Giấc mơ “thành phố thông minh“

Giấc mơ “thành phố thông minh“

(ĐTCK) Góc bên phải bờ biển phía Tây Bắc của Ả Rập Xê út rất cằn cỗi, nguồn tài nguyên dồi dào duy nhất có thể sử dụng ở đây là ánh sáng mặt trời và nước biển.

1. Thế nhưng, đối với đối với Hoàng tử Ả Rập Xê út, Mohammed Bin Salman, vùng đất này không hề hoang vu mà sẽ trở thành thành phố thông minh nhất thế giới trong tương lai.

Khi hạ cánh trực thăng xuống đây vài năm trước, ông đã nảy ra một kế hoạch trị giá 500 tỷ USD để biến 10.000 dặm vuông của sa mạc chỉ có đá và sỏi này thành thành phố đáng sống nhất thế giới, để thu hút những “bộ óc vĩ đại nhất” với mức lương cao nhất thế giới.

“Họ sẽ bay trên những chiếc taxi bay không người lái đến nơi làm việc, trong khi robot dọn dẹp nhà cửa. Thành phố này sẽ thay thế thung lũng Silicon về công nghệ, Hollywood trong giải trí và French Riviera là nơi để nghỉ mát. Thành phố sẽ xây dựng một dự án chỉnh sửa gen để làm cho mọi người trở nên mạnh mẽ hơn”, vị Hoàng tử cho biết trong 2.300 tài liệu bí mật của các chuyên gia tư vấn hàng đầu tại tập đoàn tư vấn Boston, McKinsey & Co. và Oliver Wyman.

Theo tài liệu, thành phố có tên gọi là Neom. Đây sẽ là một thành phố tự động hoàn toàn.

Cựu nhân viên Neom và những người thuộc dự án nói rằng, họ không biết kế hoạch sẽ trở thành hiện thực được bao nhiêu so với ý tưởng do các vấn đề tài chính và hạn chế về công nghệ.

Giấc mơ “thành phố thông minh“ ảnh 1

Thế nhưng, đó không phải là vấn đề với vị hoàng tử trẻ tuổi chịu chơi Mohammed Bin Salman, người đang muốn thâu tóm một trong những câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng nhất thế giới - Manchester United. Bởi với ông, "Neom là tất cả về những thứ nhất thiết phải có trong tương lai".

2. Năm 2017, viết trên Facebook cá nhân, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã từng cho biết: "Quốc gia thông minh Singapore dành cho tất cả mọi người và không ai bị bỏ lại phía sau. Tất cả thành phần của xã hội, bất kể tuổi tác hay địa vị đều được hưởng lợi từ các giải pháp công nghệ".

Tuy nhiên, ngay từ năm 2014, những bước đi đầu tiên trên con đường dẫn đến giấc mơ này là khi Singapore xây dựng một mạng lưới băng thông rộng tốc độ cực nhanh trên phạm vi toàn quốc và wifi miễn phí cho toàn dân. Tiếp theo là một mạng lưới cảm biến đường phố toàn quốc, từ đó làm khung tính phí đường bộ theo mức độ sử dụng thực. Mạng lưới này sẽ sớm được nâng cấp thành một hệ thống không trạm/cổng, tính phí chính xác theo định vị, đồng thời cung cấp thông tin giao thông thời gian thực và dịch vụ sạc tự động ở các bãi đỗ xe bên đường.

Ở các giao lộ, người cao tuổi và khuyết tật có thể quẹt thẻ nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID) ở hộp chờ để có nhiều thời gian qua đường hơn. Ngay cả hệ thống quản lý nước sạch của Singapore cũng thuộc hàng tân tiến nhất thế giới. Chính phủ nước này hiện đang thử nghiệm công nghệ khử muối trong nước biển mới với mức điện năng tiêu thụ chỉ bằng một nửa so với các phương pháp hiện có.

Một số dự án được chọn lọc trong Hội đồng Nhà ở và Dự án bất động sản Singapore đang thử nghiệm các sản phẩm thông minh trong nhà. Chẳng hạn, hệ thống chiếu sáng thông minh để tiết kiệm năng lượng, cảm biến để theo dõi cư dân cao tuổi đề phòng trường hợp khẩn cấp và thu gom chất thải khí nén tự động để thu gom rác thải không mùi. Thêm vào đó, từ năm 2017, sau khi được chính quyền chấp thuận, công ty khởi nghiệp nuTonomy có trụ sở chính tại Singapore đã bắt đầu thử nghiệm xe ôtô lái tự động.

3. Không nằm ngoài xu hướng của thế giới, trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang có những bước đi đầu tiên trên con đường phát triển đô thị thông minh.

Cả nước hiện có 813 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 37,5% (năm 2017). Nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp, được phát triển mở rộng về quy mô đất đai, dân số, đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội.

Tuy nhiên, sự thiếu đa dạng về mô hình tăng trưởng đô thị, tài nguyên đất đai chưa được sử dụng hợp lý, các dự án về nhà ở còn dàn trải; hạ tầng kỹ thuật khung đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến các điểm nghẽn chưa được tháo gỡ: ngập lụt, ách tắc giao thông.

Bên cạnh đó, tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị đã vượt khả năng điều hành của chính quyền địa phương. Năng lực quản lý phát triển đô thị chưa theo kịp nhu cầu đòi hỏi của thực tế. Tư duy, khoa học quản lý đô thị chậm được đổi mới.

Để giải quyết các vấn đề nói trên, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, nhu cầu phải thay đổi cách thức quản lý, phát triển đô thị đang đặt ra hết sức cấp bách. Đây chính là cơ hội cho sự hình thành các đô thị thông minh. Đồng thời, đáp ứng những nhu cầu điều hành của chính quyền, cũng như nhu cầu sử dụng dịch vụ tối ưu nhất, nhanh nhất của người dân, doanh nghiệp. Trong đó, chuyển đổi số chính là cơ hội lớn để các thành phố phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho người dân.

4. Dù chưa thực sự hình thành, nhưng với sự nhập cuộc của nhiều đại gia bất động sản, thành phố thông minh cũng đã bước đầu hiện diện tại Việt Nam

Trong đó, đáng kể có thể kể đến việc Vingroup đã nâng cấp dự án có quy mô lớn 280 ha của họ thành khu đô thị thông minh năng động có tên Vinhomes Smarty City tại phía Tây Hà Nội. Dự án sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) với các tính năng nhận dạng khuôn mặt và một trung tâm công nghệ nhằm cung cấp đầy đủ các thông tin và dịch vụ cho cư dân, từ giám sát chất lượng không khí đến cảnh báo ô nhiễm môi trường.

Sunshine Group cũng đã xây dựng hàng loạt căn hộ thông minh cùng hệ sinh thái hiện đại bằng cách tích hợp công nghệ mới. Sunshine Cab có chức năng gọi xe đưa đón tương tự như Grab dành cho cư dân, các chức năng quản gia thông minh cũng như siêu thị trực tuyến cũng được tích hợp cho cư dân thông qua ứng dụng của chủ đầu tư…

Gần đây nhất, Tập đoàn Ecopark đã ký kết với các đối tác chiến lược triển khai dự án thành phố thông minh tại phân khu mới của Ecopark 70 ha. Tập đoàn Tây Ban Nha sẽ thiết lập phương pháp luận, phát triển quy hoạch thiết kế, xây dựng kế hoạch tài chính và chiến lược phát triển cho khu trung tâm thương mại đô thị thông minh và thung lũng sáng tạo.

Ngoài ra, phải kể đến dự án Thành phố thông minh với tổng vốn đầu tư 4,2 tỷ USD do Tập đoàn BRG phối hợp cùng với Sumitomo của Nhật Bản triển khai tại Đông Anh (Hà Nội). Với quy mô gần 272 ha, được chia làm 5 giai đoạn kết nối chặt chẽ và đồng bộ, dự án áp dụng nhiều công nghệ thông minh như năng lượng thông minh, giao thông thông minh, cộng đồng thông minh, học tập thông minh, đời sống thông minh, y tế thông minh và kinh tế thông minh.

Ngoài ra, hệ thống quản lý tòa nhà thông minh và công nghệ năng lượng tái tạo cũng sẽ được ưu tiên áp dụng nhằm tối ưu hóa nguồn cung và lưu trữ năng lượng. Dự án cũng dự kiến triển khai hệ thống giao thông công cộng thân thiện với môi trường, kết nối khu vực thành phố thông minh với trung tâm Hà Nội.

Theo bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, trước những áp lực về dân số, môi trường và phúc lợi, các đô thị tại Việt Nam buộc phải thông minh hơn để thích ứng. Bởi lẽ, mục tiêu xây dựng thành phố thông minh không phải là dành cho thế hệ chúng ta, mà là xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nhiều thế hệ người Việt sau này.

Dẫu vậy, theo bà Nga, một mình công nghệ sẽ không đủ để đảm bảo cho việc xây dựng các thành phố thông minh. Theo đó, cần có sự thấu hiểu giữa các nhà hoạch định, Chính phủ và cả người dân để xác định những đặc điểm cần thiết mà một dự án thành phố thông minh cần có. Chỉ có như vậy mới tạo ra một dự án thành phố thông minh thành công.

"Sự thành công của một thành phố thông minh không chỉ là dựa vào mức độ hiện đại của công nghệ, mà còn đến từ việc tạo cho dân cư thành phố có sự gắn kết với chính thành phố đó", bà Nga nhấn mạnh.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan