FTA với EU sẽ tăng thương mại nội khối ASEAN

Đại diện của Liên minh châu Âu trong đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN cho biết một hiệp định FTA sẽ thúc đẩy hơn nữa trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai đối tác quan trọng, EU và ASEAN, đồng thời tăng cường sự gắn kết giữa các quốc gia khu vực Đông Nam Á.

“Hiệp định này sẽ tạo động lực thúc đẩy gắn kết thương mại nội khối và tăng cường hội nhập giữa các nước thành viên ASEAN,” ông Phillipe Meyer, Vụ trưởng Vụ Quan hệ Thương mại với Nam Á, Hàn Quốc và ASEAN của Phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam, phát biểu tại một hội thảo ngày 19/10 tại Hà Nội nhằm giới thiệu cho đại diện các doanh nghiệp thủ đô cũng như nhiều tỉnh thành về các cơ hội và thách thức từ Hiệp định FTA EU-ASEAN.

 

Theo ông Meyer, hiệp định này sẽ giúp xóa bỏ dần hàng rào phi thuế quan, tăng xuất khẩu của ASEAN vào EU 18,5% và của EU sang khu vực Đông Nam Á lên 24,2%. Năm 2006, thương mại hai chiều EU-ASEAN đạt xấp xỉ 178  tỷ USD, trong đó xuất khẩu của ASEAN vào EU đạt 110,6 tỷ USD. Thu nhập GDP của khối ASEAN và Việt Nam được dự đoán sẽ cùng tăng 2,2% trong khi GDP của EU tăng 0,1%.

 

Ông Meyer cũng lưu ý rằng quá trình đàm phán để đi đến hiệp định này sẽ rất phức tạp vì ASEAN hiện chưa phải là một khối thống nhất về mặt thể chế, chưa có một cơ quan đại diện chung trong các quá trình đàm phán. Các quốc gia thành viên có tốc độ phát triển kinh tế, mở cửa hội nhập khác nhau và lại đang duy trì một hệ thống chính trị và luật pháp thương mại riêng, vì thế quá trình đàm phán sẽ mất nhiều thời gian hơn.

 

Đại diện phía Việt Nam tại hội thảo, ông Bùi Huy Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương cũng cho rằng Hiệp định FTA ASEAN-EU sẽ “mở rộng hành lang pháp lý” hơn nữa cho mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam, với EU.

 

Ông Sơn cũng cho biết cơ cấu thương mại Việt Nam-EU là cơ cấu bổ trợ lẫn nhau, và đây chính là cơ sở cho việc mở rộng và tăng cường mối quan hệ đối tác thương mại, không chỉ qua hiệp định FTA EU-ASEAN mà còn qua Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) Việt Nam-EU.

 

Lợi ích tiềm tàng cho Việt Nam sẽ là mở rộng khả năng tiếp cận thị trường châu Âu, tăng tốc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, tận dụng được chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến để từ đó phát triển nguồn nhân lực cho một nền kinh tế quốc gia.

 

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng Việt Nam là một đất nước đang phát triển, nền kinh tế non trẻ với lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đại đa số. Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp này còn nhiều hạn chế và sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập với các doanh nghiệp khu vực và các doanh nghiệp châu Âu giàu tiềm năng vốn, sở hữu công nghệ hiện đại và nhiều kinh nghiệm quản lý.

 

EU là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10,2 tỷ USD năm 2006 và là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với hơn 640 dự án có tổng vốn đăng ký hơn 8,3 tỷ USD.