Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh

0:00 / 0:00
0:00
Nhịp sống bình thường của nền kinh tế quay trở lại khiến giải ngân vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tích cực. 5 tháng, con số là 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) nhận chứng nhận đăng ký đầu tư tăng vốn thêm 920 triệu USD

Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) nhận chứng nhận đăng ký đầu tư tăng vốn thêm 920 triệu USD

Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, tính đến 20/5/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt trên 11,71 tỷ, bằng 83,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong số này, vốn đăng ký mới đạt gần 4,12 tỷ USD, giảm 53,4% so với cùng kỳ; vốn điều chỉnh đạt 5,61 tỷ USD, còn vốn góp, mua cổ phần đạt trên 1,98 tỷ USD, tăng 51,6% so với cùng kỳ.

Như vậy, mặc dù vốn đăng ký mới tiếp tục giảm, mà chủ yếu là do 5 tháng đầu năm ngoái có nhiều dự án quy mô lớn, đặc biệt là các dự án tỷ USD, nhưng cả vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đều tăng mạnh so với cùng kỳ.

Bình luận về con số này, Cục Đầu tư nước ngoài tiếp tục có những đánh giá khá tích cực. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, dù có những tác động bất lợi từ đại dịch Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu. 5 tháng đầu năm nay, không chỉ vốn tăng, mà số lượng các dự án điều chỉnh vốn cũng tăng 15,5% so với cùng kỳ.

Từ đầu năm tới nay, nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được mở rộng vốn với quy mô lớn trong 5 tháng đầu năm. Chẳng hạn, Dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) - tăng 920 triệu USD; dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện (tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng) - tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử (Phú Thọ) - tăng 163 triệu USD...

Hơn nữa, một thông tin tích cực, đó là giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng hồi phục, khi đạt 7,71 tỷ USD trong 5 tháng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, với sự trợ giúp liên tục và hiệu quả của Chính phủ và các cơ quan chức năng, cùng với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp vượt qua đại dịch và thích ứng với tình hình mới, các doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nhờ vậy, vốn giải ngân tích cực.

Cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài tính theo thành phần vốn đầu tư
Cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài tính theo thành phần vốn đầu tư

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, từ đầu năm tới nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu, với tổng vốn đầu tư đạt trên 6,8 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Tiếp theo lần lượt là các ngành thông tin truyền thông; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 398 triệu USD và gần 374,8 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, nếu xét về số lượng dự án mới, thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học - công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 29,6%, 25,6% và 17,5% tổng số dự án.

Trong khi đó, xét về đối tác, thì trong 5 tháng đầu năm, đã có 79 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ USD, chiếm 25,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 43,8% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 2,06 tỷ USD, chiếm 17,6% tổng vốn đầu tư, tăng 12,6% so với cùng kỳ.

Với dự án Lego có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư trên 1,3 tỷ USD, Đan Mạch tiếp tục đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,32 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông.

Tuy nhiên, theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn, mua cổ phần nhiều nhất trong 5 tháng năm 2022 (chiếm 19,4% số dự án mới, 33,9% số lượt điều chỉnh và 36,7% số lượt góp vốn, mua cổ phần).

Tin bài liên quan