản của công ty sẽ tăng lên sau khi hoàn tất đền bù.

Trong khi đó, Dự án khai thác Mỏ cát và đá có tổng đầu tư cố định 162 tỷ đồng. Đến nay, Fideco và đối tác Đức Lợi đã đầu tư 24 tỷ đồng cho chi phí ban đầu. Với 138 tỷ đồng còn lại, Fideco sẽ phải đóng góp 60% (tương đương 82.8 tỷ đồng). Trong năm 2013, dự án này chưa có doanh thu và ước phát sinh khoản lỗ 1.2 tỷ đồng. Tuy nhiên đến năm 2014, dự án sẽ đem lại doanh thu 55.5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5 tỷ đồng. Từ năm 2015 trở đi doanh thu hàng năm ước đạt 87 tỷ đồng, lãi ròng 27 tỷ đồng. Dự án có thời gian hoàn vốn khoảng 7 năm kể từ khi tiến hành giải phóng mặt bằng. Tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là 18.19%.

Ông Trần Bảo Toàn, Tổng giám đốc cho biết, 6 tháng đầu năm nay, hoạt động của công ty ổn định so với kế hoạch. Trong bối cảnh nguồn cung văn phòng tại TP. HCM đang rất dồi dào, các tòa nhà hạng A tọa lạc trên địa bàn Quận 1 còn trống khá nhiều với tỷ lệ lấp đầy khoảng 2 20 - 30% thì tất cả các tòa nhà văn phòng của Fideco đang cho thuê có tỷ lệ lấp đầy lên đến 99%. Mặc dù áp lực cạnh tranh rất lớn, nhưng giá thuê nhà trong thời gian qua chỉ giảm khoảng 5% so với năm 2010.

Song song đó, những dự án thời gian qua cũng đang được xúc tiến mạnh. Cụ thể, khu đất tại 28 Phùng Khắc Khoan đang được hoàn tất giấy tờ và sẽ trình cổ đông trong kỳ Đại hội thường niên năm tới, thông qua phương án xây tại khu đất này một tòa nhà mới.

Ngoài ra, các dự án khác như mỏ cát đá ở Bình Thuận, dự án Đông Bình Dương cũng đang tiến triển thuận lợi.

Với hoạt động xuất nhập khẩu không khả quan trong nhiều năm qua và thường thua lỗ thì trong năm nay, mảng ngoại thương cũng dự kiến sẽ có lời.

Đối với mảng giáo dục, dự án Fideco Edu nếu xin được giấy phép thì công ty sẽ xúc tiến tuyển sinh trong quý 4 năm nay.

Chuyển chi trả cổ tức 2011 từ tiền mặt qua cổ phiếu

Đại hội cũng đã thông qua việc thay đổi phương án chi trả cổ tức còn lại 5% của năm 2011 bằng tiền thành cổ phiếu. Theo đó, FDC sẽ phát hành 1,011,365 cp để trả cổ tức.

Về nhân sự, Đại hội phê chuẩn việc từ nhiệm Chủ tịch HĐQT của ông Trần Hữu Chinh để nghỉ hưu. Đồng thời bổ nhiệm ông Trần Đức Ngự - hiện là Phó Giám đốc Công ty FidecoLand và Giám đốc CTCP Ngoại thương Phát triển và Đầu tư Đức Lợi giữ chức Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2009 — 2014.