FT: Các thị trường mới nổi châu Á sẽ được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển ra ngoài Trung Quốc

FT: Các thị trường mới nổi châu Á sẽ được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển ra ngoài Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo FT, sự thay đổi chuỗi cung ứng, nhân khẩu học thuận lợi và nền tảng kinh tế bền vững đang hỗ trợ lợi ích lâu dài cho các thị trường mới nổi ở châu Á, bất chấp rủi ro từ phía Trung Quốc.

Đầu tiên, các công ty toàn cầu đang tích cực mở rộng chuỗi cung ứng ra bên ngoài Trung Quốc, dẫn đến dòng vốn đầu tư và kinh doanh sang các nước láng giềng trong khu vực.

Động thái gần đây của Apple nhằm đa dạng hóa sản xuất iPhone từ Trung Quốc sang Ấn Độ là một ví dụ nổi bật nhất. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thị phần đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực xanh trên toàn cầu của Trung Quốc trong các lĩnh vực chiến lược, chẳng hạn như chất bán dẫn đã giảm kể từ năm 2021, trong khi thị phần của phần còn lại của châu Á lại tăng lên. Tại Mỹ, tỷ trọng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm kể từ năm 2018 và sẽ bị hàng nhập khẩu từ Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc) và các nền kinh tế ASEAN vượt qua.

Hơn nữa, đây có thể chỉ là khởi đầu của mọi thứ. Đối với các thị trường mới nổi ở châu Á, quy mô tiềm năng của Friend-shoring - chuyển các hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hóa về các nước thân thiện, nhằm vừa tận dụng lợi ích của toàn cầu hóa, vừa hạn chế các rủi ro gián đoạn sản xuất vì đặt ở các nước không thân thiện - là rất lớn. Sản lượng sản xuất của Trung Quốc hiện đang gấp 10 lần so với Ấn Độ - nền kinh tế mới nổi lớn nhất tiếp theo ở châu Á và hơn 50 lần so với Việt Nam.

Đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc sẽ đòi hỏi đầu tư lớn trong nhiều năm, dẫn đến tác động đáng kể đến các điểm đến của Friend-shoring lớn. Một phần lợi thế cạnh tranh toàn cầu của Trung Quốc trong sản xuất là chi phí lao động tương đối thấp. Nhiều nền kinh tế châu Á, như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam cũng đang cạnh tranh với Trung Quốc về mặt này.

Tuy nhiên, so với Trung Quốc, việc thiếu cơ sở hạ tầng chất lượng cao và lượng lớn lao động có trình độ học vấn đã khiến các nền kinh tế này phù hợp hơn với các ngành thâm dụng lao động và hàng hóa có giá trị thấp hơn, chẳng hạn như may mặc.

Theo thời gian, nhu cầu về sản xuất có giá trị cao hơn, chẳng hạn như điện tử và máy móc sẽ ngày càng được đáp ứng tại các điểm đến Friend-shoring này. Mặc dù sự phát triển tổng thể, xét về tự động hóa sản xuất và hệ sinh thái chuỗi cung ứng ở các nền kinh tế mới nổi ở châu Á kém tiến bộ hơn so với Trung Quốc, nhưng điều này tạo cơ hội cho tăng trưởng dài hạn nhanh hơn.

Thứ hai, trái ngược với tình trạng dân số đang già đi của Trung Quốc, các quốc gia châu Á mới nổi đông dân nhất, bao gồm Ấn Độ và Indonesia sẽ gặt hái những lợi ích từ nhân khẩu học thuận lợi trong những năm tới.

Dân số Trung Quốc đang có xu hướng giảm do tỷ lệ sinh suy yếu. Tỷ lệ phụ thuộc (Dependency ratio) được định nghĩa là tỷ lệ dân số theo độ tuổi của những người không tham gia lực lượng lao động và những người tham gia lực lượng lao động của Trung Quốc có khả năng tăng và theo chiều hướng bất lợi. Đồng thời, dân số trong độ tuổi lao động được Liên Hợp quốc dự đoán có khả năng giảm 25% vào năm 2050.

Hiện tại, độ tuổi trung bình ở Trung Quốc là khoảng 38. Ngược lại, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam có dân số trẻ hơn với độ tuổi trung bình là dưới 33. Tỷ lệ phụ thuộc ở các quốc gia này dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp trong thập kỷ tới. Do đó, các quốc gia láng giềng trong khu vực của Trung Quốc có thể sẽ được hưởng những lợi thế so sánh và sức mạnh tiêu thụ của lực lượng lao động trẻ hơn trong nhiều năm.

Thứ ba, các thị trường mới nổi châu Á được hưởng các nguyên tắc cơ bản tương đối ổn định. Khu vực này ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát hơn do phần lớn chuỗi cung ứng của thế giới chạy qua châu Á, giúp giảm đáng kể chi phí vận chuyển cho các công ty địa phương. Một số ngân hàng trung ương đã sớm thắt chặt chính sách tiền tệ để hạn chế áp lực lạm phát, bao gồm Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) và Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS).

Hơn nữa, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có khả năng duy trì lập trường chính sách hỗ trợ giúp cải thiện điều kiện thanh khoản trên toàn khu vực. Tương tự như vậy, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang quyết tâm duy trì lạm phát xung quanh mục tiêu 2% sau ba thập kỷ giảm phát và tăng trưởng yếu.

Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại hậu Covid có khả năng làm tăng nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ của phần còn lại của châu Á, đồng thời dẫn đến dòng chảy du lịch mạnh mẽ hơn trong khu vực. Việc mở cửa trở lại cũng sẽ giúp bảo vệ các nền kinh tế châu Á trong năm nay khỏi suy thoái trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu khó khăn.

Đối với các nhà đầu tư lo ngại về rủi ro của Trung Quốc, việc nhận ra rằng các thị trường mới nổi châu Á là một vũ trụ vượt ra ngoài Trung Quốc sẽ mang lại những cơ hội đáng kể. Friend-shoring, nhân khẩu học và các nguyên tắc cơ bản đều đang giúp các nền kinh tế của khu vực trở nên ít tương quan hơn với nước láng giềng khổng lồ.

Tin bài liên quan