Giá đồng và quặng sắt đang cho thấy những dấu hiệu trái ngược nhau

Giá đồng và quặng sắt đang cho thấy những dấu hiệu trái ngược nhau

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Diễn biến giá của hai trong số những hàng hoá công nghiệp quan trọng nhất thế giới đang phân hóa nhanh chóng, trong khi giá đồng tăng trên 9.000 USD/tấn do nguồn cung trên thị trường bị cắt giảm thì giá quặng sắt lại sụt giảm do nhu cầu hạn chế.

Giá đồng đã tăng gần 5% trong tuần này, chấm dứt xu hướng giằng co kéo dài nhiều tháng khi các nhà đầu tư tập trung vào rủi ro đối với nguồn cung tại các mỏ và nhà máy luyện kim. Ở một góc độ nào đó, các nhà giao dịch cũng đang tin tưởng rằng điều tồi tệ nhất của cuộc suy thoái toàn cầu đã qua, đặc biệt đối với các kim loại như đồng đang ngày càng được sử dụng nhiều trong xe điện và năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, dấu hiệu của những cơn gió ngược trong các lĩnh vực công nghiệp truyền thống vẫn còn rõ ràng trên thị trường quặng sắt, trong đó hợp đồng tương lai quặng sắt đã giảm xuống dưới 100 USD/tấn lần đầu tiên sau 7 tháng vào thứ Sáu (15/3). Các nhà đầu tư đang cho rằng cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài nhiều năm ở Trung Quốc sẽ kéo dài đến năm 2024, khiến nhu cầu hạn chế.

Giá quặng sắt đã giảm hơn 30% kể từ đầu tháng 1 khi kỳ vọng về sự hồi sinh trong hoạt động xây dựng mờ nhạt dần. Các nhà máy thép đang mua ít quặng sắt hơn và các kho dự trữ đang chất đống tại các cảng Trung Quốc.

Diễn biến giá đồng và giá quặng sắt

Diễn biến giá đồng và giá quặng sắt

Tâm lý trên thị trường quặng sắt đã trở nên xấu đi kể từ cuộc họp quan trọng gần đây ở Bắc Kinh, mà các nhà hoạch định chính sách đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là 5% cho tăng trưởng kinh tế, nhưng lại đưa ra một số biện pháp mới nhằm thúc đẩy cơ sở hạ tầng hoặc các lĩnh vực thâm dụng xây dựng khác thay vì hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Sự sụt giảm mới nhất của giá quặng sắt sẽ khuyến khích những người tin rằng tác động của việc kiểm soát thị trường bất động sản vẫn còn nhiều dư địa, và đợt phục hồi giá quặng sắt năm ngoái có thể chỉ là nhất thời.

Vào thứ Sáu (15/3), đã có những dấu hiệu mới cho thấy sự suy yếu trong nền kinh tế công nghiệp của Trung Quốc cũng đang tác động đến thị trường đồng, với lượng dự trữ đồng được Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải theo dõi đã tăng lên mức cao nhất kể từ những ngày đầu của đại dịch. Tuy nhiên, thị trường kỳ vọng rằng những trở ngại trong các khu vực công nghiệp truyền thống sẽ được bù đắp bằng sự gia tăng liên tục trong việc sử dụng xe điện và năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, các điều kiện công nghiệp ở châu Âu và Mỹ vẫn có vẻ suy yếu, nhưng việc sử dụng đồng ở Ấn Độ lại khá lạc quan - nơi đầu tư gia tăng đã giúp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng vượt mức hơn 8% - khiến nước này trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất.

Hiện tại, chất xúc tác chính thúc đẩy sự phục hồi của đồng là sự thắt chặt bất ngờ về nguồn cung toàn cầu. Điều đó chủ yếu được thúc đẩy bởi việc đóng cửa một mỏ khổng lồ ở Panama vào năm ngoái, nhưng cũng có những lo ngại ngày càng tăng về sản lượng ở Zambia, quốc gia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng điện do hiện tượng El Nino gây ra.

Giá đồng đã tăng vọt trong tuần này sau khi các nhà luyện kim ở Trung Quốc tổ chức một cuộc họp khủng hoảng về cách đối phó với việc phí xử lý giảm mạnh sau sự gián đoạn nguồn cung quặng khai thác.

Trong những tuần tới, các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ hàng tồn kho trên sàn giao dịch Thượng Hải để đánh giá cả sức mạnh của nhu cầu và mức độ cắt giảm công suất.

Colin Hamilton, giám đốc điều hành nghiên cứu hàng hóa tại BMO Capital Markets cho biết: “Sự gia tăng dự trữ lớn hơn chúng tôi dự đoán, nhưng chúng tôi dự đoán chúng sẽ giảm trong vài tuần tới…Nếu tốc độ tồn kho không bắt đầu chậm lại, các nhà đầu tư sẽ bắt đầu đặt câu hỏi liệu các công ty luyện kim có thực sự cắt giảm sản lượng hay không và liệu tác động của hoạt động xây dựng yếu kém có bắt đầu đè nặng hơn lên thị trường hay không".

Tin bài liên quan