Lãnh đạo tỉnh Cà Mau kiểm tra tiến độ thi công công trình trọng điểm. Ảnh: Trúc Đào

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau kiểm tra tiến độ thi công công trình trọng điểm. Ảnh: Trúc Đào

Giải pháp để Cà Mau phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
Vừa tập trung đầu tư đê biển, đê sông chống sạt lở, vừa ổn định phát triển kinh tế- xã hội, thu hút đầu tư, Cà Mau đang có nhiều giải pháp trong tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo nguồn lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Tiếp sức để Cà Mau chống chọi với biến đổi khí hậu

Tỉnh Cà Mau nằm ở cực Nam Tổ quốc, ba mặt giáp biển, có tổng chiều dài bờ biển 254 km và có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc bậc nhất cả nước với chiều dài tới 8.118 km.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình sạt lở đất ven sông đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là các huyện ven biển như Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển và huyện Phú Tân. Từ đầu năm đến nay có 188 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài 4.081 m, làm hư hỏng và thiệt hại 64 căn nhà, 1 cầu bê tông, 4 lò than và 1 giếng khoan, với tổng thiệt hại khoảng 9.710 triệu đồng.

Sạt lở, sụt lún thường xảy ra cục bộ, dọc các tuyến đường ven sông, bờ sông, bờ biển do tác động của mưa lớn, dòng chảy, sóng biển… Sạt lở, sụt lún đất xuất hiện phổ biến ở vùng ngọt hóa vào mùa khô và diễn biến phức tạp hơn khi xảy ra hạn hán. Đối với các vùng mặn, lợ, vùng ven biển, tình trạng sạt lở, sụt lún đất xảy ra thường xuyên hơn, nhưng nghiêm trọng nhất là vào thời điểm cuối mùa khô - đầu mùa mưa và vào những tháng cuối năm khi triều cường dâng cao.

Qua thống kê, rà soát, trên địa bàn tỉnh hiện có 162 điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở, sụt lún đất ven sông, ven biển với tổng chiều dài khoảng 281 km. Trong đó, có 31 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 49,6 km, 129 điểm sạt lở nguy hiểm với chiều dài 229,5 km, 2 điểm sạt lở bình thường với chiều dài 2 km.

Nhận được sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành trong thực hiện Kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, cùng với sự nỗ lực của địa phương, thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã hoàn thành đầu tư xây dựng 56,7 km kè bảo vệ bờ biển với tổng kinh phí 1.848 tỷ đồng; 7 km bè bảo vệ bờ sông, kinh phí thực hiện khoảng 217 tỷ đồng.

Những công trình kè chống sạt lở bờ biển được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000 ha rừng phòng hộ; công trình kè các đoạn bờ sông, cửa biển đã khắc phục được tình trạng sạt lở, đồng thời sắp xếp, chỉnh trang lại mỹ quan, trật tự xây dựng công trình, nhà ở ven sông phù hợp với biến đổi khí hậu.

Cà Mau và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục triển khai thực hiện gần 42,2 km kè bảo vệ, với kinh phí 1.785 tỷ đồng. Tuy nhiên, với tốc độ sạt lở bờ biển như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay, thì trong vài năm tiếp theo, xói lở sẽ tiếp tục làm mất thêm nhiều diện tích đất, diện tích rừng phòng hộ ven biển.

Tại buổi làm việc mới đây tại Cà Mau với 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng về tình hình sạt lở, đưa ra cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí thực hiện đầu tư xây dựng công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển và một số công trình giao thông trên địa bàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần tiến hành di dời ngay các hộ dân ở khu vực nguy cơ cao sạt lở, tránh để bị động, bất ngờ dẫn đến thiệt hại tính mạng khi xảy ra sạt lở”, đưa ra cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí thực hiện đầu tư xây dựng công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển và một số công trình giao thông trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã có chuyến khảo sát thực tế tình hình sạt lở ven biển từ Sóc Trăng, Bạc Liêu đến Cà Mau.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đã gây ra tình trạng sụt lún và sạt lở ở mức báo động. Việt Nam là một trong 5 nước trên thế giới phải chịu tác động rất lớn của biến đổi khí hậu. Trước diễn biến của biến đổi khí hậu, cần giải quyết một số vấn đề trước mắt, cấp bách và nghiên cứu giải pháp lâu dài.

Trước mắt, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển và suy thoái rừng ngập mặn rất nghiêm trọng, do đó các địa phương phải hỗ trợ, ổn định đời sống người dân khu vực sạt lở. Nhanh chóng tiến hành rà soát lại những vùng có nguy cơ sạt lở để sớm di dời, tái định cư. Tiến hành di dời ngay các hộ dân ở khu vực nguy cơ cao sạt lở, tránh để bị động bất ngờ dẫn đến thiệt hại tính mạng khi xảy ra sạt lở. Đồng thời, chỉ đạo tiếp tục xử lý, khắc phục những khu vực sạt lở, đặc biệt nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người dân và các hạ tầng quan trọng. Các bộ, ngành phối hợp cùng với các địa phương để tính toán, phân bổ nguồn vốn sao cho phù hợp với điều kiện ngân sách và xác định tính cấp bách của dự án.

Về lâu dài, phải nghiên cứu đưa ra được giải pháp căn cơ, bài bản và chiến lược. Riêng đối với Cà Mau, cần nghiên cứu để có dự án lớn, vừa đảm bảo được mục tiêu ngăn chặn sạt lở, vừa phát triển giao thông, vừa có thể tạo bãi để lấn biển ở những nơi đủ điều kiện và không ảnh hưởng đến môi trường”, Thủ tướng lưu ý.

Phát triển hạ tầng giao thông là một trong 3 đột phá của tỉnh Cà Mau thời gian tới. Trong ảnh: Đường vào trung tâm TP. Cà Mau

Phát triển hạ tầng giao thông là một trong 3 đột phá của tỉnh Cà Mau thời gian tới. Trong ảnh: Đường vào trung tâm TP. Cà Mau

Tháo gỡ nhanh điểm nghẽn về hạ tầng giao thông

Cà Mau được biết đến là địa phương giàu tiềm năng, nhưng cũng không ít điểm nghẽn. Trong đó, điều kiện tự nhiên đang tạo ra nhiều nút thắt mà thời gian qua dù đã nỗ lực hết mình, song chưa thể tháo gỡ toàn diện để tạo lợi thế trong thu hút, mời gọi đầu tư.

Hạ tầng giao thông yếu kém được xem là trở ngại lớn nhất hiện nay, khiến Cà Mau kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Quốc lộ 1 là đường giao thông duy nhất kết nối là một bất lợi của tỉnh trong nhiều năm qua. Riêng đường hàng không hiện nay dù đã có chuyến từ Cà Mau đi TP.HCM, nhưng cũng chỉ mới khai thác được máy bay có trọng tải nhỏ, hiệu quả chưa cao.

Ngoài ra, với điều kiện tự nhiên có hệ thống sông ngòi chằng chịt, nền đất yếu, không có vật liệu xây dựng tại chỗ... đã khiến việc đầu tư của doanh nghiệp trên vùng đất Cà Mau phải tiêu tốn chi phí đầu tư gần như gấp đôi so với nhiều địa phương khác...

Theo ông Hứa Minh Hữu, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Cà Mau, chi phí đầu tư cao là một trong những khó khăn, trở ngại lớn nhất mà tỉnh đang gặp phải trong thu hút, mời gọi đầu tư vào các khu - cụm công nghiệp và khu kinh tế. Thời gian qua, rất nhiều nhà đầu tư đến Cà Mau, nhưng số doanh nghiệp quyết định đầu tư còn hạn chế.

Tỉnh đã và đang tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là giao thông. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã xác định, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hiệu quả. Đây là một trong 3 đột phá chiến lược để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mời gọi đầu tư.

Theo đó, nhiều dự án giao thông trọng điểm đã được khởi công xây dựng. Tiêu biểu, cầu Sông Ðốc nối đôi bờ Bắc - Nam thị trấn Sông Ðốc (huyện Trần Văn Thời) đang triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm. Hay cầu qua sông Gành Hào nối xã Tân Thuận (huyện Ðầm Dơi) với huyện Ðông Hải (tỉnh Bạc Liêu) cũng đã được khởi công. Ðặc biệt, đường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra là trong năm 2025, để đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2026.

Không chỉ vậy, tỉnh đang cùng với Chính phủ đàm phán để tiếp cận nguồn vốn vay từ Hàn Quốc nhằm triển khai đầu tư đường hành lang ven biển từ Kiên Giang sang Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng. Tuyến đường này không chỉ thúc đẩy và vực dậy nền kinh tế khu vực ven biển, mà còn để chống sạt lở.

Dự án Đầu tư nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn từ Cà Mau - Năm Căn với quy mô mặt đường rộng gấp đôi đã được phê duyệt.

Ngoài ra, tỉnh đang đề nghị tiếp tục đầu tư đường cao tốc đoạn từ TP. Cà Mau đến Mũi Cà Mau trong giai đoạn tiếp theo; đề nghị chuyển giao Sân bay Cà Mau cho tỉnh để mời gọi đầu tư nâng cấp đạt chuẩn 4C theo quy hoạch của Chính phủ...

Theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2030, để đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống hạ tầng giao thông cần nguồn vốn đầu tư trên 81.000 tỷ đồng. Lãnh đạo tỉnh cho biết, nhu cầu thực tế rất lớn, trong khi nguồn lực có hạn, nên Cà Mau không hy vọng trong một nhiệm kỳ có thể giải quyết được hết những khó khăn, hạn chế, nhưng những nút thắt cần phải được tháo gỡ trước. Đặc biệt, để các hoạt động thu hút, mời gọi đầu tư trong thời gian tới được đồng bộ, thông suốt, tạo điều kiện thu hút hiệu quả, bền vững, Cà Mau mong muốn Chính phủ sớm thông qua Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở cho định hướng chiến lược trong giai đoạn tới.

Thực tế cho thấy, trong tất cả các nút thắt hiện nay, thì giao thông cần được ưu tiên tháo gỡ trước. Khi hệ thống giao thông được đầu tư hoàn chỉnh, tạo sự kết nối để rút ngắn khoảng cách, thì mới có thể mời gọi đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm, phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế đã được quy hoạch.

Tin bài liên quan