Giá dầu thế giới sụt giảm sau quyết định lãi suất của Fed

0:00 / 0:00
0:00
Giá dầu sụt giảm ngay đầu phiên giao dịch ở thị trường châu Á vào ngày 21/9, nối tiếp đà giảm sâu nhất tháng của phiên trước.
Nhà máy lọc dầu Los Angeles của tập đoàn xăng dầu Marathon ở bang California, Mỹ. Ảnh: AFP

Nhà máy lọc dầu Los Angeles của tập đoàn xăng dầu Marathon ở bang California, Mỹ. Ảnh: AFP

Giá dầu Brent giao tháng 11 đã giảm 67 cent, tương đương 0,72%, xuống 92,86 USD/thùng vào lúc 03:13 ngày 21/9 (giờ GMT). Tương tự, giá dầu thô WTI của Mỹ trượt 71 cent, tương đương 0,79%, xuống còn 88,95 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 14/9.

Các nhà phân tích tại tập đoàn tài chính Hà Lan ING cho rằng: "Đúng như dự đoán, Fed đã giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp FOMC [Ủy ban Thị trường Mở Liên bang - cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)] vào ngày hôm qua. Tuy nhiên, đó vẫn được coi là một sự tạm dừng mang tính diều hâu, gây áp lực lên các tài sản rủi ro" như dầu mỏ.

Fed quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản sau cuộc họp diễn ra trong hai ngày 19-20/9 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn củng cố quan điểm diều hâu bằng một đợt tăng lãi suất dự kiến vào cuối năm. Điều này có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu nói chung.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed vẫn dự đoán, lãi suất tham chiếu qua đêm sẽ đạt đỉnh trong năm nay, ở ngưỡng 5,50 - 5,75%, cao hơn 0,25 điểm phần trăm so với mức hiện tại.

Quan điểm lãi suất diều hâu của Fed cũng khiến đồng đô la Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2023, gây ra áp lực giảm giá dầu. Đồng đô la Mỹ mạnh hơn thường khiến các mặt hàng thiết yếu như dầu mỏ trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà nhập khẩu chọn thanh toán bằng các loại tiền tệ khác.

Thị trường năng lượng có phản ứng rất ít với dữ liệu mà Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố ngày 20/9. Cơ quan này cho biết, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm đúng như dự đoán tuần trước.

"Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho của Mỹ giảm 2,14 triệu thùng trong tuần trước, thấp hơn nhiều so với mức giảm 5,25 triệu thùng mà Viện Dầu khí Mỹ dự đoán. Lượng giảm tồn kho gây thất vọng đã thúc đẩy các nhà giao dịch chốt lợi nhuận sau mức tăng giá 10% kể từ đầu năm", các nhà phân tích tại ngân hàng ANZ nhận định.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ lý giải rằng tồn kho giảm chủ yếu do xuất khẩu dầu mỏ của nước này tăng mạnh, trong khi tồn kho xăng và dầu diesel cũng bị kéo giảm vì các nhà máy lọc dầu bắt đầu bước vào bảo dưỡng định kỳ hàng năm.

Mức giảm giá dầu thô thế giới ngày 21/9 được cho là sẽ không thể kéo dài. Thị trường dầu mỏ đang bị đè nặng bởi mối lo thiếu hụt nguồn cung vào quý IV/2023 sau khi tồn kho dầu thô tại Cushing - trung tâm phân phối dầu WTI của Mỹ - đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2022 và động thái gia hạn cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, gọi chung là OPEC+.

Giới phân tích vẫn kỳ vọng giá sẽ vẫn được hỗ trợ trong tương lai gần. Đơn cử, các nhà phân tích của ANZ cho rằng: "Một vài đợt giảm giá dầu nữa có thể làm sống lại các cuộc đàm phán về các bồn chứa đạt mức tối thiểu… Với việc cắt giảm sản lượng của Saudi Arabia và liên minh OPEC+ dự kiến sẽ duy trì trong thời gian còn lại của năm, tồn kho có thể sẽ chạm mức thấp kỷ lục".

Nhà phân tích Warren Patterson của ING cho biết: "Theo tính toán của chúng tôi, cán cân sẽ thâm hụt hơn 2 triệu thùng/ngày trong quý IV năm nay".

"Sự thắt chặt này, cùng với lợi nhuận của nhà máy lọc dầu tăng mạnh (phần lớn do nguồn cung các sản phẩm chưng cất trung gian bị thắt chặt), chỉ ra rằng giá dầu có thể sẽ tăng mạnh hơn nữa trong ngắn hạn", ông Patterson nói thêm.

Tin bài liên quan