Fitch Ratings: Suy thoái toàn cầu sắp chạm đáy

Fitch Ratings: Suy thoái toàn cầu sắp chạm đáy

Hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings vừa hạ dự báo GDP toàn cầu năm 2020, đồng thời khẳng định suy thoái kinh tế toàn cầu sắp chạm đáy.

Hạ dự báo GDP của các nước châu Âu

"GDP toàn cầu năm 2020 sẽ giảm 4,6% thay vì 3,9% được đưa cuối tháng 4. Tỷ lệ này được căn cứ trên tình hình dự báo tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Vương quốc Anh và các nền kinh tế mới nổi (trừ Trung Quốc)”, ông Brian Coulton, chuyên gia kinh tế trưởng của Fitch Ratings cho biết.

Fitch Ratings ước tính GDP của Khu vực Eurozone sẽ giảm 8.2% trong năm nay, thay vì mức giảm 7% trước đó, bởi Pháp, Italy và Tây Ban Nha sẽ hứng chịu mức suy giảm kinh tế nghiêm trọng hơn dự kiến do áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn so với các quốc gia khác.

“GDP của Tây Ban Nha ước giảm 9,6% trong năm nay,thay vì 7,5% như dự báo cuối tháng 4. Cũng trong năm nay, nền kinh tế Italy và Pháp lần lượt giảm 9,5% (trước đó dự báo giảm 8%) và 9% (thay vì giảm 7%)”,ông Brian Coulton nói.

Đặc biệt, việc Anh phong tỏa chống dịch lâu hơn dự kiến khiến GDP của nước này giảm mạnh trong những tháng đầu năm, theo công bố hồi tháng 3 của Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh. Với tình hình dịch bệnh phức tạp, nền kinh tế Anh ước giảm 7,8% trong năm nay, sâu hơn mức giảm 6,3% được dự báo trước đó.

Các nền kinh tế mới nổi sẽ suy giảm bình quân 4,5% thay vì 1,9%. Theo lý giải của Fitch Ratings, mức giảm này được dựa theo tình hình suy thoái do đại dịch của một số nền kinh tế mới nổi lớn như Brazil, Ấn Độ và Nga.

Cụ thể, hãng xếp hạng tín nhiệm nhận định GDP của Brazil sẽ giảm 6% trong năm nay còn nền kinh tế Nga sẽ suy giảm 5%, thay vì 3,3% được ước lượng trước đó.

Trong khi đó, Fitch giữ nguyên dự báo GDP của 3 nền kinh tế hàng đầu thế giới so với cuối tháng 4. GDP của Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn được dự báo giảm lần lượt 5,6%, 0,7% và 5,0%.

Tăng cung tiền 6.000 tỷ USD

Nền kinh tế toàn cầu bắt đầu dần ổn định trở lại sau khi có thêm chính sách kích thích kinh tế vĩ mô được triển khai trong tháng qua, bên cạnh những gói hỗ trợ “khủng” được công bố trước đó. Đáng chú ý, Mỹ tuyên bố sẽ bổ sung gói kích thích tài khóa trị giá hơn 2% GDP trong khi Italy công bố một loạt biện pháp nới lỏng kinh tế mới, còn Anh cam kết mở rộng chương trình trợ cấp cho người lao động.

Với Trung Quốc, các nhà phân tích Fitch Ratings cho rằng chi tiêu đối phó với dịch bệnh và hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sẽ khiến thâm hụt ngân sách của nước này tăng lên 11,2% trong năm nay, cao gấp đôi so với mức 4,9% của năm ngoái.

“Chúng tôi ước tính các gói nới lỏng định lượng toàn cầu (QE) sẽ đạt 6 nghìn tỷ USD vào năm 2020, bằng một nửa tổng số gói nới lỏng định lượng lũy kế của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong năm 2009-2018.

Động thái nới lỏng thanh khoản của các ngân hàng trung ương được kỳ vọng giúp cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, mà chủ yếu là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong vài tháng qua.

Các chuyên gia Fitch Ratings nhận định, quá trình các nền kinh tế trở lại bình thường có thể sẽ kéo dài và đầy chông gai, khi mà thị trường lớn như Mỹ ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp lên mức 20% trong tháng 5. Các biện pháp giãn cách xã hội nhằm ngăn dịch đang đè nặng lên tâm lý chi tiêu của người tiêu dùng, còn doanh nghiệp cũng sẽ rất thận trọng chi tiêu trong và sau dịch.

Tin bài liên quan