GDP đạt 3,72% là mức tăng trưởng khá

0:00 / 0:00
0:00
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), để đạt được tăng trưởng tích cực trong năm 2023 là thách thức rất lớn, cần sự nỗ lực, quyết tâm cao, sự chung sức, đồng lòng nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê).

Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê).

Tốc độ tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt tương ứng 4,14% và 3,72%. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, mặc dù biết rằng, đạt được mục tiêu là vô cùng khó khăn, thưa bà?

Tăng trưởng kinh tế ước đạt 3,72% trong nửa đầu năm nay được đánh giá là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh đối diện với nhiều khó khăn, thách thức của tình hình kinh tế, chính trị thế giới.

Theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023, thì 6 tháng đầu năm phải đạt mức tăng 6,2% (trong đó, quý I tăng 5,6%, quý II tăng 6,7%). Tuy vậy, kết quả đạt được thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra, chủ yếu do khối ngành công nghiệp tăng trưởng thấp, công nghiệp 6 tháng đầu năm chỉ đạt 0,44%.

Để đạt được tăng trưởng tích cực trong năm 2023 là thách thức rất lớn, cần sự nỗ lực, quyết tâm cao, sự chung sức, đồng lòng để tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân. Các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với mọi tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo bà, muốn đạt được tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5%, thì 6 tháng cuối năm, các khu vực kinh tế phải tăng thế nào?

Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong 6 tháng cuối năm, kinh tế cả nước cần phải tăng trên 9%. Điều này là rất khó khả thi và là thách thức rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay và một số ngành kinh tế phải có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ.

Cụ thể, công nghiệp chế biến - chế tạo phải tăng trên 13,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 13,6%; xây dựng tăng trên 8,7%; bán buôn, bán lẻ tăng trên 8,5%; vận tải kho bãi tăng trên 9,2%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng trên 12,3%.

Trong bối cảnh khó khăn, thách thức vẫn chưa thực sự chấm dứt như hiện nay, kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó dự báo, cầu tiêu dùng thế giới vẫn yếu, không dễ đạt được mức tăng trưởng như vậy.

Để đạt được kịch bản tăng trưởng như trên quả là rất khó, thưa bà?

Đúng là rất khó, nhưng tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, Chính phủ vẫn không trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng là thể hiện sự quyết tâm rất cao. Năm nay, có thể không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% như đã đặt ra, nhưng Chính phủ vẫn muốn đạt được kết quả cao nhất có thể.

Muốn vậy, thứ nhất, cần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác. Hàng loạt giải pháp tài khóa, tiền tệ đã và sắp được ban hành (như giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định 41/2023/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 28/6/2023) sẽ được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả, đặc biệt là các giải pháp về tiền tệ, lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trong đó, điều hành tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tạo động lực tăng trưởng; điều hành tỷ giá phù hợp, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu và an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng, khơi thông dòng vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Những tháng còn lại của năm 2023, các bộ, ngành, địa phương phải tích cực đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn; xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, tập trung xử lý ngay những điểm nghẽn, nút thắt chính trong hoạt động đầu tư công, như công tác chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng.

Tiêu dùng nội địa là một trong 3 động lực tăng trưởng kinh tế. Thưa bà, cần phải có những giải pháp cơ bản nào để thúc đẩy tiêu dùng nội địa?

Việc Quốc hội cho phép giảm 2% thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% kể từ ngày 1/7/2023 cho đến hết năm là một trong những đòn bẩy rất hữu hiệu kích cầu nội địa, cả cầu tiêu dùng lần cầu đầu tư. Vì vậy, phải đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là các mặt hàng có nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào nội địa để hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung. Các bộ, ngành, địa phương phải thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm...

Thúc đẩy tiêu dùng nội địa, khai thác triệt để du lịch bằng các chính sách, sản phẩm du lịch mới, chương trình du lịch kịp thời, hiệu quả, bền vững nhằm phát triển du lịch và thúc đẩy các ngành kinh tế liên quan tăng trưởng.

Tiêu dùng nội địa, cả tiêu dùng hàng hóa cuối cùng lẫn nguyên, nhiên vật liệu, là đầu vào cho sản xuất hàng tiêu dùng chỉ có thể thực hiện được khi ngành điện đảm bảo nguồn cung điện ổn định, đáp ứng sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, hộ cá thể và nhu cầu tiêu dùng của dân cư trong mùa cao điểm nắng nóng. Ngay trong thời điểm khó khăn như hiện nay, ngành điện phải tái cơ cấu hợp lý nguồn điện, đảm bảo sử dụng hiệu quả và tăng trưởng bền vững.

Tin bài liên quan