Garmex Sài Gòn (GMC) chật vật để tồn tại

Garmex Sài Gòn (GMC) chật vật để tồn tại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một cổ đông lớn của CTCP Garmex Sài Gòn (mã GMC) mới thông báo về việc sẽ thoái toàn bộ vốn đúng vào giai đoạn GMC đang gặp nhiều khó khăn và phải gồng mình để cầm cự. 

Cổ đông lớn muốn thoái toàn bộ vốn

Mới đây, CTCP Dệt may Gia Định đã đăng ký chuyển nhượng hơn 3,32 triệu cổ phiếu GMC của Garmex Sài Gòn, chiếm tỷ lệ 10,089% với mức giá bán tối thiểu là 18.528 đồng/CP, phương thức giao dịch là khớp lệnh tập trung. Thời gian giao dịch bắt đầu từ ngày 05/12/2023 đến ngày 03/01/2024.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/12, GMC giảm 0,64% xuống chỉ còn 7.790 đồng/CP. Như vậy, mức giá chấp nhận thoái vốn của Dệt may Gia Định đang gấp gần 2,4 lần thị giá GMC hiện tại. Trong trường hợp tích cực là Dệt may Gia Định bán được toàn bộ số cổ phiếu đăng ký với giá mong muốn, đơn vị này sẽ thu về tối thiểu là hơn 61,5 tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi GMC.

Ngoài cổ đông lớn là Dệt may Gia Định, theo dữ liệu của Wichart, GMC đang được nắm giữ 15,86% vốn bởi Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thiên Hải; CTCP Đầu tư T.T.A nắm giữ 15,19%; CTCP Xuất nhập khẩu và Đầu tư Thừa Thiên Huế nắm giữ 13,23% và CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh – Gilimex (mã GIL) đang nắm giữ 7,09%,…

Cắt giảm 1.947 nhân viên từ đầu năm

CTCP Sản xuất Thương mại May Saigon (Garmex Saigon) được thành lập vào năm 1976 với khởi đầu là một doanh nghiệp quốc doanh. Năm 2004, Garmex Saigon được cổ phần hoá. Đến năm 2006, doanh nghiệp niêm yết trên HOSE với mã chứng khoán là GMC. Năm 2019, doanh nghiệp chính thức đổi tên thành CTCP Garmex Sài Gòn như hiện tại.

Thị trường xuất khẩu chính của Công ty là EU, Mỹ và Nhật Bản với nhiều khách hàng lớn như Decathlon (Pháp); Columbia, Cutter&Buck (Mỹ); Teijin Frontier, Nits (Nhật Bản), New Wave (Thuỵ Điển)…

Trong quá khứ, doanh nghiệp này đã nhận được nhiều giải thưởng như Huân chương lao động hạng 3 do những thành tích đạt được trong hoạt động sản xuất kinh doanh và chăm lo đời sống của người lao động (2013), Top 50 doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam có hoạt động tốt nhất (2013, 2014), Top 5 báo cáo thường niên tốt nhất nhóm vốn hoá nhỏ (2018, 2019) và Top 5 doanh nghiệp quản trị công ty tốt nhất nhóm vốn hoá nhỏ (2018, 2019, 2020)…

Nhìn lại giai đoạn trước, Garmex Sài Gòn luôn mang về hàng nghìn tỷ đồng doanh thu và trên 50 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (riêng giai đoạn 2018 – 2019, Công ty mang về hơn 100 tỷ đồng). Kể cả trong thời gian dịch bệnh phức tạp năm 2021 – 2022, lợi nhuận sau thuế của GMC vẫn đạt trên 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2023, Garmex Sài Gòn lại rơi vào tình trạng chật vật đủ đường.

Trong quý III/2023, Garmex Sài Gòn chỉ đạt vỏn vẹn 73 triệu đồng doanh thu thuần, giảm đến 99% so với mức 11 tỷ đồng cùng kỳ năm trước và lỗ sau thuế 11 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 5 liên tiếp báo lỗ.

Luỹ kế 9 tháng 2023, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 8,2 tỷ đồng (giảm 97%) và lỗ sau thuế 44,1 tỷ đồng, nâng lỗ luỹ kế lên xấp xỉ 66 tỷ đồng. Garmex Sài Gòn hiện không có đơn hàng, do vậy, Công ty đã cân đối lại nhân sự, thu hẹp hoạt động cho phù hợp với tình hình mới, thực hiện tiết giảm chi phí để giảm thiểu thiệt hại.

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch HĐQT GMC tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường cuối tháng 9/2023, tại thời điểm đó, Công ty chỉ còn lại 35 nhân viên, giảm 1.947 nhân viên so với cuối năm 2022 và giảm 3.775 nhân viên so với cuối năm 2021, chi phí nhân sự là 651 triệu đồng/tháng.

Công ty đánh giá, ngành dệt may chưa có biến động lớn, tồn kho còn nhiều ở nước ngoài, nhu cầu thị trường Mỹ, châu Âu chưa có sự tăng trưởng lớn, đơn hàng mới còn ít, hàng hoá giá trị thấp, thị trường chưa thực sự khởi sắc trước tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Sắp tới tình hình ra sao phải đợi ba quý nữa, trong khi lãi suất của thị trường đang tăng.

Do đó, Garmex Sài Gòn chưa tuyển lại lao động cho ngành nghề truyền thống. Công ty có đầu tư khôi phục lại ngành may hay không thì còn tuỳ vào tình hình thị trường.

Thanh lý tài sản để cầm cự

Tính đến cuối quý III, tổng tài sản Garmex Sài Gòn còn 426,7 tỷ đồng, giảm hơn 20,3% so với đầu năm, chủ yếu là hàng tồn kho và tài sản cố định.

Hiện tại, doanh nghiệp đang tập trung vào bảo vệ tài sản, xử lý, thanh lý nguyên phụ liệu tồn lâu năm, kế hoạch khai thác các mặt bằng hiện có chưa sử dụng và khai thác tài sản hiện có để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ban lãnh đạo GMC thông tin, nguyên phụ liệu tồn kho còn 24 tỷ đồng, trong tháng 10/2023, Công ty tiến hành tiêu huỷ các phụ liệu có logo thương hiệu của khách hàng. Trong năm 2023 – 2024, GMC tiếp tục hoàn thành các thủ tục hải quan chuyển đổi mục đích của các lô hàng còn lại, sau đó thanh lý bằng hình thức chào giá cạnh tranh.

Máy móc thiết bị nguyên giá là khoảng 230 tỷ đồng, giá trị còn lại khoảng 30 tỷ đồng, GMC đã thẩm định giá xong và sẽ tiến hành đấu giá. Còn công cụ dụng cụ, vật rẻ mau hỏng, máy móc thiết bị không có giá trị, khó chào thầu, Công ty sẽ thanh lý bằng hình thức… chào giá cân ký (trong tháng 9/2023 đã thanh lý lần 1).

Đối với số hàng tồn kho liên quan đến hàng gia công cho Gilimex trị giá 100 tỷ đồng, GMC cho biết Gilimex đang tiếp tục làm việc với đối tác của họ trong quý IV/2023 để giải quyết các khúc mắc nên GMC cũng tiếp tục thúc đẩy Gilimex giải phóng hàng tồn kho cho GMC trong quý IV/2023. Tuy nhiên, chính Gilimex cũng đang phải gồng mình chống chọi với hậu quả sau vụ kiện gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon Robotics LLC.

Điểm sáng hiếm hoi còn lại của GMC là việc Công ty đã đầu tư vào CTCP Phú Mỹ cho dự án nhà ở khoảng 1,5 ha, đến thời điểm thích hợp sẽ bán hàng. Dự án được kỳ vọng này sẽ mang lại giá trị tiềm năng trong tương lai cho Công ty.

Từ một doanh nghiệp dệt may triển vọng đã xây dựng được tên tuổi trên thị trường, Garmex Sài Gòn đang cách rất xa trước đây khi ngành nghề kinh doanh cốt lõi gặp nhiều khó khăn và vẫn chưa hẹn ngày trở lại. Công ty cũng cho biết, sẽ đa dạng hoá ngành nghề để tránh rủi ro, trong đó hy vọng hiện tại đến từ lĩnh vực bất động sản và cụ thể là dự án nhà ở của Phú Mỹ sẽ tạo đà cho GMC dần hồi phục.

Tin bài liên quan