Giải mã Viettel Global từ "cơn mưa" giải thưởng tại Stevie Awards 2022

Giải mã Viettel Global từ "cơn mưa" giải thưởng tại Stevie Awards 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh thu tăng 17% đi kèm lợi nhuận tăng gần 8 lần là kết quả khó tin của Viettel Global trong 6 tháng đầu năm với bối cảnh viễn thông thế giới đang đi tới bão hoà. Thế nhưng, nếu nhìn vào hành trình số tại nhiều thị trường nổi bật mới đoạt giải quốc tế thì người ta có thể hiểu lý do.

6 tháng đầu năm 2022, Tổng CTCP Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) thông báo kết quả kinh doanh tích cực với doanh thu đạt 11.287 tỷ đồng – tăng 17% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 2.517 tỷ đồng – tăng gần 8 lần.

Nếu nhìn vào bối cảnh chung về kinh tế cũng như ngành viễn thông thế giới thì mức độ tăng trưởng này sẽ rất khó tin. Thế nhưng, nếu nhìn vào chiến lược chuyển đổi số cũng như những định hướng đổi mới về giá trị mang lại cho từng thị trường mà công ty này đã thực hiện suốt một chặng đường dài thì lại khác.

Đó cũng là lý do Viettel Global nhận ‘cơn mưa’ giải thưởng lớn tại Stevie Awards 2022 - Giải thưởng kinh doanh quốc tế, còn được gọi gần gũi là Giải Oscar về kinh doanh. Những số liệu và chiến lược được tiết lộ qua Stevie Awards góp phần giải mã lý do Viettel Global đạt được những kết quả kinh doanh vượt trội trong 6 tháng đầu năm 2022. Thực chất, đó là sự tích luỹ về đổi mới trên nhiều lĩnh vực, tại nhiều thị trường của Viettel Global trong nhiều năm gần đây.

Với Viettel Burundi (Lumitel), Viettel Global vừa giành Giải Vàng Stevie Awards tại hạng mục Công ty của năm, lĩnh vực viễn thông quy mô vừa. Đi kèm với đó, ví điện tử Lumicash giành Giải Bạc ở hạng mục Thành tựu về tăng trưởng.

Từ cuối năm 2016 tức sau 1,5 năm bắt đầu kinh doanh tại Burundi, Lumitel đã trở thành công ty dẫn đầu về dịch vụ di động với số lượng thuê bao lớn nhất, cơ sở hạ tầng mạng lớn nhất trong tất cả các công nghệ 2G, 3G và 4G, với vùng phủ sóng di động đạt 96% lãnh thổ đất nước.

Số người dùng của Lumitel không ngừng tăng lên từ năm 2019 đến nay và đạt con số hơn 2,5 triệu người vào năm 2021 – chiếm 60% thị phần. 75% thị trường data cũng đang nằm trong tay nhà mạng này.

Ví điện tử Lumicash được Viettel Burundi S.A cho ra đời từ tháng 3/2017 trong bối cảnh thị trường có 2 đối thủ là Ecocash và Smart Pesa với thị phần lần lượt là 97% và 3%.

Thế nhưng, cũng tương tự như Lumitel, chưa đầy một năm sau, Lumicash trở thành người dẫn đầu về Mobile Money ở Burundi với 1.058.790 tài khoản đang hoạt động. Hiện tại, Lumicash có hơn 1,4 triệu thuê bao đang hoạt động (chiếm hơn 75% thị phần). Doanh thu của Lumicash tăng trưởng không ngừng từ năm 2019.

Cả Lumitel và Lumicash đều có chung chiến lược: Xây dựng kênh phân phối rộng nhất có thể, dựa trên kênh riêng và kênh từ các “siêu đại lý”. Nếu như các kênh từ đại lý được mở rộng tự nhiên theo nhu cầu thị trường thì các điểm cung cấp dịch vụ của riêng Lumitel, Lumicash sẽ “len lỏi” đến các vùng sâu vùng xa.

Tính đến năm 2021, Lumitel và Lumicash đã xây dựng kênh phân phối với 35.000 đại lý phủ 96% Burundi, tăng 1,5 lần so với năm 2020. Từ năm 2020, công ty đã thuyết phục được 5.000 điểm bán hàng của đối thủ và 6.000 đại lý của đối thủ tham gia trở thành kênh của mình. Điều này góp phần làm cho việc thúc đẩy bán qua kênh phân phối của Lumitel bùng nổ năm 2021.

Hạ tầng mạnh giúp Lumitel đảm bảo phủ sóng trên toàn quốc với chất lượng tốt để đảm bảo cả mục tiêu kinh doanh lẫn mục tiêu xã hội. Nhưng cùng với đó, đây cũng là nhà tiên phong trong việc cung cấp các sản phẩm mới có tính cách mạng trên thị trường như gói cước mạng xã hội với quyền truy cập không giới hạn vào Facebook và WhatsApp, gói nhắn tin nội mạng không giới hạn dành cho điện thoại phổ thông với cước phí tương đương 500 đồng (0,02 USD) một ngày.

Sau khi triển khai thành công các dịch vụ truyền thống, Lumitel bắt đầu chuyển hướng sang các dịch vụ số như SMS Brandname, máy chủ đám mây, ...

Với sự góp sức của Lumicash, Burundi đã trở thành quốc gia có số lượng tài khoản tiền di động (chiếm 18% dân số) cao hơn nhiều so với tài khoản ngân hàng (7% dân số). Từ 2 năm trở lại đây, cùng với việc Lumitel ra mắt dịch vụ Lumicash tại Burundi, ví điện tử đã thực sự trở thành một công cụ nhận tiền và thanh toán nhanh chóng, an toàn và hiệu quả cho người dân Burundi.

Sinh sau đẻ muộn nhưng Mytel tại Myanmar phát triển rất nhanh. Vào tháng 10/2019, MyID ra đời, được định danh là ứng dụng “Mang cả thế giới giải trí đến cho bạn” với tính năng đáp ứng mọi nhu cầu số của người dùng (gồm cả khách hàng của Mytel lẫn các mạng di động khác).

Trong khi các công ty viễn thông còn lại chỉ vận hành các ứng dụng cho nhu cầu chăm sóc khách hàng, Mytel đã thiết lập xu hướng “Trò chơi đa nền tảng” khiến cho khách hàng cực kỳ hào hứng. Trong số đó, những chương trình nổi tiếng như Shake the Amazing, MyGarawa hay Lucky4 gần đây đã lên tới 1,3 triệu DAU (Daily Active Users – người dùng hoạt động hàng ngày), với 5 triệu lượt chơi/ngày.

Bắt kịp xu hướng Esports, Mytel cũng là công ty duy nhất tại Myanmar mang đến dịch vụ livestream và các giải đấu quốc tế độc quyền cho game thủ trên MyID với lượng người xem hùng hậu lên đến 80.000 lượt xem đồng thời. Người dùng cũng có thể truy cập để xem Video, Phim, Nhạc, Trò chơi thời thượng nhất qua MyID App mọi lúc, mọi nơi. Và cũng không thể không nhắc đến tính năng “Stranger” giúp người dùng có thể kết bạn và nghe nhạc cùng nhau.

Hiện tại, MyID đã đạt 15 triệu người dùng đăng ký, với 5 triệu MAU (Monthly Active Users – người dùng hoạt động hằng tháng), liên tục đứng đầu bảng xếp hạng các ứng dụng được yêu thích và tiếp tục tăng trưởng. Ứng dụng MyID vừà giành Giải Vàng Stevie Awards 2022 ở hạng mục Giải trí.

Cùng với thành tựu trong kinh doanh, Mytel còn đạt Giải Đồng ở hạng mục Trách nhiệm xã hội (Doanh nghiệp quan tâm đến cộng đồng). Khi Covid-19 lây lan mạnh tại Myanmar, Mytel đã triển khai chiến dịch quyên góp từ thiện lớn nhất với quy mô toàn quốc có tên “Mytel's Empower My Myanmar” tại tất cả 16 chi nhánh.

Chương trình này của Mytel nhằm tới mục tiêu hỗ trợ người dân thông qua các hoạt động về y tế, giáo dục và nhiều hoạt động cứu trợ liên quan khác (tài chính, thực phẩm thiết yếu, chỗ ở…) với 2 quỹ do công ty này sáng lập là Empower My Children và Choon Toon Charity Organisation.

Công ty này đã quyên góp 350.000 USD cho các hoạt động từ thiện của Mytel’s Empower My Myanmar và cam kết sẽ sử dụng 27.000 USD mỗi tháng cho mỗi chi nhánh trên toàn quốc cho chương trình này trong suốt năm 2022.

Trên thực tế, việc đóng góp tiền bạc chỉ là một phần nhỏ trong những nỗ lực mà Mytel cống hiến cho các hoạt động xã hội tại quốc gia này. Hầu hết nhân viên của Mytel trên tất cả các chi nhánh đều trực tiếp tham gia, quyên góp vào các hoạt động từ thiện, xã hội mà công ty phát động và triển khai. Họ làm việc đó vì muốn đóng góp vào việc cải thiện cuộc sống cho người dân tại Myanmar – điều mà người Mytel gọi là “Tương lai cho Myanmar của chúng tôi”.

Với Viettel Tanzania, Halotel giành giải Đồng ở hạng mục Công ty sáng tạo của năm. Giải thưởng này được trao cho Halotel bởi công ty luôn đổi mới trong mọi hoạt động, nỗ lực cung cấp các dịch vụ viễn thông sáng tạo và cá nhân hóa để mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng.

Cũng tương tự như các thành viên khác của Viettel Global trên toàn cầu, sau khi thực hiện sứ mệnh “bình dân hóa dịch vụ viễn thông”, Halotel đang triển khai chiến lược mới: thúc đẩy chuyển đổi số tại Tanzania.

Một trong những dịch vụ số nổi bật của Halotel là Haloyako - tiết kiệm di động. Tài khoản tiết kiệm HaloYako được kết nối với ví HaloPesa. Qua đó, khách hàng của HaloPesa có thể mở tài khoản tiết kiệm, gửi và rút tiền bằng điện thoại di động của họ. Với dịch vụ này Halotel mong muốn các khách hàng đạt được các mục tiêu tài chính và cải thiện cuộc sống hàng ngày của họ.

Bên cạnh đó, Halotel là công ty đầu tiên cung cấp dịch vụ Giải pháp CNTT cho 90% các công ty và ngân hàng lớn nhất, cũng là công ty tiên phong hỗ trợ Chính phủ và người dân Tanzania cải thiện lĩnh vực Giáo dục và Y tế bằng các giải pháp công nghệ.

Với nền tảng học tập kỹ thuật số có tên Halo Study Platform - bao gồm tất cả các môn học trong chương trình giảng dạy của trường trung học ở Tanzania, Halotel đã hỗ trợ các sáng kiến ​​của chính phủ nhằm cải thiện chất lượng giáo dục. Khác với các nền tảng ​​tương tự tại Tanzania, nội dung trên Halo Study tích hợp đa phương tiện như video, âm thanh, hình ảnh động giúp các nội dung trở nên dễ hiểu hơn so với hình thức văn bản thông thường.

Trong 2 năm 2021-2022, Halotel lắp đặt thêm hơn 1.000 trạm gốc 4G bổ sung vào 4.200 trạm BTS hiện có để mở rộng vùng phủ sóng di động băng rộng tại quốc gia châu Phi. Hiện tại, nhà mạng này có Internet di động nhanh nhất Tanzania với tốc độ tải xuống trung bình trong quý 1/2022 ở mức 17,84 Megabyte mỗi giây (Mbps), tiếp theo là Vodacom (12,09 Mbps), Airtel (10,6 Mbps), TTCL (10,4 Mbps).

Haiti là một quốc gia chưa phát triển về công nghệ Fintech nhưng thường xuyên nhận viện trợ từ nước ngoài với nhu cầu tài chính chủ yếu là dịch vụ chuyển tiền, đặc biệt là kiều hối từ Mỹ. Đặt ra sứ mệnh chuyển đổi số (digital transformation) cho toàn bộ người dân Haiti nói chung và lĩnh vực tài chính số nói riêng, Natcom ra mắt dự án ví điện tử Natcash vào tháng 12/2021, giữa bối cảnh biến động về chính trị xã hội.

Sau 4 tháng, ví điện tử Natcash đã cán mốc 750.000 tài khoản và 50.000 người dùng sử dụng thường xuyên. Natcash ghi dấu ấn với tính năng chuyển tiền ngay lập tức, mọi nơi, mọi lúc với mọi thuê bao Natcom chỉ với chiếc điện thoại.

Natcom đã phát triển thành công một hệ thống kênh phân phối với 11.000 agent trải dọc khắp đất nước, có mặt ở mọi nơi mà Natcom phủ sóng, cho phép khách hàng thực hiện nạp, rút tiền và thanh toán các dịch vụ viễn thông của Natcom. Đây là một tiện ích vượt trội tại Haiti khi mà quốc gia này chỉ có 2,1 máy ATM/100.000 dân.

Trong giai đoạn 2, Natcash có kế hoạch phát triển các dịch vụ tài chính trên platform ví điện tử như chuyển tiền kiều hối, phát triển 100.000 điểm chấp nhận thanh toán trên khắp cả nước và các dịch vụ tiết kiệm, cho vay, bảo hiểm….

Nhờ những kết quả này, Natcash giành giải Đồng của Steve Awards trong lĩnh vực Dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, Natcom đã có những bước tiến mạnh mẽ trong sứ mệnh phổ cập dịch vụ tài chính số cho người dân Haiti.

U-Office do Công ty Star Telecom (thương hiệu Unitel- Viettel Lào) phát triển đã giành giải Đồng hạng mục Sản phẩm B2B: Văn phòng di động. Đây là hệ thống quản lý văn bản điện tử do Unitel xây dựng và phát triển, được cung cấp hoàn toàn miễn phí cho nhiều bộ ngành của Chính phủ Lào, cũng như nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ trên cả nước.

U-Office cung cấp giải pháp toàn trình trong việc gửi - nhận văn bản, thực hiện phê duyệt văn bản điện tử, quản lý công việc, báo cáo trong hệ thống một cách nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm. Nhờ đó, U-Office đã góp phần bảo vệ môi trường bằng cách tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho giấy và mực in.

Được đưa vào vận hành năm 2020, U-Office có khả năng tích hợp với hầu hết các nền tảng, từ website tới các thiết bị thông minh. Giải pháp này đã giúp các đơn vị hành chính tại Lào giảm 7 lần thời gian duyệt một văn bản, thời gian chuyển văn bản chỉ dưới 5 giây, tiết kiệm gần 3.800 tấn giấy in.

Dự án này là minh chứng cho sự hiệu quả trong hợp tác và triển khai dự án chuyển đổi số quốc gia giữa Unitel và chính phủ Lào, góp phần khẳng định tầm nhìn của Unitel trong việc kiến tạo xã hội thông tin tại một quốc gia đang phát triển.

Tin bài liên quan