Đại diện các trường đại học và doanh nghiệp cam kết tham gia, đồng hành cùng VietChain Talents nhận hoa cảm ơn từ đại diện Ban tổ chức.

Đại diện các trường đại học và doanh nghiệp cam kết tham gia, đồng hành cùng VietChain Talents nhận hoa cảm ơn từ đại diện Ban tổ chức.

Giải bài toán nhân lực cho ngành Blockchain

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hành trình hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về công nghệ chuỗi khối (Blockchain) vào năm 2030 không chỉ đòi hỏi hạ tầng công nghệ, chính sách phát triển, mà còn đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực tinh hoa.

Blockchain: Trụ cột chiến lược trong nền kinh tế số

Ngày 12/6/2025, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1131/QĐ-TTg ban hành Danh mục công nghệ chiến lược và sản phẩm công nghệ chiến lược, trong đó xác định Blockchain là công nghệ chiến lược; các sản phẩm hạ tầng mạng Blockchain, tài sản số, tiền số, tiền mã hóa và hệ thống truy xuất nguồn gốc được xác định là sản phẩm công nghệ chiến lược.

Ngày 13/6/2025, trong Quyết định số 2031/QĐ-BTC ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Bộ Tài chính đưa ra là khẩn trương hoàn thiện Nghị quyết về việc triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam, trình Chính phủ trong tháng 6/2025.

Ngày 14/6/2025, Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số, tạo khung pháp lý nền tảng cho tài sản mã hoá, mở đường thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực này.

Trước đó, Quyết định số 1236/QĐ-TTg ngày 22/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chiến lược Blockchain Quốc gia và Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã chính thức xác lập Blockchain là một trong các công nghệ số trọng điểm quốc gia, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm Blockchain của khu vực vào năm 2030.

Có thể thấy, hàng loạt chính sách trên đều khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công nghệ Blockchain trong thúc đẩy nền kinh tế số. Trên thực tế, Blockchain đang trở thành mũi nhọn phát triển công nghệ, là trụ cột chiến lược trong nhiều lĩnh vực như tài chính, y tế, giáo dục, quản trị công và an ninh mạng.

Để hiện thực hóa các tiềm năng và mục tiêu chiến lược này, hơn bao giờ hết, Việt Nam cần một chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực Blockchain bài bản, quy mô và dài hạn.

Đây chính là lý do ra đời và cũng là sứ mệnh mà “Cuộc thi Tìm kiếm Tài năng Blockchain Việt Nam: VietChain Talents 2025” hướng tới. Cuộc thi do Công ty 1Matrix, Ban Cơ yếu Chính phủ và Hiệp hội Blockchain Việt Nam đồng tổ chức từ tháng 5/2025 trên quy mô toàn quốc.

“Khởi nguồn từ sáng kiến của Công ty 1Matrix, VietChain Talents nhanh chóng được đón nhận như một nỗ lực cộng đồng ở quy mô toàn quốc, được bảo trợ chuyên môn bởi Ban Cơ yếu Chính phủ và Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cùng sự đồng hành của hơn 60 tổ chức uy tín - từ doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học đến các cơ quan truyền thông chính thống”, Trung tướng Đặng Vũ Sơn, nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ, thành viên Hội đồng Giám khảo cuộc thi chia sẻ.

Giải thưởng giá trị rất lớn là một trong những đặc điểm nổi bật của VietChain Talents nhằm khẳng định vai trò và tầm quan trọng của nhân tài trong lĩnh vực blockchain.

Giải thưởng giá trị rất lớn là một trong những đặc điểm nổi bật của VietChain Talents nhằm khẳng định vai trò và tầm quan trọng của nhân tài trong lĩnh vực blockchain.

Ngay tại lễ phát động ngày 6/5/2025, sự kiện đã quy tụ gần 500 người tham dự trực tiếp và hơn 1.000 người đăng ký theo dõi trực tuyến.

Điều này cho thấy sức hút và khát vọng lan tỏa của một sân chơi trí tuệ thực thụ - nơi các bạn trẻ đam mê công nghệ được thử thách, cọ xát và khẳng định bản thân với những đề bài gắn liền thực tiễn ngành Blockchain.

Chỉ sau hơn một tháng, tính đến giữa tháng 6/2025, VietChain Talents đã ghi nhận gần 200 đội dự thi, hơn 300 ý tưởng công nghệ, giải pháp được gửi về. Cuộc thi cũng nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ hơn 20 trường đại học trên toàn quốc, hơn 60 doanh nghiệp trong nước và quốc tế cam kết đồng hành, cùng sự ủng hộ của nhiều cơ quan quản lý các cấp, ngành.

“Tuy nhiên, những con số trên mới chỉ phản ánh một phần tinh thần đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên và sự nhiệt huyết của các bạn sinh viên đam mê công nghệ, không ngừng học hỏi và ứng dụng tri thức vào thực tiễn. Ban tổ chức tin rằng, số lượng thí sinh và ý tưởng sẽ tiếp tục tăng mạnh trước thời điểm đóng cổng nhận bài thi vào ngày 30/6/2025”, bà Nguyễn Vân Hiền, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi nhấn mạnh.

Từ sân chơi trí tuệ đến kiến tạo nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao

Với tổng giá trị giải thưởng lên tới 3,5 tỷ đồng tiền mặt, trong đó giải Nhất chủ đề Layer 1 trị giá 1 tỷ đồng, VietChain Talents 2025 không chỉ dừng lại ở việc tìm kiếm người chiến thắng.

Bên cạnh các giải thưởng giá trị nhằm tôn vinh nhân tài, VietChain Talents còn tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ chuyên sâu, cơ hội kết nối với doanh nghiệp, quỹ đầu tư, viện nghiên cứu đầu ngành nhằm nuôi dưỡng, định hướng và đãi ngộ tương xứng cho người tài, qua đó xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và một cộng đồng công nghệ mạnh mẽ, bền vững, góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược mà Chính phủ đã đề ra.

“Trong nỗ lực tìm kiếm nhân tài, chúng tôi đặc biệt kỳ vọng vào lực lượng sinh viên, kỹ sư trẻ và những người đam mê công nghệ - những người sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng các sản phẩm "Make in Vietnam", có khả năng cao ứng dụng, tạo ra những thay đổi đo lường được, nhất là trong các lĩnh vực trọng yếu như tài chính, quản lý dữ liệu, xác thực thông tin và an ninh mạng”, Đại tá, TS. Hoàng Văn Thức, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ, thành viên Hội đồng Giám khảo cuộc thi nhấn mạnh.

Kỳ vọng vào lực lượng sinh viên, kỹ sư trẻ và những người đam mê công nghệ - những người sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng các sản phẩm "Make in Vietnam".

Đặc biệt, cơ chế trao giải thưởng dành riêng cho các trường đại học, cao đẳng và tổ chức giáo dục có đội thi đoạt giải cao nhất - trị giá 200 triệu đồng/trường - là một bước đi chưa từng có tại các sân chơi công nghệ trước đây, nhằm khuyến khích các cơ sở đào tạo đồng hành cùng sinh viên trong hành trình phát triển nguồn nhân lực quốc gia.

Theo TS. Đỗ Văn Thuật, Giám đốc Giải pháp và Kiến trúc Blockchain, Công ty 1Matrix, một mạng lưới Blockchain muốn vận hành hiệu quả và bền vững cần được thiết kế với tư duy hệ thống chuẩn xác, đảm bảo bảo mật, khả năng mở rộng và đặc biệt là tính ứng dụng thực tế.

Để xây dựng những hệ thống như vậy, chúng ta cần những kỹ sư không chỉ giỏi lập trình mà còn am hiểu triết lý phân tán, biết tối ưu tài nguyên và đưa ra các giải pháp thực tiễn.

“Chính vì thế, cuộc thi VietChain Talents 2025 không đơn thuần là một cuộc thi lập trình mà là nơi để các bạn trẻ bước vào thế giới Blockchain một cách bài bản và sâu sắc. Đây là nơi các bạn học cách tư duy như một kiến trúc sư công nghệ, làm việc như một kỹ sư kinh nghiệm và sáng tạo như một nhà đổi mới thực thụ”, ông Thuật chia sẻ.

Trung tướng Đặng Vũ Sơn nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng rằng, với sự đồng hành của các cơ quan quản lý, sự kết nối chặt chẽ của cộng đồng doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học, đặc biệt là sự lan tỏa từ các sáng kiến như VietChain Talents, chúng ta sẽ từng bước xây dựng hệ sinh thái Blockchain Việt Nam vững mạnh, tạo dựng hạ tầng số an toàn, minh bạch, góp phần đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, vì một Việt Nam tự cường trong kỷ nguyên số”.

Tin bài liên quan