Giấc mơ… “huyền diệu”

Giấc mơ… “huyền diệu”

(ĐTCK) Xin nói ngay là chẳng có giấc mộng Nam Kha nào ở đây cả. Chỉ là tò mò với cuộc tranh luận bất tận về chuyện hay dở của "phim Việt trên giờ vàng", nên người viết cũng có ngó qua vài tập phim "Cô gái xấu xí" mà nhà đài đang phát sóng. Nói chung là nhạt. Chẳng có gì đáng nói nhiều, nếu không bới bèo ra bọ thì cũng có thể phục vụ các bà, các chị trong lúc chờ đợi mấy ông chồng ham la cà, nhậu nhẹt…

Thế nhưng, rõ ràng đây không phải là tờ báo chuyên ngành điện ảnh. Và tác giả cũng chẳng có tham vọng mở mục bình phim. Chỉ vì chuyện phim này có "dạo qua" món quen thuộc là chứng khoán, nhưng theo cái cách phải nói lại cho rõ vài điều. Bởi nếu đúng là (và nhân thể) các bác truyền hình tuyên truyền về chứng khoán cho xã hội theo hướng này thì quả là… thậm chí nguy!

Nếu có đủ sự kiên nhẫn thì ai cũng biết rằng, cô "công chúa cóc" Huyền Diệu trong bộ phim kia chắp nối được mối tình "lệch pha" với chàng tổng giám đốc đẹp trai nhờ tài năng kinh doanh thuộc hàng siêu đẳng. Trong khi chàng hoàng tử bạch mã quanh năm chỉ lo mỗi việc tán gái và chỉ đạo làm… báo cáo láo để đánh lừa hội đồng quản trị, thì cô thư ký chưa có một ngày kinh nghiệm, sau khi được rót cho vài ba tỷ đồng để đầu tư chứng khoán, lại làm ăn cứ thăng tiến vùn vụt. Cùng với bộ sậu là ông bố bảo vệ mất việc và một cậu bạn suốt ngày "lêu têu" mà "chơi" chứng khoán cứ dễ như múa tay trong bị. Thời gian ngắn chẳng tày gang, "công ty" đầu tư chứng khoán có tên Vinamot do cô gái xấu xí lập ra đã mang về cho cái công ty mẹ kỳ lạ kia chỉ khoảng… 90 tỷ đồng tiền lãi ròng, chưa kể tiền mua ô tô xịn, tiền đi nhà hàng...

Không biết cô gái xấu xí của bộ phim nguyên gốc nổi tiếng Betty la Fea (Betty xấu xí) ở Colombia có "võ" gì để thành công trên con đường tình ái; chứ mới chỉ có "tí" thời gian mua - bán chứng khoán kiểu chơi chơi như cô Huyền Diệu mà lãi mẹ đẻ lãi con đến cả ngàn phần trăm thì đúng là... ngôn ngữ điện ảnh đáng nể thật.

Thế nhưng, nghĩ đi nghĩ lại mới thấy rằng, cái giấc mộng lớn theo kiểu đánh nhanh thắng nhanh kia cũng chẳng phải là hãn hữu trong đời thực. Những "giấc mơ chứng khoán" chẳng đã từng át cả chuyện cơm áo gạo tiền trong đời sống thực của không ít người trong chúng ta hay sao?

Chẳng có không ít cơ quan đã cắt cử riêng một người nhận tiền của mọi người và đi mua chứng khoán như là hình thức tăng thu nhập đó sao?

Còn nhớ, cuối năm 2006, có tờ báo còn bình chọn hình ảnh dòng người xếp hàng 4 dài hơn 200 mét đổ vào HASTC đăng ký mua cổ phần của Công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI) là một trong những hình ảnh độc đáo nhất trong năm của TTCK... Một nhà đầu tư đã gắn bó lâu năm với thị trường nhìn về đám đông xôn xao, tủm tỉm: "Mọi người đều hăm hở và mắt lấp lánh hy vọng có cái gì đó mang về". Thế nhưng, đứng trong thị trường mà không bị cuốn theo thị trường như nhà đầu tư nọ chắc là của hiếm, mấy ai có đủ tỉnh táo để đón được ánh sáng "phía chân đèn"?

Nói thêm về những giấc mơ. Câu chuyện về cô bé lọ lem cũng là một giấc mơ của hầu hết chúng ta những ngày còn thơ trẻ. Một cô gái bị bạc đãi, khinh dễ và cô độc, mà cuộc đời một ngày kia được thay đổi bởi một quyền phép siêu nhiên khiến cô trở thành một người đẹp tuyệt trần và chiếm ngự được trái tim của vị hoàng tử… Câu chuyện cổ tích nào mà kết thúc chả có hậu, nhưng có lẽ nó chỉ thích hợp khi được sử dụng để dỗ giấc ngủ trẻ em. Thời hiện đại (và nhất là ở những cái chợ hiện đại như chứng khoán), để cô công chúa cóc lột xác chắc phải trầy vi tróc vẩy nhiều!

Và hình như chỉ mới đây thôi, còn bao nhiêu người muốn giàu nhanh mơ về "giấc mơ Mỹ". Thế nhưng, sau những sóng gió vừa rồi, ngay cả người Mỹ cũng "tiết kiệm" những giấc mơ. Cuối tháng 10, theo kết quả khảo sát trên toàn nước Mỹ của Công ty ComPsych. - nhà cung cấp các chương trình trợ giúp người lao động, có trụ sở tại Chicago, có tới 92% người Mỹ mất ngủ vì khủng hoảng tài chính. Và cơn mất ngủ triền miên đã hoàn toàn trở thành một loại bệnh lý, đến nỗi các bác sĩ thuộc WHO, sau rất nhiều cuộc khảo sát, đã đưa ra nhận định rằng: ''Khó ngủ có vẻ như tăng lên cùng nhịp với lo ngại về khủng hoảng kinh tế". Khổ nỗi, nếu cứ canh cánh nỗi lo mất nhà, mất việc thì nếu giấc ngủ có đến cũng đi kèm với… ác mộng.

Ở Việt Nam , biết đâu cái sự suy giảm kéo dài của TTCK theo hướng "lo trước nỗi lo của thiên hạ" lại là điều may. Dù sao thì tin dữ đến từ từ cũng khiến nhà quản lý yên tâm vào sức chịu đựng của dân đầu tư. Bằng chứng là cách đây vài tuần, khi HASTC cứ trùng trình ở mốc điểm một trăm lẻ mấy, người ta kháo nhau rằng, cứ khi nào "nụ hôn" suy giảm chạm vào điểm nhạy cảm (100) là lãnh đạo sàn này sẽ ra mặt trấn an. Thế nhưng, sau hai phiên âm vào "vốn tự có" tuần vừa rồi mà mọi chuyện vẫn... vững như bàn thạch...

Thôi thì, cùng là nhà đầu tư nhỏ, cũng nhân có bộ phim nói chuyện về sự đổi đời vì chứng khoán mà cùng chia sẻ với nhau rằng, dù cảnh "mèo mù vớ cá rán" có thể xảy ra; và có thể giấc mơ của người này, khi biến thành hiện thực, lại là ác mộng của người khác. Nhưng cứ lẫn lộn giữa thực và mơ thì có lẽ người được lợi nhất lại chỉ là cổ đông của những doanh nghiệp chuyên sản xuất thuốc chống mất ngủ mà thôi!!!

Xem toàn bộ chùm bài "Văn hóa chứng khoán"