Bên cạnh đó, khoảng cách giữa giá đầu vào và đầu ra vẫn khá lớn, nghĩa là các nhà sản xuất đang chịu chi phí sản xuất cao hơn, nhưng không thể chuyển chi phí sang cho người tiêu thụ do áp lực cạnh tranh về giá. Đặc biệt, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ trong quý I/2013, cả nước có tới 15.839 DN ngừng hoạt động hoặc phá sản, cao hơn so với 15.707 DN đăng ký thành lập mới, tiếp tục báo hiệu một năm nhiều thách thức.
Phân tích sâu hơn về hoạt động của DN, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nhận định, có nhiều DN sản xuất - kinh doanh ngành nghề chính ổn định, có lãi, nhưng “dính” vào bất động sản nên “chết” mấy trăm tỷ đồng nợ xấu, lợi nhuận làm ra không đủ trả lãi ngân hàng dẫn đến mất dần vốn lưu động. Do vậy, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ sản xuất, nếu nợ xấu được giãn, khoanh lại hay ghi sổ nợ, DN đó có cơ hội tồn tại và vượt qua giai đoạn khó khăn tạm thời hiện nay.
“Nhưng với những DN đã ‘chết’ trong hoạt động kinh doanh chính thì cần thận trọng trong quyết định cho phép giãn, hoãn, nợ”, ông Nghĩa khuyến cáo.
Để xử lý nợ xấu, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng, NHNN đã ban hành Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngày 23/4/2012 và Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 9/11/2012. Theo đó, cho phép TCTD giữ nguyên nhóm nợ như trước khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong việc trả nợ vốn vay phù hợp với chu kỳ sản xuất - kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án, phương án vay vốn, khả năng trả nợ của khách hàng.
“DN khó khăn đã được cơ cấu nợ theo Quyết định 780 khoảng 272.000 tỷ đồng, tương ứng 10% tổng dư nợ nền kinh tế. Nếu không có chính sách này, khoảng 10% nợ đã thành nợ xấu. Hiện nay, nợ xấu xấp xỉ 5 - 6%, nếu cộng thêm 10% (do không áp dụng Quyết định 780) thì tổng nợ xấu sẽ lên tới 15 - 16% tổng dư nợ”, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPost Bank nhận định: “Quyết định 780 không những hợp lý với DN mà còn cả đối với ngân hàng”
Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Eximbank cho rằng, Quyết định 780 ra đời rất đúng thời điểm, nhưng lộ trình, phương thức cơ cấu nợ phải tính toán kỹ. Bởi cơ cấu đi, cơ cấu lại thì vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng để nợ xấu không bùng lên, nếu cơ cấu mà ảnh hưởng chất lượng tín dụng thì hậu quả là 6 tháng, 1 năm nữa là nợ xấu lại bủa vây. Về phần mình, Eximbank cũng đã giãn, giảm nợ với số lượng không nhỏ cho DN. Đây là một trong những lý do khiến lợi nhuận của Ngân hàng sẽ giảm xuống. “Năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu lợi nhuận thấp (2.857 tỷ đồng). Mọi người cứ nhìn sự sụt giảm lợi nhuận ghê gớm này là biết chủ yếu do cái gì”, ông Dũng nói.
Trong các chuyến công tác của lãnh đạo NHNN và đại diện DN, TCTD tại Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Quảng Nam, Quảng Ngãi... hơn một tháng qua, phần lớn các ý kiến của cả DN và TCTD đều muốn NHNN lùi thời hạn áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng đối với các tài sản có. Nếu không, nợ được cơ cấu của DN sẽ bị chuyển sang nhóm nợ xấu, dự phòng rủi ro tăng, các NHTM buộc phải xử lý nợ xấu bằng cách bán, đấu giá tài sản thế chấp của DN, vì vậy, các DN càng khó khăn thêm và đi đến phá sản.
“Thị trường vẫn diễn biến phức tạp, dòng tiền của DN luân chuyển khó khăn mà dừng hiệu lực thi hành Quyết định 780 và Thông tư 02 vẫn có hiệu lực thi hành kể từ 1/6/2013 là DN chết hàng loạt”, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đồng Tâm Long An nói.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Thông tư 02 của NHNN chính thức có hiệu lực vào ngày 1/6 sẽ nghiễm nhiên hủy bỏ Quyết định 780, nhưng nếu NHNN tuyên bố tiếp tục thực hiện Quyết định 780 đến hết năm 2013 đồng nghĩa với việc hết năm nay mới bắt đầu thực hiện Thông tư 02.
Chính vì vậy, để các DN có điều kiện vay mới để ổn định sản xuất - kinh doanh, ngân hàng cũng yên tâm cung cấp vốn, thị trường chờ đợi một tiếng nói chính thức của NHNN liên quan đến thời hạn áp dụng của hai quyết định quan trọng về cơ cấu nợ nói trên.