Gia đình Samsung: nồi da xáo thịt vì tiền

Gia đình Samsung: nồi da xáo thịt vì tiền

Cuộc chiến đòi quyền thừa kế trong gia đình người giàu nhất Hàn Quốc Lee Kun-Hee tiếp tục nóng lên lên khi anh em nhà ông Lee có những phát ngôn theo hướng “tuyệt tình”.

Vụ việc thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, bởi rất nhiều bí mật không lấy gì làm hay ho trong gia đình quyền lực này, đã vì tranh giành mà bị tung ra ngoài cho người đời săm soi.

Người anh trai của chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Kun-Hee hôm 23/4 tuyên bố ông sẽ không từ bỏ vụ kiện đòi em phải trả lại mình một phần tiền thừa kế nằm trong tài sản do cha đẻ để lại. Ông cũng nói rằng người giàu nhất Hàn Quốc là một gã tối mắt vì lợi ích riêng.

 

  Ông Lee Kun-Hee (trái) đang vướng vào cuộc đại chiến với anh cả Maeng-Hee

và các anh chị em khác trong gia đình

Anh chị “tố” em tham

"Kun-Hee đã khiến bất hòa giữa các anh em thêm trầm trọng, bởi cậu ấy chỉ quan tâm tới lợi ích của riêng mình” - ông Lee Maeng-Hee, 80 tuổi, nói thông qua luật sư riêng, đồng thời khẳng định sẽ theo kiện tới cùng.

Sự việc bắt đầu nóng lên từ tháng 2 năm nay, khi Kun-Hee bị anh trai và chị gái cáo buộc đã che giấu một phần cổ phiếu của tập đoàn Samsung do cha họ để lại dưới tên của những người khác. Maeng-Hee nói rằng sau khi cha chết vào năm 1987, Kun-Hee đã chiếm phần cổ phiếu này, và nghiễm nhiên tước đi tài sản đáng ra họ được hưởng.

Dựa vào đó, Lee Maeng-Hee đã yêu cầu tòa án ra lệnh cho em trai trả lại ông 8,24 triệu cổ phiếu trong công ty bảo hiểm Samsung Life Insurance và một lượng lớn cổ phiếu trong Samsung Electronics, bên cạnh khoản tiền mặt trị giá 100 triệu won (89.000 USD). Tổng số tiền ông đòi lên tới 710 tỉ won (624 triệu USD).

Theo chân Maeng-Hee, chị gái của Kun-Hee là Lee Sook-Hee cũng quyết định đâm đơn kiện em, đòi số cổ phiếu trị giá 190 tỉ won (167 triệu USD) từ 2 công ty kể trên. Lý lẽ của Sook-Hee là tài sản do cha để lại phải được chia đều cho các anh chị em, chứ không thể dấm dúi cho mình ông Kun-Hee hưởng. Các thành viên khác trong gia đình nhà Lee như anh trai Lee Chang-Hee cũng đòi quyền thừa kế từ Lee Kun-Hee trị giá 100 tỉ won (88 triệu USD) hồi tháng trước.

Theo ước tính của tạp chí Forbes châu Á, hồi năm 2010, tài sản của Lee Kun-Hee rơi vào khoảng 7,9 tỉ USD, đứng đầu Hàn Quốc.

 

Không nhả một xu

Lee Byung-Chull, người thành lập Samsung vào năm 1938 có 3 con trai và 5 con gái. Trong đó, Lee Kun-Hee là người có công lớn nhất trong việc thúc đẩy Samsung trở thành tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc.

Trong những năm 1990, tin rằng Samsung Group đã quá tập trung vào việc cho ra đời số lượng lớn các sản phẩm chất lượng kém và công ty chưa đủ sức cạnh tranh trên mặt chất lượng, Kun-Hee đã có tuyên bố hết sức nổi tiếng: “Thay đổi mọi thứ, trừ vợ con bạn”. Ông tìm cách thu hút tài năng từ trong và ngoài Hàn Quốc tới làm cho Samsung, tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, tăng cường tiếp thị hình ảnh mới, cải tiến quy trình sản xuất, quản lý...

Xu hướng thay đổi này giờ đã được xem là thành công. Nhờ Kun-Hee, Samsung Electronics trở thành nhà sản xuất chíp hàng đầu thế giới và là công ty sản xuất điện thoại di động lớn thứ 2, sau Nokia.

Do nhận thấy năng lực lãnh đạo xuất sắc của con trai, ông Lee Byung-Chull đã phá bỏ truyền thống Khổng giáo là để lại hoạt động làm ăn cho con cả và trao lại quyền lãnh đạo cho Kun-Hee, người con trai thứ ba. Đây là cơ sở để hình thành cho những rạn nứt giữa anh em nhà họ Lee về sau.

Tuần trước, trong phản ứng đầu tiên liên quan tới vụ tranh cãi này, Kun-Hee khẳng định vấn đề thừa kế đã được giải quyết từ lâu, khi cha đẻ còn sống và ông sẽ “không nhả ra lấy một xu”. "Nếu họ kiện tôi, tôi sẽ đâm đơn kiện lại họ cho tới cùng. Tôi không chỉ ra Tòa án Tối cao mà còn xuất hiện tại Tòa án Hiến pháp” - Lee Kun-Hee nói với báo giới. Theo ông, anh chị “hơi tham lam bởi Samsung giờ đã quá lớn”.

 

Bảo vệ quyền lực

Lee cũng khẳng định ông không quan tâm tới cuộc chiến pháp lý. “Tôi chẳng bận tâm lắm. Đây chỉ là chuyện lặt vặt. Đây không phải một cuộc ganh đua công bằng” – ông nói.

Nhưng thực tế thì Kun-Hee đã bắt đầu dồn tâm sức giải quyết vụ này. Theo giới phân tích, tuyên bố của Lee Kun-Hee cho thấy sự dịch chuyển của ông từ chỗ phòng thủ sang hướng tấn công. Trước đó, cả ông lẫn tập đoàn Samsung đều không thể hiện nhiều quan điểm liên quan tới vấn đề thừa kế.

Nhưng dấu hiệu của sự thay đổi xuất hiện từ ngày 16/3 vừa qua, khi Kun-Hee chỉ định một cố vấn của ông giải quyết vụ việc. Samsung cũng thành lập một đội chuyên gia pháp lý gồm 6 luật sư nổi tiếng nhằm giúp ông xử lý vụ kiện.

Một vài người cho rằng những tuyên bố mạnh của ông Kun-Hee là nhằm “dằn mặt” anh trai, tránh việc bị đẩy vào thế phòng thủ bị động. Nguyên nhân một phần do công ty Samsung của ông đang có liên quan tới vụ theo dõi con trai Maeng-Hee là Lee Jae-Hyun, chủ tịch tập đoàn Cheil Jedang (CJ). Tháng trước, CJ Group đã chuyển tới cho cảnh sát đoạn video cho thấy một chiếc xe 5 chỗ màu đen thuộc một kỹ sư của Samsung đã chạy vòng quanh nhà Lee Jae-Hyun nhiều lần kể từ ngày 15/2 “Samsung phải giải thích rõ ràng vì sao chuyện này lại xảy ra và ai đã ra lệnh theo dõi" - CJ tuyên bố.

Ngoài ra, Kun-Hee phải “xù lông” còn bởi ông lo ngại kết cục của vụ kiện có thể ảnh hưởng tới cấu trúc lãnh đạo của Samsung. Một nhà phân tích chứng khoán đề nghị giấu tên cho biết: “Do đơn kiện liên quan tới cổ phiếu của Samsung Life và Samsung Electronics, các công ty vốn là nòng cốt cấu trúc lãnh đạo của Samsung Group, việc mất đi cổ phiếu ở đây sẽ cản trở Kun-Hee trong việc truyền lại quyền lãnh đạo cho con trai. Đó là điều ông không bao giờ mong muốn”.