Giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Ninh mới đạt 21,3% sau 6 tháng đầu năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
Từ đầu năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng vẫn còn khiêm tốn, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
 Cầu Cửa Lục 3 sử dụng vốn đầu tư công đã thi công đạt hơn 80% khối lượng các phần việc.

Cầu Cửa Lục 3 sử dụng vốn đầu tư công đã thi công đạt hơn 80% khối lượng các phần việc.

Tính đến hết ngày 22/6/2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trên 14.841 tỷ đồng, trong đó đã phân khai chi tiết trên 14.234 tỷ đồng.

Hiện toàn tỉnh mới giải ngân trên 3.025/14.234 tỷ đồng, đạt 21,3% so với số kế hoạch đã phân khai chi tiết. Mặc dù có cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước (đạt 20,1%), tuy nhiên vẫn thấp hơn 7,8% so với cùng kỳ năm 2022 của tỉnh (cùng kỳ là 29,1%).

Trong đó, ngân sách Trung ương giải ngân đạt 66,36%; ngân sách cấp tỉnh giải ngân đạt 15,24% kế hoạch; ngân sách cấp huyện, xã giải ngân đạt 22,74%.

Một số đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, cao hơn trung bình cả tỉnh, như: Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh (35,5%); Ban Quản lý Dự án đầu tư các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (27,4%); Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (24,9%); Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (24,2%); Ban Quản lý Dự án Trồng rừng Việt Đức (22,3%); UBND TP Hạ Long (32,3%); UBND huyện Ba Chẽ (27%); UBND TX.Quảng Yên (25%).

Các đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân chậm, như: Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh (10,4%); TP. Cẩm Phả (10,6%); TP. Uông Bí (10,6%); TX. Đông Triều (12,2%); huyện Hải Hà (12,2%); huyện Đầm Hà (12,7%); huyện Tiên Yên (16,1%); huyện Vân Đồn (16,4%); huyện Bình Liêu (18,3%); TP.Móng Cái (18,8%). Đặc biệt, có 5 đơn vị cấp tỉnh thậm chí chưa giải ngân, bao gồm: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh; Đoàn Kinh tế Quốc phòng 327; Trường Đại học Hạ Long.

Đối với các dự án trọng điểm, có nguồn vốn lớn, tình hình giải ngân gặp nhiều khó khăn. Hiện dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX.Đông Triều, đoạn từ đường tỉnh 338 đến TX.Đông Triều (giai đoạn 1) mới đạt 19,5% kế hoạch vốn; dự án cải tạo đường tỉnh 342 đoạn thuộc địa phận huyện Ba Chẽ mới đạt 22,4% kế hoạch; dự án cải tạo, nâng cấp mở rộng QL279, đoạn từ Km0+00 đến Km8+600 mới đạt 0,6%; dự án nâng cấp Trường Cao đẳng Việt - Hàn mới đạt 28,3%.

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, việc giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh hiện đang có những tồn tại, hạn chế chung, làm chậm tiến độ giải ngân chung của cả tỉnh. Trong đó, các ban quản lý dự án cấp tỉnh đều đạt tỷ lệ giải ngân thấp so với kế hoạch đề ra. Việc phân bổ vốn vẫn còn rất chậm mặc dù nội dung này UBND tỉnh Quảng Ninh đã có 4 thông báo, trong đó thời hạn phân khai cuối cùng là ngày 15/5/2022, tuy nhiên đến nay vẫn còn một số chủ đầu tư chưa phân chi tiết.

Nút giao Hạ Long Xanh có quy mô vốn 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, đã thi công đạt hơn 80% khối lượng.

Nút giao Hạ Long Xanh có quy mô vốn 1.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, đã thi công đạt hơn 80% khối lượng.

Tính đến nay, số chưa phân khai của ngân sách huyện 595.334 triệu đồng, nếu loại trừ số vốn chưa phân khai do UBND tỉnh mới bổ sung kế hoạch vốn tại quyết định 1568/QĐ-UBND ngày 14/6/2023, thì số vốn chưa phân khai còn lại là 48.167 triệu đồng, trong đó Hải Hà và Móng Cái là 2 địa phương có tổng vốn chưa phân bổ lớn nhất, chiếm 94,7% tổng vốn chưa phân bổ cấp huyện.

Nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh tổng hợp thì có nhiều yếu tố. Song, nhìn nhận chủ quan thì vẫn là do công tác chuẩn bị đầu tư các dự án còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đánh giá, dự báo được các vấn đề phát sinh từ khâu lập chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, đến việc xây dựng thiết kế, lập dự toán dẫn đến chậm phân khai kế hoạch vốn như chương trình mục tiêu quốc gia. Một số dự án phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư do phát sinh chi phí về đất đắp, giải phóng mặt bằng dẫn đến phải điều chỉnh dự án, mà mỗi lần điều chỉnh lại phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng...

Công tác phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc giữa các chủ đầu tư với các Sở, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ như việc tháo gỡ khó khăn liên quan vị trí đổ thải của một số dự án trên địa bàn thành phố Hạ Long chưa được xử lý dứt điểm. Đơn cử như theo báo cáo của Ban Dân dụng, mặc dù đã có văn bản gửi UBND thành phố Hạ Long về xử lý vị trí đổ thải của dự án Cầu Cửa Lục 3 và Đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh, tuy nhiên đến ngày 22/6, UBND thành phố Hạ Long vẫn chưa có văn bản trả lời cụ thể.

Tiến độ xử lý tài sản công, triển khai thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị chuyên dùng còn chậm so với yêu cầu ảnh hưởng tiến độ triển khai thực hiện của một số dự án. Công tác chỉ đạo giải phóng mặt bằng của một số địa phương thuộc tỉnh (Quảng Yên, Uông Bí, Hạ Long, Vân Đồn...) vẫn còn hạn chế, chưa kịp thời tập trung tháo gỡ vướng mắc, mất nhiều thời gian gây chậm tiến độ bàn giao mặt bằng của một số dự án.

Bên cạnh đó, tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến hiệu quả của công tác giải ngân vốn đầu tư công…

Hiện nay, toàn tỉnh đã đi được nửa chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tuy nhiên nguồn vốn đầu tư công mới giải ngân được trên 21% kế hoạch.

Nhiệm vụ 6 tháng còn lại của năm 2023 là rất nặng nề trong bối cảnh thời tiết đang bước vào mùa mưa, nguồn vật liệu san lấp chưa được tháo gỡ triệt để. Điều này đòi hỏi cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn nữa trong công tác giải ngân để đóng góp vào kết quả tăng trưởng kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh.

Tin bài liên quan